Lắng đọng tình quê trong lời thơ, câu hát

Không phải đêm rằm Nguyêu tiêu nhưng lời thơ, tiếng hát vẫn ngân lên bên di tích Tháp Nhạn. Đây là chương trình mới của Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên, mở đầu chuỗi chương trình sẽ được tổ chức bên tháp cổ, góp phần lan tỏa vẻ đẹp và niềm tự hào về quê hương.

Tốp ca biểu diễn ca khúc Sáng mãi con đường trên biển của nhạc sĩ - Nghệ sĩ Nhân dân Cao Hữu Nhạc trong chương trình văn học nghệ thuật “Mùa thu quê hương”. Ảnh: HUỲNH SIÊU TIẾN

Tốp ca biểu diễn ca khúc Sáng mãi con đường trên biển của nhạc sĩ - Nghệ sĩ Nhân dân Cao Hữu Nhạc trong chương trình văn học nghệ thuật “Mùa thu quê hương”. Ảnh: HUỲNH SIÊU TIẾN

Chương trình văn học nghệ thuật đầu tiên tại di tích Tháp Nhạn có chủ đề “Mùa thu quê hương”, gồm 2 hoạt động: trưng bày 60 ảnh về quê hương Phú Yên, từ kết quả cuộc thi và triển lãm ảnh kỷ niệm 35 năm Phú Yên tái lập tỉnh (1/7/1989-1/7/2024) và trình diễn gần 20 tác phẩm thơ, ca khúc, dân ca bài chòi. Đêm trình diễn đã thu hút văn nghệ sĩ và những người yêu văn chương nghệ thuật hội ngộ tại sân tháp cổ.

Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về

(Sang thu - Hữu Thỉnh)

Trong phần đầu tiên của đêm diễn, các nghệ sĩ, tác giả trình diễn tổ khúc thơ Mùa thu quê hương. Bạn yêu thơ cùng khán giả gặp lại một trong những tác phẩm được yêu thích của nhà thơ Hữu Thỉnh - bài thơ Sang thu; gặp lại trích đoạn trong bài thơ nổi tiếng Đất nước của cố nhà thơ Nguyễn Đình Thi; cùng nghe bài thơ Thu đi qua đời nhau của cố tác giả Lưu Phúc và cảm nhận tiếng lòng của nhà văn Huỳnh Thạch Thảo - một người con đã cài hoa trắng trên ngực áo, khi trăng Vu lan về.

Trong phần II, khán giả nghe những bài thơ, ca khúc về mùa thu, về quê hương Phú Yên, về bến Vũng Rô và tàu Không số. Một mùa thu với chuyện tình thật đẹp trong bài thơ Con đường ngõ trúc của cố tác giả Đỗ Chu Thăng:

...Thu qua mười bảy, hai thu nữa

Lễ viếng nhà em mấy quả hồng

Nghỉ học, anh về nghe mẹ bảo:

- Thầy coi ngày tốt cuối mùa đông

Hai mươi, anh mới thật là anh

Ngõ trúc vào ra chỉ một mình

Vẫn đôi chim nhỏ bên bờ giậu

Dạo bản tình ca với nắng xanh...

Quang cảnh chương trình nghệ thuật "Mùa thu quê hương". Ảnh: HUỲNH SIÊU TIẾN

Quang cảnh chương trình nghệ thuật "Mùa thu quê hương". Ảnh: HUỲNH SIÊU TIẾN

Xứ Nẫu chỉ có hai mùa mưa nắng. Nhưng trong thời điểm giao mùa, đôi lúc chúng ta cảm nhận bước chân mùa thu, hơi thở mùa thu khẽ khàng đâu đó. Đây là những hình ảnh rất đẹp của Tuy Hòa trong bài hát Tuy Hòa - Một khúc thu. “Bầu trời xanh ngắt như chưa từng xanh thế bao giờ/ Mượt phù sa đỏ thắm dòng sông Đà Rằng/ Kìa cơn gió thoáng qua mà sao trong trẻo thế/ Cơn gió mùa thu mùa thu Tuy Hòa...” (nhạc: Nguyễn Đình San, lời thơ: Nguyễn Thế Khoa).

Và có một mùa thu khác, mùa thu “lạnh trơ tượng đá/ Vết rìu giờ tạc chân mây/ Lòng mình đi về trăm ngả/ Tha thẩn tìm hương cúc gầy” trong ca khúc Lãng quên mùa thu - tác phẩm được nhạc sĩ Xuân Thành phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của nhà thơ trẻ Trần Lê Anh Tuấn.

Bến Vũng Rô - nơi Phú Yên đón những chuyến tàu Không số vận chuyển vũ khí, đạn dược... chi viện cho chiến trường Khu 5 và Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước - là nguồn cảm hứng lớn của văn nghệ sĩ Phú Yên. Một số tác phẩm thơ, nhạc của các tác giả Phú Yên sáng tác về đề tài này đã được giới thiệu với khán giả, như bài thơ Chiều Vũng Rô của tác giả Huỳnh Duy Hiếu, Cho tôi một vé tàu Không số của tác giả Nguyễn Duy Tẩm, Biển gọi tên người của tác giả Đặng Văn Thơm, ca khúc Sáng mãi con đường trên biển của nhạc sĩ - Nghệ sĩ Nhân dân Cao Hữu Nhạc...

Từng đến Vũng Rô, tác giả Nguyễn Mạnh Thắng - một người con của quê hương Hải Dương thân thương, hiện là Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Dương - đã sáng tác ca khúc Vũng Rô - Bến tàu huyền thoại với những câu hát đầy xúc động, tự hào: “Anh kể em nghe về đất nước mình/ Chiến tranh liên miên suốt chiều dài lịch sử/ Có những con người, những địa danh bất tử/ Khao khát hòa bình, khao khát tự do/ Anh kể em nghe về những chuyến tàu/ Phút giây xuất quân là lễ truy điệu sống/ Tàu Không số chọn bão giông rời bến/ Chọn vùng đạn bom làm bến đỗ sau cùng...”.

Trong chương trình văn học nghệ thuật “Mùa thu quê hương”, bên cạnh những nghệ sĩ cổ nhạc: Mai Hoàng, Hoàng Hường; những giọng ngâm, giọng đọc thân thương với khán giả yêu thơ như Ngọc Hà, Bích Trâm, Vũ The, Phan Kim Việt, còn có anh Bùi Văn Thành, chị Thụy Hằng - hai gương mặt vừa trở nên thân quen trên sân khấu thơ. Biểu diễn ca khúc, ngoài Nghệ sĩ Ưu tú Khánh Trang, ca sĩ Quang Toàn, nhạc sĩ Xuân Thành và nghệ sĩ Hoàng Cầm hát dân ca bài chòi, trên sân khấu chương trình văn học nghệ thuật xuất hiện một giọng ca mới toanh: Thái Thanh. Chị hát ca khúc Về Hà Nội đi em (lời thơ: Bùi Văn Thành, nhạc: Cao Hữu Nhạc).

Chương trình văn học nghệ thuật “Mùa thu quê hương” nhằm tăng cường quảng bá nét đẹp của vùng đất - con người Phú Yên, góp phần xúc tiến du lịch, đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào về quê hương Phú Yên, hướng tới kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của tàu Không số (28/11/1964-28/11/2024).

Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên hướng tới xây dựng và tổ chức chương trình văn học nghệ thuật tại di tích Tháp Nhạn định kỳ hàng quý với các chủ đề phù hợp 4 mùa trong năm.

Ban tổ chức chương trình hy vọng rằng bên cạnh những bức ảnh nghệ thuật về phong cảnh Phú Yên thì mỗi lời thơ, mỗi câu hát về vùng đất này sẽ tạo nên sự lắng đọng và dư âm lâu dài nơi mọi người đặt chân đến.

Nhà thơ Huỳnh Văn Quốc,

Phó Chủ tịch điều hành Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên

YÊN LAN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/321285/lang-dong-tinh-que-trong-loi-tho-cau-hat.html