Lắng đọng với những bức ảnh đen trắng 'kể chuyện' Hà Nội
Những bức ảnh đen trắng của hai nhiếp ảnh gia Lê Bích và Andy Soloman (Vương quốc Anh) trưng bày tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cũ Hà Nội đã đem đến cho công chúng những ký ức đẹp về Hà Nội trong những năm qua.
Đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954- 10/10/2024), không gian của Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cũ Hà Nội (biệt thự số 46 phố Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) biến thành không gian để công chúng hồi tưởng về một thời chưa xa của Hà Nội.
Đó là Hà Nội giai đoạn từ năm 1992 đến năm 2012 qua góc nhìn của hai nhiếp ảnh gia Lê Bích và Andy Soloman (Vương quốc Anh) với chủ đề “Hà Nội - một thời để nhớ”.
Hà Nội luôn là đề tài hấp dẫn, nguồn cảm hứng vô tận cho sáng tác của nhiều thế hệ nghệ sĩ. Nhiều tác phẩm mỹ thuật giá trị, đậm chất hiện thực, khắc họa những hình ảnh sinh động, chân thực và sâu sắc, thể hiện được sức sống, sức vươn lên không ngừng nghỉ của Thủ đô, qua đó cũng thể hiện niềm tin của nhân dân cả nước dành cho mảnh đất thân yêu này.
Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội đã giới thiệu 86 tác phẩm nhiếp ảnh, tất cả đều là ảnh đen trắng của 2 nhiếp ảnh gia Andy Soloman và Lê Bích.
Tác giả Lê Bích là người con sinh ra lớn lên tại Hà Nội, chứng kiến từng đổi thay của Thủ đô yêu dấu qua nhiều năm tháng.
Còn nhiếp ảnh gia Andy Soloman đến từ Vương quốc Anh, lần đầu tiên đến Hà Nội vào tháng 10/1992. Ông sống tại thành phố trong 7 năm và thường xuyên quay lại trong những năm sau đó. Hà Nội để lại những ấn tượng mạnh mẽ trong ông và ông đã ghi lại cuộc sống của con người nơi đây vào thời khắc mà thành phố có những thay đổi sâu sắc khi chính sách đổi mới được thực hiện.
Các tác phẩm mang lại cho người xem một cái nhìn hoài niệm và cảm xúc về cuộc sống trong thành phố và những bước chuyển mình của Hà Nội qua các thời kỳ.
Đó là những ánh mắt ngây thơ của những đứa trẻ trong giờ giải lao sau tiết học, là những cụ ông “rất Hà Nội” cùng nhau trên phố đi chúc Tết, là khung cảnh nghệ nhân truyền thần Bảo Nguyên đang vẽ chân dung trong một khung cảnh hết sức thanh bình trên phố, hay khung cảnh đời thường ở một hiệu cắt tóc…
Những hình ảnh đó là những lát cắt của cuộc sống, cũng là một phần lịch sử của thành phố, nay đã trở thành những hoài niệm đẹp khi nhớ về Hà Nội một thời đã chưa xa.
Cũng trân trọng những khoảnh khắc cuộc sống, nhưng Andy Soloman lại đem đến cái nhìn độc đáo riêng. Hình ảnh người thợ vá xe trên phố, người bán hàng dọc phố Đồng Xuân… đi vào tác phẩm của ông rất sinh động. Và tất cả đều gợi lên nỗi nhớ về Hà Nội, khiến người ta cảm nhận rõ ràng, Hà Nội đúng là nơi bất cứ ai ra đi, đều mong muốn trở về….
Chia sẻ về những năm tháng gắn với Hà Nội, ông Andy Soloman cho biết: “Ở bất cứ nơi đâu khi đến Hà Nội, tôi đều được đón tiếp bằng lòng hiếu khách và sự tử tế. Khi nhìn lại những bức ảnh tôi chụp vào thời điểm đó, tôi nhận ra đó chính là những ghi chép quan trọng về cuộc sống trong thành phố”. Ông còn cho biết, ông rất vui nếu được gặp lại những nhân vật đã đi vào trong các tác phẩm của ông.
Nhiếp ảnh gia Lê Bích vốn là người Hà Nội, yêu Hà Nội và có nhiều năm khám phá, tìm tòi những góc nhìn khác nhau về Hà Nội. Anh cho biết: “Qua thời gian, tôi đã thực hiện những bộ ảnh ghi lại vẻ đẹp, tinh hoa và bản sắc của Hà Nội. Tôi mong rằng những bức ảnh này sẽ là một nốt trầm trong bài ca về Hà Nội, như một tia nắng chiều làm bừng sáng những cổng chùa cổ kính đã phai màu thời gian, như một bông cúc vàng trong vườn hoa bên hồ khi thu về... để chúng ta thêm yêu và trân trọng những gì mà Hà Nội đã và đang có hôm nay”.
86 bức ảnh là 86 câu chuyện cuộc sống. Đó là những nhật ký thân thương ghi lại một giai đoạn chuyển mình của Hà Nội, về “Hà Nội một thời để nhớ”. Sau khi xem triển lãm, bà Nguyễn Thị Mai (phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: “Những bức ảnh tại triển lãm đều chụp Hà Nội cách đây chưa lâu. Nhưng khi nhìn lại, tôi vẫn rất xúc động. Bởi Hà Nội thay đổi nhanh quá. Cần những người ghi lại cuộc sống Hà Nội như thế để chúng ta luôn nhớ về Thủ đô của mình”.