Làng Đùng có ngôi chùa Đùng

Tương truyền chùa Đùng được xây dựng vào đầu thời Lý, tức cách đây khoảng mười thế kỷ.

Chùa Địa Tạng hôm nay. Ảnh: Trọng Văn

Chùa Địa Tạng hôm nay. Ảnh: Trọng Văn

Trong lần dự Trại sáng tác của Bộ Công an, nhà văn Đoàn Hữu Nam có kể: “Thuở nhỏ sống ở làng, tôi thường cưỡi trâu bơi qua sông đào bé tí xíu, lên tới bờ thì dong chúng đi xuyên qua cánh đồng lúa để lên núi chơi. Lùa lên núi Đùng xong là để mặc trâu tha thẩn gặm cỏ, tôi ghé hõm núi tìm vào chùa Đùng. Nghe mọi người nói chùa ấy lâu đời và linh thiêng lắm”…

Chỉ mới nghe ông nhà văn, tác giả của những tiểu thuyết nổi tiếng như “Rễ người”, “Thổ phỉ”, nói sơ sơ tôi đã hình dung ra ngôi chùa thuần khiết như bao ngôi chùa làng của người Việt. Chùa Đùng, cái tên nghe nôm na, còn đượm màu thôn dã bởi gọi theo tên cúng cơm của làng.

Tôi nhớ ngày còn nhỏ thường theo mẹ “lên chùa” vào hôm Rằm hay ngày mùng Một. Chùa làng tôi cũng thế, tên gọi theo tên làng, chùa Vạc. Mẹ dắt tay tôi đi men theo con đường bờ ruộng để tới cuối làng. Chùa làng tôi ở đó, một ngôi chùa nhỏ dáng thanh bần, ẩn khuất dưới những tán lá nhãn xum xuê.

Chùa Đùng đã có một thời gian dài bị hoang phế. Theo như nhà văn Đoàn Hữu Nam kể, hồi bé mỗi khi ông tìm vào thường chỉ thấy khu nhà đổ nát nhưng sự bí ẩn vẫn còn tồn tại, được nằm ở ba yếu tố: Thời gian, sự đồn đại và việc xây dựng.

Về mặt thời gian, tương truyền chùa Đùng được xây dựng vào đầu thời Lý, tức cách đây khoảng mười thế kỷ. Thời kỳ đó, tức là vào giai đoạn Phật giáo được coi là Quốc đạo thì việc ra đời các ngôi chùa nhiều và rộng là điều hiển nhiên. Chùa Đùng vào thời thực đỉnh có tới 120 gian, quả là hết sức rộng lớn.

Lối mòn dẫn lên núi Đùng.

Lối mòn dẫn lên núi Đùng.

Căn cứ vào độ rộng lớn đó cho thấy ngay từ đầu đã là chùa “trung tâm” ở vùng Đồng bằng Hà Nam này. Thêm nữa, đâu như qua dấu tích tìm được thì trên đỉnh núi Đùng có tháp Phổ Đồng, là nơi yên nghỉ của hơn 40 đời Tổ sư của chùa Đùng. Hiện, Phụng Tổ Đường của chùa là nơi thờ 42 vị tổ sư từng trụ trì ở đây.

Về khía cạnh đồn đại, bởi đâu như từ trước đó hàng trăm năm vua Lê Hoàn đã đem quân về địa điểm dưới chân núi Đùng này để tập luyện. Đến thế kỷ 17, vua Trần Nghệ Tông ở ẩn tại đây một thời gian. Và câu chuyện vua Tự Đức về cầu tự thêm một lần nữa khẳng định những tương truyền linh thiêng của chùa.

Thêm nữa: Người dân vẫn truyền nhau về tên gọi của làng Tháp tiếp giáp với làng Đùng, xuất phát từ việc tháp Phổ Đồng được đặt trên đỉnh núi cao khi nắng chiều chiếu vào bóng đổ xa vút tầm mắt ra khỏi làng Đùng chạm sang làng bên nên làng cạnh đó được đổi tên là làng Tháp. Lời truyền ấy như một khẳng định về từng có sự tồn tại của tháp Phổ Đồng và tính ngàn năm của chùa Đùng.

***

Lâu lắm rồi không có được “cảm giác” lên chùa nhẹ nhàng và quê kiểng như thế nên tôi quyết định phải về thôn Ninh Trung, xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam để thưởng ngoạn gió đồng và an yên thảnh thơi nằm đọc sách dưới bóng thông trên núi, rồi nhẩn nha bước chân vào chùa nghe tiếng kinh cầu. Đó có phải là “giấc mơ trưa” không nhỉ?

Từ Hà Nội, xe xuôi Quốc lộ 1, qua thành phố Phủ Lý, đến phố Tâng huyện Thanh Liêm thì rẽ trái. Xe đi qua những ngôi làng nhỏ, có làng nằm giữa cánh đồng lúa xanh bát ngát, có làng nằm sát chân đồi gió mát lá non.

Chừng ba cây số xe chạy giữa hương đồng gió nội thì chúng tôi đến tới chùa Đùng. Chùa bây giờ được mang tên mới: Địa Tạng phi lai tự, nghe từa tựa như địa danh ở nơi xa xôi nào đó hoặc là bên nước Nepan trên dãy Himalaya hay vùng Vân Nam, Trung Quốc...

Lối đi qua 'bể khổ' để lên chùa. Ảnh: Trọng Văn

Lối đi qua 'bể khổ' để lên chùa. Ảnh: Trọng Văn

Đón chúng tôi ngay tại sân trước cửa chùa là các anh chị ở Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Hà Nam. Cô Nguyễn Toan, cán bộ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam, chuyên viên nghiên cứu về văn hóa dân gian của Sở, người được Hội Văn nghệ Hà Nam mời tới làm hướng dẫn viên cho đoàn chúng tôi, vồn vã cất tiếng chào.

Rồi đứng ngay trước sân chùa, cô Nguyễn Toan cho biết: “Đúng là chùa này tên xưa gọi là Đùng. Theo truyền lại, chùa có tuổi đời cũng ngàn năm. Tên Đùng còn có nghĩa là to, rộng”. Nói rồi Nguyễn Toan chỉ tay về phía sau, cô hướng mắt mọi người về cánh đồng lúa; chỉ tay về đằng trước, cô hướng mắt mọi người nhìn lên dãy núi Đùng.

“Chùa được phục dựng lại ở đúng vị trí của chùa Đùng xưa. Dãy núi Đùng gồm nhiều mỏm nối nhau. Chính giữa dãy núi có điểm uốn cánh cung người dân gọi là bụng núi, ở đấy có ngôi chùa mà các cô, các chú đang nhìn thấy. Chùa Địa Tạng ngự ở vị trí đó nên vừa kín đáo vừa bao quát được hết cánh đồng trước mặt”, cô Toan nói tiếp và lần lượt giới thiệu với chúng tôi về quá trình hình thành và xây dựng chùa Đùng.

Theo đó, sau khi chiến thắng quân Chiêm Thành dưới triều Trần, nhiều tù binh là người Chiêm được đưa về đây làm lao dịch. Những tù binh người Chiêm bất đắc dĩ trở thành thợ xây dựng nên đã đem phong cách kiến trúc Chămpa xây dựng chùa.

Cô Toan cho hay: “Năm 2015, được sự đồng ý của tỉnh và sự đồng lòng của người dân địa phương, nhà sư Thích Minh Quang đã tiến hành phục dựng lại chùa trên nền cũ. Quá trình đào đắp đã phát lộ nhiều mẫu gạch ngói có phong cách Chămpa.

Hiện, những cổ vật đó được lưu giữ trong phòng trà thất nhỏ ở trong chùa. Sư Thích Minh Quang là người “có thú” với Trà đạo, một kiểu uống trà thanh sang của người Nhật. Hơi tiếc là hôm nay sư trụ trì đi vắng nên các cô, các chú không được nhìn ngắm cổ vật”.

Chùa mang tên Đức Địa Tạng Vương bởi mục đích chính của chùa là cầu an cho chúng sinh, cứu khổ cứu nạn cho chúng sinh? Nghe thắc mắc ấy, cô Nguyễn Toan hào hứng cho hay: “Chùa này là ngôi chùa duy nhất ở nước ta hiện nay không gắn với thần linh”.

Tôi nhận biết được điều đó khi bước hẳn vào trong chùa. Trên Phật điện nổi bật là bức hoành phi với dòng chữ “Thiên nhân chi đạo sư” - dòng chữ được viết bằng tiếng Việt kiểu thư pháp.

Theo đó “Thiên nhân chi” có nghĩa là bậc thầy của loài người và cõi trời, còn “đạo sư” là chỉ từ các vị Bồ tát trở xuống được gọi là đạo sư. Suy ra, bức hoành phi ấy ám chỉ: Nơi đây có vị đạo sư bậc thầy của loài người và cõi trời hạ giới xuống đây cứu khổ chúng sinh?

Trên Ban Phật điện có tượng Thích ca mầu ni ở bậc trên cùng, bậc dưới là tượng Địa Tạng Vương Bồ tát, ngài với vẻ mặt hiền từ lại thêm bộ áo nâu. Đôi bên là hai đệ tử của Đức Phật là A Nan và Ca Diếp.

Phật điện với lối bài trí giản tiện. Ảnh: Trọng Văn

Phật điện với lối bài trí giản tiện. Ảnh: Trọng Văn

Không khói hương nghi ngút và không hoa đăng bầy đặt. Phải nói là Phật điện khá nhẹ nhàng và đơn giản. Khách vào chùa đều được yêu cầu không đứng lố nhố hay đi lại lộn xộn, không chụp ảnh quay phim. Mọi người vào tới đây thì ngồi quỳ gối, chắp hai tay niệm Phật, không ai được thắp hương hay dâng đồ lễ. Chùa không gắn với thần linh nên nhà chùa không làm lễ cầu cúng thần linh.

Chỉ duy nhất một lần trong năm chùa tiến hành lễ cầu siêu vào dịp Rằm tháng Bảy cho những linh hồn phiêu dạt, lễ được tiến hành ở sân trước chùa chứ không làm trong chùa. Do vậy không như những ngôi chùa có tiếng linh thiêng mà tôi từng đến, ở chùa Địa Tạng này không có đoàn gia chủ đầu đội mâm lễ, tay bưng đồ cúng náo nhiệt rồi sì sụp khấn vái.

Cũng không có múa hát tưng bừng, trống phách rộn rã. Không gian trong chùa Địa Tạng khá thanh tịnh và cũng khá dễ chịu cho những ai chỉ đến để vãng cảnh và cầu an. Đúng như cô Nguyễn Toan đã nói: “Tới đây là để tìm sự bình an, thanh tịnh”.

Chùa Địa Tạng hiện được ôm trọn bởi dãy núi Đùng có hình vòng cung, lại được che chở dưới khu rừng thông xanh mướt, bên cạnh chùa còn có những mạch nước ngầm. Tất cả đã tạo nên bức tranh vô cùng tuyệt diệu như chốn tiên cảnh phong thủy hữu tình, vừa có thanh vừa có sắc.

Thêm vào đó, ở bên phải ngôi chùa, ven theo triền núi có nhiều vạt đất bằng phẳng, ở đó được trang trí cảnh quan mang đậm màu sắc giáo lý đạo Phật, không hướng đến sự sùng bái thần linh mà hướng đến nhận thức chân lý về thế giới xung quanh từ đó hướng con người đến chân - thiện - mỹ nên nơi đây cây cỏ, những bức tượng nhỏ hay vật dụng phụ trợ đều được cân nhắc chọn lựa tạo vẻ đẹp trong sự hài hòa, tĩnh tại làm cho người dạo bước ngắm cảnh có cảm giác hòa mình và thiên nhiên trời đất.

Nhìn toàn cảnh chùa cũng như quan sát từng cấu trúc của quần thể chùa Địa Tạng, không khó nhận thấy trong kiến trúc cũng như trong ý thức chùa mang dáng dấp phong cách Nhật Bản. Theo đó, muốn vào chùa mọi người phải theo lối đi là những phiến đá màu đen nhạt, có kích cỡ đủ vừa cho hai người đứng nép tránh nhau.

Chúng được đặt cách nhau tạo thành lối đi trên khoảng sân rải đá trắng. Theo đó, có lối đi dẫn lên chùa chính, lối đi dẫn tới nhà phụ. Cô Nguyễn Toan cho hay: “Sân đá trắng này được hiểu là “bể khổ”.

Do vậy không ai được và không nên “bước” vào bể khổ. Muốn lên chùa hay xuống đều phải thận trọng đi từng bước một, biết chờ đợi, nhường nhịn, không được chen lấn hay vội vã, nếu không sẽ “rơi” xuống bể khổ. Đây cũng là cách hướng con người vào sự bình tâm”.

Một buổi vãng cảnh chùa qua nhanh. Từ sân chùa, tôi ngước mắt nhìn lên dãy núi Đùng. Núi xanh mướt dưới ánh nắng hè rực rỡ. Chợt nhớ vẻ mặt buồn buồn của nhà văn Đoàn Hữu Nam: “Giá như chùa vẫn mang tên xưa thì gần gũi biết bao”.

Cánh đồng lúa dưới chân núi Đùng. Ảnh: Trọng Văn

Cánh đồng lúa dưới chân núi Đùng. Ảnh: Trọng Văn

“Cho hỏi tên chùa như hiện nay có nghĩa là gì?”, tôi hỏi cô hướng dẫn viên Nguyễn Toan. “Địa Tạng là tên của Đức Địa Tạng Vương, ngài là một trong bốn vị Bồ tát cứu khổ cứu nạn của Phật giáo Đại thừa. Hiện chùa thờ Đức Địa Tạng cùng giáo lý cứu khổ cứu nạn của Ngài. Còn “phi lai tự” thì theo như cháu được biết, hồi trước vua Tự Đức vì không có con nên tìm đến chùa Đùng để cầu tự. Cầu tự xong hình như vẫn không toại nguyện nên vua có nói “Phi lai”. Câu nói này có thể hiểu là “không quay lại” hoặc là “quay trở lại””, cô Toan giải thích.

Thế nhưng, tôi thấy có gì đấy không ổn vì không ai ghép tên một vị Bồ tát với câu nói của một vị vua để thành tên riêng. Cứ như lối xưa ấy, chùa đặt ở làng nào thì gọi theo tên làng, chùa đặt ở vị trí nào thì gọi theo vị trí đó. Thôn Ninh Trung xưa là làng Đùng, và dãy núi Đùng vẫn còn đấy với tên gọi có từ thời xa xửa xa xưa. Việc đặt tên “Địa Tạng phi lai tự” nghe vừa lạ lẫm vừa không có lý. Tôi chạnh nghĩ: Hay là khi phục dựng lại “người ta” đã “mượn” tích cũ rồi gắn với tên một vị Bồ tát vào để “câu view”, có vẻ bí hiểm, tăng thêm sự linh thiêng vốn chỉ truyền tụng trong dân vùng này? Thôi thì để hậu xét…

Nguyễn Trọng Văn

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/lang-dung-co-ngoi-chua-dung-post645960.html