Làng gốm Bát Tràng nhộn nhịp phục vụ Tết Ất Tỵ 2025
Những ngày cận Tết Nguyên đán, người dân làng nghề gốm Bát Tràng (TP. Hà Nội) lại tất bật để cho ra lò những sản phẩm cung ứng thị trường ngày Tết.
Làng nghề gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội) là làng gốm lớn và nổi tiếng bậc nhất Việt Nam. Những ngày cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các cơ sở gốm sứ trở nên nhộn nhịp hơn với lượng khách tìm về mua các sản phẩm chuyên sản xuất đồ thờ, đồ phong thủy, bình hút lộc, linh vật rắn…
Những nhóm thợ tập trung, chăm chú vào việc đắp, tô sản phẩm; thợ nhào trộn nguyên liệu làm việc không ngơi tay. Từng đoàn xe tải chở những chuyến hàng gốm sứ đi muôn nơi, nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế tìm đến tham quan, mua sắm.
Anh Nguyễn Quang Minh, chủ cửa hàng gốm sứ mỹ nghệ Hùng Anh (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội) cho biết: “Sản phẩm gốm sứ ở Bát Tràng phong phú, đa dạng, được làm thủ công, với các màu men lam, nâu, rạn, xanh ngọc đặc trưng, xanh coban, trang trí các họa tiết hoa, lá, chim, thú, phong cảnh sơn thủy hữu tình, phù hợp từng loại sản phẩm, đáp ứng thị hiếu khách hàng. Các loại sản phẩm gốm bán chạy, đắt hàng vào dịp cuối năm thường là bát đĩa, tô, âu, lọ hoa và nhiều loại sản phẩm khác phục vụ cho sinh hoạt tiêu dùng trong các gia đình”.
Tại làng gốm Bát Tràng, 1 vài cửa hàng gốm sứ cũng sản xuất sản phẩm linh vật rắn để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Linh vật rắn biểu tượng cho sự may mắn, tài lộc và nguồn tài nguyên quý giá, nhưng ít người chơi, nên hầu hết các xưởng chỉ làm theo đơn đặt hàng. Tại cửa hàng của nghệ nhân Trần Độ trưng bày các sản phẩm linh vật rắn dát vàng 24k đang gây sốt trên thị trường.
Còn tại xưởng sản xuất gốm Dương Yến, những người thợ cả nam và nữ đều phải “luôn tay luôn chân” để tạo ra các sản phẩm thủ công. “Trước Tết Nguyên đán khoảng 2 tháng, các lò gốm trong làng Bát Tràng bắt đầu tập trung nguyên vật liệu và nhân lực để sản xuất hàng Tết. Những nguyên vật liệu này được các đơn vị có cơ sở tại làng khai thác và cung cấp luôn. Năm nay kinh tế khó khăn kéo theo lượng hàng tiêu thụ giảm”, chị Yến – chủ xưởng sản xuất gốm Dương yến cho biết.
Cũng theo chị Yến, quy trình tạo ra 1 sản phẩm gốm Bát Tràng bắt đầu từ việc khuấy hồ, cho hồ vào khuôn tạo hình sản phẩm, sau đó tiện hàng, phơi khô, lau sạch, tráng men, rồi cho vào lò nung đến 1.200 độ C, sau đó ra lò, đóng gói giao cho khách hàng. Từng khâu trong quá trình tạo ra sản phẩm đều được những người thợ gốm tỉ mỉ, chau chuốt với mong muốn đem đến cho khách hàng những mặt hàng vừa bền, vừa đẹp để đón Tết.
Bình hút lộc là một loại sản phẩm gốm sứ có họa tiết đặc sắc, mang ý nghĩa phong thủy được nhiều gia đình lựa chọn mua trưng bày. Theo các tiểu thương tại làng gốm Bát Tràng, những bình hút lộc vẫn duy trì được lượng khách đều đều qua các năm, giá cả ít biến động vì “chơi” được lâu mà không bị lỗi mốt.
Không khí nhộn nhịp, đông đúc ở chợ gốm Bát Tràng những ngày cuối năm diễn ra suốt từ sáng sớm cho tới tận tối khuya. Khách tới tham quan mua hàng không chỉ đến từ trung tâm nội đô, mà còn tới từ nhiều tỉnh thành khác như Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh…bởi từ lâu gốm của làng nghề Bát Tràng đã có thương hiệu được nhiều người ưa chuộng.
Hiện nay, toàn xã Bát Tràng có khoảng 1.000 hộ sản xuất, kinh doanh gốm sứ, chiếm khoảng 80% số hộ dân tại Bát Tràng. Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, hằng năm, Bát Tràng tích cực đăng ký tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đến nay, Bát Tràng có hơn 50 sản phẩm gốm sứ đạt OCOP 4-5 sao.
Việc không ngừng sáng tạo và tìm tòi cho ra các dòng sản phẩm mới của các nghệ nhân tại làng gốm Bát Tràng đã giúp người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn trong việc mua sắm dịp Tết, cũng là cách để các sản phẩm của làng gốm hàng trăm tuổi có chỗ đứng không thể thay thế trong thị trường gốm sứ Việt Nam.