Làng Hào Lương trên đất Lam Sơn
Nằm trong không gian của đất Lam Sơn, làng Hào Lương (nay là khu phố Hào Lương) thuộc thị trấn Lam Sơn (Thọ Xuân) là vùng đất cổ có con người đến cư ngụ sớm. Nơi đây là quê hương của nhiều khai quốc công thần đã dốc sức cùng Bình Định vương Lê Lợi làm nên thắng lợi của khởi nghĩa Lam Sơn... Trải qua thời gian, trên đất Hào Lương xưa còn lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống.
Nằm cách Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh khoảng 3km về phía Đông Nam, làng Hào Lương còn được biết đến với tên gọi làng Choán. Làng nằm trên thế đất bán sơn địa, bên dòng sông Chu. Căn cứ vào những dấu tích lịch sử, lưu truyền dân gian, người dân Hào Lương tin rằng, vùng đất này vào thời Lý - Trần đã có con người đến cư ngụ, lập làng. Để đến thế kỷ XV, khi hào trưởng Lê Lợi nơi đất Lam Sơn phất cờ khởi nghĩa đánh đuổi giặc Minh xâm lược thì làng Hào Lương đã trở thành một cộng đồng dân cư đông đúc.
Dưới cờ nghĩa Lam Sơn do Bình Định vương Lê Lợi khởi xướng, người dân Hào Lương đã cùng nhau góp sức người, sức của. Trong đó có nhiều vị tướng xuất chúng, là khai quốc công thần nhà Lê Sơ như Lê Sao, Lê Bị, Lê Nhi...
Theo các tài liệu lưu giữ tại địa phương, Lê Bị tham gia khởi nghĩa Lam Sơn từ những ngày đầu. Ông là vị tướng tài, đã dốc sức trong hầu hết các trận đánh lớn nhỏ, lập nhiều công lớn. Khởi nghĩa thành công, Bình Định vương Lê Lợi lên ngôi, luận công ban thưởng, Lê Bị được ban tước Huyện Thượng hầu, Bảo Chính công thần, Nhập nội Thiếu úy.
Còn theo sách Di tích và danh thắng Thanh Hóa (tập 5) Lê Bị là một trong những người có tên trong danh sách 221 công thần được ban “Lũng Nhai khai quốc công thần” và là một trong 93 khai quốc công thần được ban biển ngạch. “Khi bình định xong giặc Ngô, ông tỏ rõ là một công thần trung quân được nhà vua tin dùng. Năm Thuận Thiên thứ 4 được cùng vua ngự giá chinh phục Thái Nguyên. Năm Hồng Đức thứ 15 được ban hàm Thái phó, tước Mậu Quận công...”.
Cũng như Lê Bị, Lê Nhi người làng Hào Lương cũng được xếp vào hàng tướng giỏi. Sau khi khởi nghĩa Lam Sơn giành thắng lợi, ông được giữ chức Tổng quản Hà Nam, phụ trách về quân binh. Đến năm Hồng Đức thứ 15 được tặng tước Mậu Tương hầu... Sau khi mất, các vị khai quốc công thần được người dân phụng thờ tưởng nhớ.
Là ngôi làng được lập dựng sớm song Hào Lương cũng không tránh được những thăng trầm lịch sử. Lưu truyền dân gian kể rằng, thời Hậu Lê (Lê sơ) làng Hào Lương phát triển, tuy nhiên vào thời Lê mạt, chiến tranh, loạn lạc khiến cho dân làng phiêu tán. Đến thời nhà Nguyễn thống nhất đất nước, người dân Hào Lương mới quay về quê cũ tái lập làng. Những người có công lập lại làng Hào Lương thời bấy giờ vẫn được người dân gọi là “7 vị tiên công”.
Trong lịch sử, cùng nỗ lực mưu sinh, người làng Hào Lương không ngừng cố gắng tạo dựng, vun đắp các giá trị văn hóa. Trong đó, có các công trình kiến trúc.
Trên đất làng Hào Lương xưa có sự hiện hữu của nhiều công trình kiến trúc văn hóa, như đình, chùa... Cùng với đó còn có ba ngôi điện, dân làng thường gọi là Điện Thượng, Điện Trung và Điện Hạ tọa lạc trên thế đất cao ráo, nhìn ra sông Chu. Bên cạnh đó, làng còn có Văn chỉ được xây dựng ở khu đất đầu làng.
Do thăng trầm lịch sử, chiến tranh và một số nguyên do khác đã khiến một số công trình văn hóa ở làng Hào Lương đến nay chỉ còn dấu tích. Thật may, trong số đó vẫn còn lại đình và chùa làng Hào Lương, là niềm tự hào cũng là “điểm tựa” tâm linh cho người dân địa phương.
Theo chân người dân, chúng tôi ghé thăm đình làng Hào Lương. Đình nằm ở vị trí trung tâm làng, tọa lạc trên thế đất cao, ngoảnh nhìn xuống dòng sông Chu, các thế hệ người dân nơi đây đều tin rằng đó là nơi đất vượng khí.
Đình làng Hào Lương là nơi thờ cúng ba vị khai quốc công thần nhà Lê là Lê Sao, Lê Bị, Lê Nhi. Cùng với đó còn phối thờ “7 vị tiên công” đã có công lập lại làng sau buổi loạn lạc. Đình cũng là nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng truyền thống của người dân.
Căn cứ vào các dấu tích hiện vật còn lưu, các nhà nghiên cứu cho rằng, đình làng Hào Lương là công trình kiến trúc có thể được lập dựng vào thời Lê. Tuy nhiên, qua thời gian và nhiều cuộc binh lửa khiến cho di tích bị hư hỏng. Đến thời Nguyễn, đình được trùng tu lại. “Lần trùng tu xa nhất mà chúng ta biết được cho đến ngày nay vẫn thấy ghi lại trên thượng lương là vào năm Tân Tỵ thời vua Tự Đức. Lần trùng tu muộn nhất là năm Bính Dần thời vua Bảo Đại” (sách Di tích và danh thắng Thanh Hóa).
Đình làng Hào Lương có kiến trúc đăng đối, chống đỡ bởi hệ thống cột cái, cột quân vững chắc. Bên trong đình nổi bật với các mảng chạm khắc gỗ cầu kỳ, tinh xảo. “Kiến trúc đình Hào Lương cho thấy sự tài hoa của ông cha ta thuở xưa, không những đảm bảo sự bền vững của công trình mà còn được thể hiện ở những đường nét hoa văn chạm khắc mang tính mỹ thuật cao...”.
Không chỉ là công trình kiến trúc bề thế, đình làng Hào Lương còn là nơi “chứng kiến”, diễn ra nhiều sự kiện của làng. Năm 1945, đình là nơi tập trung lực lượng quần chúng Nhân dân đi giành chính quyền. Và trong kháng chiến chống Pháp, đình cũng là hậu cứ, nơi luyện tập của dân binh và các sư đoàn khi về qua đây.
“Trước đây, vào mỗi kỳ lễ hội tại đình Hào Lương đều thu hút đông người dân trong làng và các làng lân cận về vui hội. Trong lễ hội, cùng với các nghi lễ thành kính bày tỏ sự ngưỡng vọng với các vị thần linh, tiên hiền còn diễn ra nhiều trò chơi, múa hát dân gian như đấu vật, chọi gà, hát xướng... ” - cụ Nguyễn Đậu, một bậc cao niên ở làng Hào Lương chia sẻ.
Nếu như đình làng Hào Lương nằm ở giữa làng thì chùa Hào Lương lại nằm ở cuối làng, đây cũng là công trình kiến trúc được người dân địa phương chung sức dựng xây cách ngày nay hàng trăm năm. Theo lời kể của các cụ cao niên và căn cứ các di vật còn lại tại chùa, “gạch xây móng nhà tiền đường của chùa có cùng chủng loại gạch tại nhà tả vu, hữu vu ở điện Lam Kinh. Chất liệu, độ nung như nhau và kích thước thì bằng nhau, điều đó cho phép chúng ta nghĩ rằng có thể chùa Hào Lương được xây dựng vào thời Lê”.
Ông Nguyễn Văn Tuyến, công chức Văn hóa - xã hội thị trấn Lam Sơn, cho biết: “Người dân Hào Lương từ xa xưa đến ngày nay vẫn luôn coi trọng, đề cao các giá trị văn hóa truyền thống. Vì thế, những năm gần đây, cùng với nỗ lực phát triển kinh tế thì các thế hệ người dân trong làng, con em xa quê còn chung tay đóng góp kinh phí tôn tạo, trùng tu các công trình kiến trúc văn hóa, gắn liền với đời sống tín ngưỡng tâm linh" n
(Bài viết có tham khảo, sử dụng nội dung trong sách Di tích và danh thắng Thanh Hóa và một số tài liệu lưu giữ tại địa phương).
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/lang-hao-luong-tren-dat-lam-son-35068.htm