Vị vua nào từng phóng thích cung nữ chỉ để cầu mưa?
Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, từng có vị vua thả 100 cung nữ chỉ để cầu mưa.
Người đó chính là vua Minh Mạng (1791-1841, tên húy Nguyễn Phúc Đảm). Ông là người có công xây dựng Đại Nam trở thành quốc gia rộng lớn, hùng mạnh bậc nhất trong khu vực, khiến các nước lân bang phải kính nể.
Minh Mạng là vị vua thứ hai của triều Nguyễn, là con thứ tư của vua Gia Long. Sau khi vua Gia Long qua đời, vào năm 1820, ông được lựa chọn làm người kế vị.
Dưới thời trị vì của mình, vua Minh Mạng cho đổi quốc hiệu thành Đại Nam. Lãnh thổ nước Việt dưới thời Minh Mạng được củng cố, mở rộng, kéo dài từ tận Lạng Sơn đến Mũi Cà Mau như ngày hôm nay.
Theo Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả, vua Minh Mạng Nguyễn Phúc Đảm có 43 bà vợ, sinh cho nhà vua 142 người con gồm 78 hoàng tử và 64 công chúa. Đó là vị vua nhiều vợ và đông con nhất trong 13 vị vua triều Nguyễn.
Trong sách "Chín đời chúa", vua Minh Mạng được mô tả là vị vua cần mẫn và làm việc không biết mệt mỏi, luôn hết lòng vì nước. Để ngăn chặn tội ác của tham nhũng, vua thi hành những phán quyết nghiêm khắc, thậm chí là xử tử và chặt ngón tay những kẻ tham nhũng.
Trong số những vụ án trị quan tham của vua, có vụ nổi tiếng là vụ tử hình bố vợ Huỳnh Công Lý vì tội tham nhũng 30.000 quan tiền.
Một trong những giai thoại đáng chú ý thời vua Minh Mạng là việc phóng thích cung nữ để cầu mưa. Theo sách "Minh Mạng chính yếu", có năm trong kinh kỳ ít mưa, nhà vua lo lắng, ra chỉ dụ cho quan Thượng Bảo Khanh là ông Hoàng Quỳnh rằng: "Hai ba năm trở lại đây, hạn hán liên tiếp. Trẫm nghĩ tự đâu đến thế nhưng chưa tìm ra nguyên nhân, hoặc là thâm cung cung nữ quá nhiều, âm khí uất tắc mà nên như vậy ư? Nay bớt đi, cho ra 100 người, ngõ hầu có thể giải trừ thiên tai từ đây”.
Với một vị hoàng đế có số lượng phi tần đông đảo, việc cùng lúc giảm bớt 100 cung nữ không phải là nhiều. Nhưng điều lạ ở chỗ vua Minh Mạng coi đó là một cách để cầu mưa, giảm thiên tai.
Thế nhưng sau khi bớt đi 100 mỹ nữ trong cung mà trời vẫn chẳng đổ xuống lấy một giọt nước, Minh Mạng lo lắng không yên. Khi ấy, đại thần Nguyễn Hữu Thận giữ chức Thượng thư bộ Hộ bèn khuyên vua học theo đời trước đích thân đến Vũ đàn để làm lễ cầu mưa.
Nghe lời tâu đó, vua mới nói rằng: “Thực hiện việc cầu mưa ở Vũ đàn là quyền nghi hình thức mà thôi, chẳng phải là chỗ đời xưa đấng đế vương chuộng, sao phải bắt chước như vậy. Trẫm nghĩ chỉ nên sợ hãi sửa mình xét việc, lòng thành trong sạch mật đảo là tốt hơn vậy”.
Năm 49 tuổi, vua Minh Mạng bắt đầu tìm cho mình nơi an nghỉ cuối cùng ở núi Cẩm Khê, huyện Hương Trà, Thừa Thiên Huế ngày nay. Một năm sau, vua lâm bệnh qua đời vào ngày 20/1/1841, hưởng thọ 50 tuổi.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/vi-vua-nao-tung-phong-thich-cung-nu-chi-de-cau-mua-ar920804.html