Làng hến đặc sản 300 năm tuổi bên dòng La
Người dân thôn Bến Hến, xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) từ lâu nổi tiếng xa gần vì có nghề truyền thống đãi hến ngót ngét 300 năm...
Bến Hến bên bờ sông La hiền hòa, thơ mộng là nơi nuôi sống biết bao thế hệ người dân nơi đây.
Nhộn nhịp trên bến dưới thuyền
Bến Hến nằm nép mình trên một khúc sông của dòng La Giang, thuộc xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ. Nơi đây, người dân đã có truyền thống trên 300 năm làm nghề đãi hến rồi biến nó thành món ẩm thực đặc sản, được các thương lái đem đi muôn nơi.
Từ đầu giờ chiều, thôn Bến Hến đã tấp nập thuyền mang đầy hến trở về.
Dưới bến có hàng chục chiếc thuyền. Trên bến sông nhiều người chuẩn bị thúng to, thúng nhỏ và các đồ dùng để chuẩn bị đãi hến. Nhiên liệu như củi để nấu hến và dầu dùng cho thuyền cũng được thương lái buôn bán và vận chuyển đến tận nơi.
Thuyền về bến với những khoang đầy loại hến to, hến nhỏ. Những bàn tay thoăn thoắt của những người phụ nữ bắt đầu đãi hến cho kịp buổi chiều hôm.
Chia sẻ với PV, ông Lê Kim Trọng, Trưởng thôn Bến Hến cho biết, trong thôn có 200 hộ dân thì có 70 hộ làm nghề đãi hến thường xuyên và chừng 40 hộ bán chuyên. Với những hộ lấy nghề này làm nghề truyền thống, mỗi ngày đi đãi hến, họ có thu nhập từ trên 1 triệu đồng.
Đến Bến Hến những ngày này, một khúc sông La tại thôn đều chìm trong mờ ảo bởi những làn khói từ các căn bếp của các hộ dân đang tất bật chế biến hến ngay trên bờ sông tỏa khói bốc ra. Mùi thơm của hến lan tỏa khắp làng quê.
Quan sát của PV, khu vực chế biến hến của người dân thôn Bến Hến dài khoảng 400m, chạy dọc bên bờ sông La. Tại đây, hàng chục lán rộng 3 - 5m2, dựng tạm bằng các cọc gỗ, mái lợp tôn hoặc tấm bạt màu xanh đỏ, xung quanh quây tấm lợp xi măng. Trong lán có một bếp xây, đủ đặt nồi gang chuyên dụng cỡ lớn.
Phía trên bố trí giàn gỗ để đặt củi cùng các công cụ như rổ, thúng, mẹt, rá tre...
Vừa gạt tay lau những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, vừa thêm củi vào bếp lò, chị Nguyễn Thị Giang (45 tuổi, thôn Bến Hến) cho biết: “Cứ đều đặn hàng ngày, khoảng 17h - 18h, chồng chị chèo thuyền gỗ, dùng cào sắt hoặc lặn bắt hến tại các con sông ở Nghệ An và Hà Tĩnh. Đến 6h sáng hôm sau thì về. Lúc đó, chị ra thuyền đổ hến vào thúng tre đem ngâm dưới sông La để hến nhả hết cặn bẩn, rồi sau đó đưa hến vào lán luộc”.
Theo chị Giang, luộc hến cần kỹ thuật, khi đỏ lửa và đặt chảo gang lên bếp, cần bỏ vào chảo hai hoặc ba gáo nước máy sạch, tiếp đó đổ rổ hến 10 - 15kg vào. Lúc nước sôi, bọt trắng sủi lên, thợ phải dùng muỗng gỗ cỡ lớn đảo đi đảo lại cho đều rồi vớt ra thúng tre đặt bên cạnh.
Một chảo hến nấu khoảng 20 phút. Nước luộc hến nguyên chất cũng được chắt ra, đổ vào xô nhựa để làm nước dùng. Nước dùng thường được bán kèm với hến.
“Khi luộc hến không nên đổ nhiều nước. Nếu đổ nhiều nước dùng sẽ bị nhạt. Ngoài ra, bếp cần phải đỏ lửa đều, nếu để lửa nhỏ hoặc tắt giữa chừng thì hến sẽ không mở miệng và không thể tách ruột”, chị Giang chia sẻ bí quyết luộc hến.
Huyền tích về làng cào hến
Đến đây, người dân địa phương thường kể cho du khách ở xa về huyền tích sự ra đời của làng hến.
Xưa, có cậu học trò nghèo của làng học giỏi, đỗ đạt cao. Khi đi qua đò về làng vinh quy bái tổ, cậu đánh rơi sắc phong của vua ban xuống sông. Dân làng tìm mọi cách lặn mò để tránh tội khi quân. Khi tìm được tấm thẻ bài, họ phát hiện một số con vật bám vào.
Con vật chỉ nhỉnh hơn chiếc cúc áo ấy sinh ra từ vị ngọt phù sa sông quê, đem nấu canh ăn rất ngọt, nấu cháo ăn cũng bùi, lại có thể trộn gỏi, xào giá kẹp với bánh đa… ăn ngon lạ thường.
Nghề cào hến của dân làng bắt đầu từ đó, lúc đầu chỉ phục vụ nhu cầu trong bữa ăn của các gia đình, sau đó phát triển thành một nghề nuôi sống bao thế hệ người dân thôn Bến Hến.
Cậu học trò ấy đã được dân làng tôn làm Thành hoàng, lập đền thờ uy nghi ngay trên bến thuyền làng hến. Cứ vào ngày mùng 7 tháng Giêng hàng năm, dân làng Bến Hến tổ chức lễ hội rước thuyền và cúng tế linh đình, cầu cho quốc thái dân an, cầu cho một năm đánh bắt xuôi chèo mát mái.
Theo một thương lái chuyên thu mua hến tại đây cho hay, cứ 100kg hến sống đãi được 10kg ruột thành phẩm. Nếu là hến sông La thì 1kg được bán giá 200.000 đồng. Hến ở các sông khác thì giá thấp hơn, chỉ từ 70.000 - 120.000 đồng/kg. “Trung bình mỗi ngày tôi bán chừng 20kg hến thành phẩm”, người này cho hay.
Theo thương lái, sở dĩ có sự chênh lệch như vậy vì hến sông La ngọt hơn, trắng hơn, không có bùn và nhất là khi luộc lên thì thơm hơn rất nhiều so với hến nơi khác.
Ông Nguyễn Văn Tuyến, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn cho biết, so với trước đây, nghề đãi hến giờ đã mai một nhiều vì nguồn hến trên sông ngày càng khan hiếm. Do nguồn hến trên sông La ngày càng ít nên người đãi hến phải đi khắp nơi, thậm chí ra tận Bến Thủy, hay khu vực đền ông Hoàng Mười (tiếp giáp với TP Vinh, Nghệ An) hoặc ngược lên vùng sông Ngàn Sâu để khai thác.
Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/lang-hen-dac-san-300-nam-tuoi-ben-dong-la-d579738.html