Làng hiếu học bên dòng Ayun

Plei Rbai (xã Ia Piar, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) là một trong số ít ngôi làng Jrai nổi tiếng về truyền thống hiếu học. Người dân ở ngôi làng bên dòng Ayun chắt chiu từng hạt lúa, củ mì để nuôi con cái ăn học và trở thành người có ích cho xã hội. Nhẩm tính có đến vài chục người xuất thân từ Plei Rbai đạt trình độ cao đẳng, đại học trở lên đang cống hiến sức lực, trí tuệ xây dựng quê hương.

Đất nghèo yêu chữ

Ở Plei Rbai, gia đình ông Ksor Moaih được dân làng nể trọng vì truyền thống hiếu học. Nhà có 5 người con thì 4 cử nhân, 1 tiến sĩ. Nói về truyền thống học hành của gia đình, ông bộc bạch: “Mình sinh ra trong một gia đình làm nông nghèo ở làng này. Từ nhỏ, cha mẹ luôn nhắc nhở mình gắng học hành tử tế để rạng danh gia đình, dòng tộc và trên hết là để thoát nghèo. Vì thế, mình đã nỗ lực học tập, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Nguyên (tỉnh Đak Lak) rồi về huyện Krông Pa dạy học. Vợ mình cũng là giáo viên. Để nuôi 5 đứa con ăn học, vợ chồng mình cũng cực lắm. Ngoài giờ lên lớp thì vợ chồng trần lưng ra rẫy, ruộng làm lụng và đi làm mướn. Khổ vậy đó nhưng giờ nhìn con cái thành đạt, vợ chồng mình mừng lắm”.

Vợ chồng ông Rmah Dmeo được dân làng nể trọng vì nuôi dạy con cái ăn học đàng hoàng. Ảnh: Thiên Di

Vợ chồng ông Rmah Dmeo được dân làng nể trọng vì nuôi dạy con cái ăn học đàng hoàng. Ảnh: Thiên Di

Nhắc đến chuyện học ở Plei Rbai mà không nói đến gia đình bà Siu HNgôn là một thiếu sót lớn. Nguyên Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Piar có 4 người con đều tốt nghiệp cao đẳng, đại học. Riêng người con thứ 2 Siu Hương là tấm gương sáng cho lớp trẻ trong làng noi theo. Chị đang công tác tại Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và chuẩn bị bảo vệ luận văn thạc sĩ. Chị Siu Hương tâm sự: “Hồi nhỏ, mình tự đề ra mục tiêu phấn đấu trong học tập với quyết tâm tích lũy kiến thức để vận dụng vào thực tiễn cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình. Vì vậy, ở bậc học nào mình cũng rất chăm chỉ, nỗ lực học tập để đạt được kết quả tốt nhất, nhằm tạo động lực vươn lên cho các em trong nhà cũng như dòng tộc”.

Tương tự, gia đình ông Rmah Dmeo cũng nổi tiếng ở làng khi có 2 người con đã tốt nghiệp đại học, riêng cô con gái út Rô HKim hiện đang theo học ngành Y tại Trường Đại học Tây Nguyên.

Trên đường dẫn chúng tôi đi thăm các gia đình hiếu học ở Plei Rbai, Trưởng thôn Nay Keng và Chủ tịch Hội Khuyến học xã Nguyễn Thị Khá hào hứng chia sẻ về truyền thống học hành của làng. “Làng có 88% hộ dân là người Jrai, đời sống còn nhiều khó khăn, vất vả. Thế nhưng, tinh thần hiếu học thì xếp nhất nhì huyện. Theo nhẩm tính của tôi thì làng có trên 100 người có bằng đại học, cao đẳng và 2-3 người có học vị thạc sĩ, tiến sĩ”-bà Khá cho hay.

Phát huy truyền thống hiếu học

Nằm cách trung tâm huyện Phú Thiện chừng 20 km, Plei Rbai trải dài theo mạn Bắc quốc lộ 25, hướng mặt về sông Ayun. Những năm gần đây, ngôi làng thuần nông bình dị này là điểm đến yêu thích của du khách trong tỉnh. Họ đến để nghe những câu chuyện về “vua gió” và được hòa mình vào nghi lễ cúng cầu mưa của Yang Pơtao Apui. Một điểm hút khách của ngôi làng Jrai này là truyền thống hiếu học được tiếp nối như mạch nguồn sông Ayun chảy mãi.

Ông Ksor Moaih nuôi dạy 5 người con học hành đến nơi đến chốn. Ảnh: Thiên Di

Ông Ksor Moaih nuôi dạy 5 người con học hành đến nơi đến chốn. Ảnh: Thiên Di

Điển hình như 4 người con của bà Siu HNgôn đều công tác tại các cơ quan nhà nước. Cụ thể, ngoài chị Siu Hương đang giữ chức Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thì người con đầu tên Siu HQua đang công tác tại Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân (huyện Ia Grai), người thứ 3 tên Siu Sơ Ri là giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành (huyện Phú Thiện) và em út tên Siu Cúc Cu hiện giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ia Piar. Với gia đình ông Ksor Moaih, 4 người con đều có công việc ổn định. Trong đó, người con thứ 2 là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ia Piar, người con thứ 3 làm việc trong 1 công ty dược tại tỉnh Đồng Nai và người con thứ 4 thì công tác tại huyện Ia Pa.

Theo ông Siu Thiên-Chủ tịch UBND xã Ia Piar thì trong đội ngũ cán bộ xã Ia Piar có 6 người xuất thân từ làng Plei Rbai. Đối với công việc được giao, họ làm rất tốt, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Cũng chính nhờ trình độ dân trí cao nên hơn 440 hộ ở Plei Rbai luôn đoàn kết, là một trong số thôn, làng có nếp sống văn minh, tiến bộ hàng đầu của xã, huyện. Hàng năm, tỷ lệ trẻ đến trường đúng độ tuổi của làng luôn đạt gần như tuyệt đối. Các mặt đời sống vật chất được nâng lên, văn hóa tinh thần được duy trì, phát triển. Làng đang nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí xây dựng làng nông thôn mới trong vùng dân tộc thiểu số.

Phát huy truyền thống hiếu học của buôn làng, dòng họ, thế hệ trẻ Plei Rbai đang nỗ lực học hành để trở thành người có ích cho xã hội. “Em rất biết ơn công lao dạy dỗ của cha mẹ và tự hào về truyền thống hiếu học của gia đình cũng như của làng. Biết bố mẹ khổ nhưng chắt chiu từng đồng để nuôi mình ăn học, em quyết tâm cố gắng học thật tốt. Sau khi tốt nghiệp, nhất định em sẽ về Phú Thiện làm việc và để chăm sóc bố mẹ”-em Rô HKim thổ lộ. Còn theo Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Siu Hương thì: “Phát huy truyền thống hiếu học của gia đình và dòng họ, mình làm việc thật chăm chỉ, sống tốt và nỗ lực vươn lên trong cuộc sống để đền đáp công ơn dưỡng dục của cha mẹ, công lao dạy dỗ của thầy cô. Ngoài ra, mình cũng đang tự trau dồi kiến thức, phấn đấu đem lại những điều tốt đẹp nhất cho buôn làng, quê hương”.

Hồ Ayun Hạ (huyện Phú Thiện). Ảnh: Thùy Chi

Hồ Ayun Hạ (huyện Phú Thiện). Ảnh: Thùy Chi

THIÊN DI

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/721/202202/lang-hieu-hoc-ben-dong-ayun-5765422/