Xã Lưu Vĩnh Sơn là thủ phủ trồng hoa ở Hà Tĩnh với 50 hộ dân xuống giống, diện tích hơn 4 ha nhà lưới. Để hoa nở đúng vào dịp Tết Nguyên đán 2024, những ngày này, các hộ dân trồng hoa tại thôn Xuân Sơn đang tất bật cho công tác chăm sóc hoa. Đèn điện được thắp sáng xuyên đêm để đảm bảo cho quá trình sinh trưởng của cây hoa. Ảnh: Cẩm Kỳ
Khi cây con phát triển được khoảng 20 ngày, người dân nơi đây phải thường xuyên tưới nước, bón phân, đồng thời thắp đèn điện hàng đêm để cây sinh trưởng và ra hoa theo ý muốn. Ảnh: Cẩm Kỳ
Từng có nhiều năm làm chủ vườn hoa, ông Dương Công Sơn (56 tuổi, trú tại thôn Xuân Sơn) cho biết, vụ này gia đình anh trồng hơn 13 nghìn hoa tết, chủ yếu là các loại cúc. Thời tiết cuối năm thất thường nên ông phải thường xuyên túc trực chăm sóc cho hoa, theo dõi cây phát triển, điều chỉnh ánh sáng, nước tưới, dinh dưỡng phù hợp để hoa nở đúng dịp. Ảnh: Cẩm Kỳ
Ngoài thời tiết, người trồng hoa cần biết nhiều kỹ thuật nhà nông để kiểm soát tốc độ sinh trưởng của cây. Ảnh: Cẩm Kỳ
Trao đổi với Báo Đại Đoàn Kết, anh Dương Văn Hồng (47 tuổi, trú tại thôn Xuân Sơn) cho hay, cứ vào dịp tháng 10 âm lịch hàng năm, những hộ gia đình trồng hoa trong thôn lại đồng loạt xuống giống, gieo trồng vụ Tết. Năm nay, gia đình anh đầu tư trồng hơn 17 nghìn gốc hoa, do nhu cầu tiêu thụ hoa của thị trường Tết Nguyên đán không ngừng tăng lên nên năm nay, gia đình anh đầu tư, mở rộng quy mô trồng hoa hơn năm ngoái. Ảnh: Cẩm Kỳ
Vào những tháng cuối năm, trồng hoa cúc và cây cảnh là nguồn thu nhập chính của một số người dân địa phương. Khi đến thời điểm thu hoạch, hoa và cây cảnh của các nhà vườn ở đây sẽ được cung cấp cho các đầu mối trong khu vực và các huyện, thị lân cận. Ảnh: Cẩm Kỳ
Ngoài công việc đồng áng hằng ngày, buổi tối, gia đình anh Hồng cũng như các hộ dân trong thôn lại tranh thủ chăm lo, chong đèn xuyên đêm để đảm bảo cho quá trình phát triển của những luống hoa với hy vọng một mùa vụ thắng lợi. Ảnh: Cẩm Kỳ
Bên cạnh chong đèn điện, công việc ban đêm của người trồng hoa là tưới nước, nhổ cỏ cho hoa... Ảnh: Cẩm Kỳ
Theo những người dân địa phương, phương pháp chong đèn thắp sáng cho hoa vào đêm là kỹ thuật phổ biến của người trồng hoa. Việc này khiến hoa không "ngủ", biến đêm thành ngày để kiểm soát thời gian thu hoạch. Khi chong đèn trên ruộng, cây có thể cao 70 - 80 cm, bông to, cánh dày và màu sắc rực rỡ hơn. Ảnh: Cẩm Kỳ
"Nghề trồng hoa ở Lưu Vĩnh Sơn đã có từ lâu, những năm gần đây kinh nghiệm trồng hoa của người dân cũng được nâng cao, tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên chất lượng và giá trị kinh tế của mỗi vụ hoa cũng ngày càng được nâng lên" anh Dương Văn Hồng chia sẻ. Ảnh: Cẩm Kỳ
Nghề trồng hoa của người dân thôn Xuân Sơn chỉ mang tính thời vụ nên cứ khi đến vụ tết Nguyên đán, các chủ vườn thường sẽ “ăn, ngủ” cùng hoa, kỳ vọng được mùa, giá cao để đón xuân ấm no, đủ đầy. Ảnh: Cẩm Kỳ
Theo lãnh đạo UBND xã Lưu Vĩnh Sơn, toàn xã có 58 hộ trồng hoa cúc với diện tích hơn 2,5 ha tập trung chủ yếu ở thôn Xuân Sơn. So với năm ngoái, số lượng các hộ tham gia trồng hoa Tết tăng gần gấp đôi. Để đáp ứng cả chất lượng và số lượng hoa cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới, hiện nay những hộ dân trồng hoa đang tất bật chuẩn bị cho công tác chăm sóc hoa để sắp tới có một mùa vụ Tết thắng lợi. Ảnh: Cẩm Kỳ
Cẩm Kỳ