Lăng kính chứng khoán 17/4: Tâm lý tiêu cực vẫn đang lấn át
Hiện mốc 1.179 điểm sẽ đóng vai trò hỗ trợ cho VN-Index, nhà đầu tư cần quản trị rủi ro chờ đợi thị trường ổn định hơn.
Nhận định đầu tư
Chứng khoánBeta: Theo quan điểm kỹ thuật cho rằng về mặt xu hướng, VN-Index đang trong xu hướng điều chỉnh ngắn hạn khi chỉ số nằm dưới các đường trung bình ngắn hạn quan trọng và chỉ báo SAR.
Rủi ro giảm điểm trong ngắn hạn vẫn đang ở mức cao. Hiện tại, mốc 1.179,43 điểm sẽ đóng vai trò hỗ trợ cho VN-Index.
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV): Chỉ số hình thành mẫu nến “marubozu” giảm điểm, bao trùm toàn bộ nến phiên và phủ định lại toàn bộ nỗ lực hồi phục của hôm qua.
Do vậy, nhiều khả năng thị trường vẫn bỏ ngỏ quán tính giảm điểm trong khi tâm lý tiêu cực vẫn đang lấn át trạng thái giao dịch của các nhà đầu tư.
Chứng khoán Đông Á (DAS): Các nhóm ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, thép đều giảm mạnh. Nhà đầu tư cần xem xét hạ tỉ trọng cổ phiếu về mức trung bình trong những phiên hồi phục kỹ thuật, quản trị rủi ro chờ đợi thị trường ổn định hơn.
Tin vắn chứng khoán
- Xuất khẩu rau quả sang Hàn Quốc, Thái Lan tăng mạnh. Theo báo cáo của Hiệp hội rau quả Việt Nam (Vinafruit), kim ngạch xuất khẩu rau quả trong tháng 3 ước đạt gần 470 triệu USD, tăng 44,3% so với tháng trước và tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế quý I/2024, xuất khẩu rau quả đạt gần 1,3 tỷ USD, tăng 30,8% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả đạt trên 1 tỷ USD ngay trong quý I.
Dẫn đầu về giá trị xuất khẩu là thị trường Trung Quốc, đạt 759,4 triệu USD, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm 2023. Hiện thị trường Trung Quốc chiếm 59,1% tổng giá trị xuất khẩu của toàn ngành rau quả. Tiếp theo, thị trường Hàn Quốc đạt 74,6 triệu USD, tăng 59,3%; Mỹ đạt 67,7 triệu USD, tăng 33,9%. Đặc biệt, thị trường Thái Lan đạt 47,6 triệu USD, tăng đột biến 112%.
- Lên kịch bản “sống chung” với áp lực tỉ giá. Tỉ giá đã tăng hơn 3% kể từ đầu năm, chạm ngưỡng mục tiêu điều hành chính sách ngoại hối. Các chuyên gia cho rằng áp lực tit giá sẽ còn dai dẳng theo diễn biến giảm lãi suất USD của Fed, nhưng vẫn có thể đạt mục tiêu kiểm soát vào cuối năm.
Sức ép tỉ giá được cho chủ yếu đến từ thị trường quốc tế, với tâm điểm là số liệu lạm phát và chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ đều tăng cao hơn dự báo. Chỉ số DXY đo lường sức mạnh đồng USD với rổ ngoại tệ mạnh khác tăng đến 2,6% trong tuần qua.