Lăng kính chứng khoán 22/11: Có nên mua cổ phiếu BMP lúc này?
Công ty chứng khoán đánh giá, kết quả kinh doanh giai đoạn cuối năm 2024 và năm 2025 của Nhựa Bình Minh sẽ duy trì khả quan nhờ giá nguyên vật liệu đầu vào giảm, cùng với kỳ vọng thị trường xây dựng hồi phục.
Chứng khoán Asean (Aseansc): Thị trường nối dài đà tăng điểm với phiên giao dịch khởi sắc, đóng cửa ở mức cao nhất phiên. Dòng tiền thu hẹp đáng kể so với phiên trước với giá trị khớp lệnh dưới 11.500 tỷ đồng, là mức thấp thứ hai kể từ đầu tháng 11.
Tâm lý đang có dấu hiệu đảo chiều khi phe bán “chùn tay” và không còn phản ứng quyết liệt trước các tín hiệu “vùng lên” từ phe mua. Thị trường có xu hướng tiếp tục mở rộng đà hồi phục trở lại và kiểm tra vùng hỗ trợ 1.237 - 1.240 điểm.
Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN): Thị trường có thể sẽ tiếp tục đà tăng trong phiên 22/11 và chỉ số VN-Index có thể sẽ thử thách lại vùng kháng cự 1.238 - 1.240 điểm. Đồng thời, đây mới chỉ là nhịp hồi kỹ thuật và chưa thể hoàn toàn xác nhận đáy ngắn hạn.
Hiện nay, các mô hình đảo chiều tăng giá đang hình thành nhưng chưa thể xác nhận các mô hình này. Điểm tích cực là thanh khoản đã cải thiện so với 3 phiên gần nhất, nhưng cần quan sát thêm vài phiên để đánh giá xu hướng của thanh khoản.
Chứng khoán Beta: Từ góc độ kỹ thuật, VN-Index vẫn nằm dưới các đường trung bình quan trọng, duy trì xu hướng giảm ngắn hạn. Các chỉ báo như SAR, MACD, và cặp (DI+, DI-) chưa cho thấy tín hiệu đảo chiều rõ ràng, dù khả năng cải thiện trong ngắn hạn.
Trong bối cảnh hiện tại, vùng hỗ trợ 1.190 - 1.200 điểm đóng vai trò rất quan trọng. Nếu VN-Index giữ được trên vùng này, cơ hội hồi phục sẽ được củng cố.
Khuyến nghị đầu tư
- BMP (CTCP Nhựa Bình Minh): Chờ mua.
Quý III/2024, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt 1.407 tỷ đồng (tăng 52% so với cùng kỳ) và 290 tỷ đồng (tăng 39% so với cùng kỳ) nhờ sản lượng tiêu thụ phục hồi.
TCBS đánh giá, kết quả kinh doanh giai đoạn cuối năm 2024 và năm 2025 sẽ duy trì khả quan nhờ giá nguyên vật liệu đầu vào giảm, cùng với kỳ vọng thị trường xây dựng hồi phục.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp có cổ tức tiền mặt ổn định, tỉ suất cổ tức khoảng 11%/năm. Nhà đầu tư có thể cân nhắc các nhịp điều chỉnh của thị trường để giải ngân cổ phiếu.
- MSB (Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam): Chờ bán.
Quý III/2024, MSB đạt lợi nhuận trước thuế 1.212 tỷ đồng (giảm 28% so với cùng kỳ) do NIM tiếp tục xu hướng giảm, lỗ từ hoạt động đầu tư và chi phí hoạt động tăng. Chất lượng tài sản cải thiện với tỉ lệ nợ xấu giảm nhẹ và tỉ lệ bao phủ nợ xấu tăng từ 54% đầu năm lên 63%.
Kết quả trên thấp hơn dự báo của TCBS. Tuy nhiên, TCBS cho rằng lợi nhuận quý cuối năm có thể tốt hơn so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng tín dụng và NIM ổn định trở lại.
Nhà đầu tư đã có vị thế có thể tiếp tục nắm giữ và chờ cơ hội chốt lời.
- VGT (Tập đoàn Dệt may Việt Nam): Chờ mua.
Doanh thu và lợi nhuận thuần của Tập đoàn trong quý III/2024 đạt 4.588 tỷ đồng (tăng 12% so với cùng kỳ) và 129 tỷ đồng (tăng 385% so với cùng kỳ).
Kết quả kinh doanh tăng trưởng nhờ cải thiện về sản lượng và giá bán, dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc, Bangladesh, Myanmar; lỗ tỉ giá giảm nhờ tỷ giá USD giảm trong quý III.
TCBS đánh giá doanh thu quý IV sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ động lực này và sự phục hồi của mảng sợi, tuy nhiên lợi nhuận sẽ không tăng so với quý IV/2023 do kỳ trước có khoản thu nhập bất thường lớn từ thanh lý tài sản.