Lăng kính chứng khoán 7/8: Rủi ro giảm điểm vẫn hiện hữu
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chứng khoán vẫn là xu hướng giảm, thị trường hoàn toàn có thể giảm một lần nữa để thiết lập đáy thứ hai.
Nhận định đầu tư
Chứng khoán BIDV (BSC): Phiên hồi phục 6/8 có thanh khoản khiêm tốn, cho thấy tâm lý e dè của thị trường sau một phiên giảm mạnh.
Vùng 1.200 - 1.210 đã trở thành vùng kháng cự của VN-Index, sự rung lắc có thể diễn ra tại đây trong những phiên tới.
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV): Phiên hồi phục 6/8 của VN-Index với đà tăng mở rộng dần về cuối phiên cho thấy tâm lý thị trường chứng khoán đã tạm bình ổn trở lại sau phiên bán tháo.
Mặc dù vậy, việc xuất hiện phiên bật tăng khi chỉ số chưa về nền đỡ bên dưới, được xác định tại vùng hỗ trợ gần quanh 1.150 điểm, cùng với áp lực cung giá cao còn tiềm ẩn khá lớn khiến rủi ro sớm quay đầu điều chỉnh đang ở mức cao.
Nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục ưu tiên hạ tỉ trọng danh mục về mức thấp trong các nhịp hồi sớm của chỉ số/cổ phiếu.
Chứng khoán Shinhan Việt Nam (SSV): Xu hướng ngắn hạn của thị trường vẫn là xu hướng giảm, thị trường hoàn toàn có thể giảm một lần nữa để thiết lập đáy thứ hai. Vùng hỗ trợ và kháng cự tham chiếu hiện tại lần lượt là 1.175 và 1.240 điểm.
Nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục quan sát diễn biến của thị trường tại 1.170 – 1.200 điểm chờ đợi thị trường tạo lập vùng giá cân bằng mới. Những pha tăng điểm vẫn nên ưu tiên bán ra với những cổ phiếu vi phạm ngưỡng cắt lỗ trước đó.
Khuyến nghị đầu tư
- HAH (CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An): Khả quan, giá mục tiêu một năm là 47.000 đồng/cổ phiếu (tăng 20,8% so với giá 38.900 đồng/cp hiện tại).
Dịch vụ vận chuyển container và cảng biển là động lực tăng trưởng lợi nhuận chính trong quý II trong khi mảng cho thuê tàu vẫn chưa ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ do mức nền cao trong quý II/2023. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, HAH ghi nhận doanh thu và lợi nhuận lần lượt là 1.652 tỷ đồng (tăng 30% so với cùng kỳ) và 161 tỷ đồng (giảm 25% so với cùng kỳ).
Cập nhật ngành:Trên thị trường giao ngay (đại diện là WCI), giá cước vận tải container đang chững lại khi căng thẳng hạ nhiệt, trong khi thị trường thuê tàu định hạn phản ứng chậm hơn và vẫn duy trì đà tăng.
Triển vọng:Với việc đưa thêm 1 tàu mới vào thị trường, mảng cho thuê tàu container dự kiến sẽ đóng góp đáng kể hơn vào tăng trưởng lợi nhuận trong nửa cuối năm. Đối với mảng vận tải biển, dự kiến tăng trưởng từ phía cầu sẽ tiếp tục tác động tích cực đến lợi nhuận của công ty trong nửa cuối năm 2024.
Ước tính và định giá: SSI ước tính lợi nhuận sau thuế năm 2024 đạt khoảng 386 tỷ đồng (tăng 0,4% so với cùng kỳ). Đối với năm 2025, SSI ước tính lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 525 tỷ đồng (tăng 35% so với cùng kỳ).
- VNM (CTCP Sữa Việt Nam): Khả quan, giá mục tiêu một năm là 82.000 đồng/cổ phiếu (tăng 18% so với giá 72.000 đồng/cp hiện tại).
VNM đã công bố kết quả kinh doanh quý II/2024 ấn tượng, vượt dự báo của thị trường. Cụ thể, doanh thu thuần đạt 16.700 tỷ đồng (tăng 9,6% so với cùng kỳ), đây là quý ghi nhận mức cao kỷ lục từ trước đến nay của công ty, nhờ doanh thu nội địa tăng 6% so với cùng kỳ và doanh thu nước ngoài tăng 30% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, công ty đã giành thêm 1,2% thị phần trong quý II/2024. Biên lợi nhuận gộp đạt 42,4%, đây là mức cải thiện tốt nhất trong 10 quý vừa qua, theo đó giúp lợi nhuận ròng tăng 21% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 30.800 tỷ đồng (tăng 5,7% so với cùng kỳ) và 4.900 tỷ đồng (tăng 18,6% so với cùng kỳ), hoàn thành 49% và 52% kế hoạch cả năm 2024.
Đối với năm 2024, SSI kỳ vọng VNM sẽ ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận lần lượt là 64.000 tỷ đồng (tăng 6% so với cùng kỳ) và 10.100 tỷ đồng (tăng 13,7% so với cùng kỳ). Đối với năm 2025, SSI kỳ vọng doanh thu thuần và lợi nhuận lần lượt đạt 67.100 tỷ đồng (tăng 4,9% so với cùng kỳ) và 10.700 tỷ đồng (tăng 6% so với cùng kỳ).
- GVR (Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam): Chờ mua.
Theo báo cáo tài chính tự lập, doanh thu và lợi nhuận thuần hợp nhất quý II/2024 của Tập đoàn là 4.662 tỷ đồng (tăng 11% so với cùng kỳ) và 864 tỷ đồng (tăng 55% so với cùng kỳ).
Ngoài lý do lợi nhuận tăng trưởng nhờ giá cao su như chúng tôi đã đề cập, GVR còn có thu nhập thanh lý cây cao su quý này khoảng 327 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ. TCBS duy trì đánh giá khả quan với kết quả kinh doanh nửa cuối năm do nền giá cao su cao, nhu cầu từ Trung Quốc đang phục hồi và mùa cao điểm thường tập trung vào cuối năm; nhà đầu tư có thể chờ cơ hội giải ngân.