Lăng kính Paris 2024: Trong mối lo với những căng thẳng quốc tế

Olympic luôn là sự kiện thể thao được theo dõi nhiều nhất trên khắp hành tinh. Bài học từ Euro 2024 cho thấy, khi các vấn đề địa chính trị ngày càng lan rộng thì Paris 2024 cũng không phải là ngoại lệ

Trước World Cup 2022, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tuyên bố : “Không được chính trị hóa thể thao”. Nhưng ai cũng biết biết rằng lịch sử thể thao được viết lên từ những sự kiện chính trị lớn. Ngay tại Euro 2024, người ta còn cho rằng thái độ của Mbappe và các đồng đội còn ảnh hưởng đến kết quả bầu cử tại Pháp.

Sau Thế chiến II, cùng với việc Thế Vận Hội được truyền thông hóa mạnh mẽ, khía cạnh địa chính trị đã nổi lên. Đỉnh điểm với Moscow 1980 và Los Angeles 1984, hai kỳ Olympic bị Hoa Kỳ và Liên Xô lần lượt tẩy chay trả đũa nhau khiến cho những vòng tròn Olympic không còn … tròn được nữa.

Thật ra thì từ Thế vận hội 1934 khi nước Đức của Hitler đăng cai, chính trị đã can thiệp rất nhiều. Năm 1956 tại Melbourne, 7 quốc gia tẩy chay Thế Vận Hội vì những lý do khác nhau. Trung Quốc không tham gia cuộc thi để phản đối sự có mặt của Đài Loan. Còn Ai Cập, Iraq và Lebanon phản ứng cuộc xâm lược Ai Cập của Israel. Pháp và Vương quốc Anh thì đang lâm vào khủng hoảng kênh đào Suez. Hà Lan, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ rút lui để phản đối Liên Xô.

Ở Montreal năm 1976, hàng loạt các quốc gia châu Phi đã quyết định không đến Canada để phản đối New Zealand, quốc gia vào thời điểm đó vẫn duy trì các cuộc thi đấu thể thao với Nam Phi, quốc gia theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đã bị Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) cấm tham gia các hoạt động thể thao quốc tế.

Ngày nay, cuộc xung đột ở Ukraine đang là tâm điểm. Đoàn thể thao Nga đã bị cấm tham dự. Hiện IOC chỉ cấp phép cho 22 VĐV Nga và 17 VĐV Belarus đến Paris 2024 với tư cách “VĐV trung lập” sau khi xác định họ không ủng hộ cuộc chiến tại Ukraine và không có mối liên hệ với quân đội Nga.

Một câu chuyện khác liên quan đến Afghanistan. Nước này tham gia với đoàn nhỏ, trong đó có các VĐV nữ. Đây là sự hiện diện mang tính biểu tượng cao cho kỳ Olympic đầu tiên kể từ khi Taliban trở lại nắm quyền. 3 VĐV nam và 3 VĐV nữ sẽ có mặt tại thủ đô của Pháp, IOC yêu cầu Afghanistan phải cử một đội cân bằng về giới từ khi Taliban trở lại nắm quyền. Cho đến giờ cả IOC cũng như Ủy ban Olympic Quốc gia Afghanistan (NOC) đều không tiết lộ tên của các VĐV, chỉ biết là 5/6 người đang sống ở nước ngoài.

Chế độ Taliban vẫn cấm phụ nữ chơi thể thao, đến sân vận động hay nhà thi đấu thể thao. Afghanistan là nước có số lượng người phải rời đất nước sống lưu vong đông thứ 3 thế giới với 8 triệu kiều dân sinh sống ở 103 nước. Nước này sẽ có 5 đại diện trong các đội tuyển của người tị nạn (EOR).

Cuộc chiến tại dải Gaza cũng là một điểm đáng chú ý tại Paris 2024. Chủ tịch Ủy ban Olympic Palestine, Jibril Rajoub hôm 12-6 đã bày tỏ mong muốn Thế Vận Hội sẽ là dịp để thu hút sự hơn nữa chú ý của dư luận quốc tế vào cuộc chiến tại dải Gaza, “Paris là thời điểm lịch sử và quan trọng. Vì thế, chúng tôi sẽ cố gắng có những VĐV của Gaza hay gốc ở Gaza”. Ông Rajoub còn nhắc tới 300 VĐV, nhân viên và tình nguyện viên trong lĩnh vực thể thao ở các vùng lãnh thổ Palestine đang bị bao vây, các cơ sở hạ tầng thể thao bị phá hủy, sân vận động bị quân đội Israel biến thành nhà tù. Ông Rajoub cũng tố cáo những hạn chế đi lại đối với các VĐV Palestine, khiến họ khó có thể tiếp cận được các sự kiện thể thao quốc tế hay cơ hội được luyện tập ở nước ngoài.

IOC không dự tính cấm Israel tham gia Thế Vận Hội Paris, dù trước đó các dân biểu cánh tả Pháp đã yêu cầu các VĐV phải thi đấu dưới màu cờ trung lập. Mới đây, trong một cuộc họp báo tại Tel Aviv, bà chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc gia Israel, Yael Arad đã tuyên bố : “Đơn giản chúng tôi chỉ muốn các VĐV của mình làm cái việc cần làm, tức là thi đấu. Đây là thể thao chứ không phải chính trị”.

LONG KHANG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/lang-kinh-paris-2024-trong-moi-lo-voi-nhung-cang-thang-quoc-te-post750376.html