Lắng lai một mùa thi...

Kết quả của một cuộc thi không tránh được việc người đỗ, người trượt, có niềm vui và có cả nỗi buồn. Những ngày qua, lời tâm sự của một học sinh không đủ điểm đỗ nguyện vọng 1 vào trường THPT yêu thích là điều đáng để suy ngẫm, nhất là đối với các bậc làm cha mẹ...

Minh họa: Minh Chi

Minh họa: Minh Chi

1. “Mọi người ơi! Con trượt nguyện vọng 1 rồi ạ!”. Sự thông báo này, có thể sẽ gây hiểu lầm, bởi không ai mang nỗi buồn ra “khoe”. Nhưng những dòng chữ này lại bắt đầu cho một câu chuyện không vui, đó là tâm trạng của một học sinh ở Hà Nội trượt nguyện vọng 1 trong kỳ thi vào lớp 10. Em còn thiếu 0,25 điểm thì mới đỗ nguyện vọng 1, như em chia sẻ: “Năm nay con đặt nguyện vọng 1 là THPT Yên Hòa, con thiếu 0,25 điểm để đỗ vào ngôi trường con ao ước bấy lâu. Mỗi chiều đi học về con luôn ghé qua trường, thầm mong một ngày sẽ trở thành học sinh của ngôi trường ấy”.

Còn gì buồn hơn khi mơ ước không thành sự thật. Hy vọng thành thất vọng. Câu chữ rưng rưng và chắc hẳn người học trò này đã phải khóc vì buồn tủi, vì nuối tiếc. Không tiếc sao được khi em là một học sinh giỏi của lớp. Ai cũng tin em sẽ trúng tuyển. Người học trò viết trên trang cá nhân: “Khi biết tin con trượt, cả thầy cô lẫn bạn bè đều rất sốc và tiếc nuối. Con cố tỏ ra rằng mình ổn nhưng con rất buồn, nghĩ rằng “giá như mình cẩn thận hơn một chút...”. Chỉ 0,25 điểm thôi nhưng dường như cả thế giới trước mắt con sụp đổ”.

Không phải ai cũng dũng cảm dám bộc lộ cảm xúc trong một tâm trạng không vui như người học trò này. Thường tâm lý của người thi trượt bao giờ cũng muốn giấu kết quả, không muốn cho nhiều người biết. Nhưng ngược lại, người học trò này đã thẳng thắn chia sẻ. Càng đọc càng bộc lộ tâm trạng. Càng đọc càng thấy xa xót. Đã không còn đơn thuần là sự phơi bày cảm xúc của nỗi buồn thi trượt mà hơn thế, đằng sau đó là nỗi niềm, là những mong có được sự thông cảm, yêu thương, đặc biệt là với bố mẹ của người học trò này. Em viết: “Con biết con là con một, bố mẹ kỳ vọng ở con rất nhiều. Từ khi biết con trượt nguyện vọng 1, không khí trong gia đình con chùng xuống. Thầy cô và bạn bè động viên con, mong con học tốt ở nguyện vọng 2. Nhưng bố mẹ con thì khác, họ chẳng nhìn con lấy một lần. Bố mẹ con cho rằng con là một đứa trẻ thất bại, chỉ mỗi việc ăn học cũng không xong, rất tốn tiền của bố mẹ, chẳng thà về quê cho lành. Con chỉ biết lặng nghe và cắn rứt trong lòng. Con thậm chí chẳng nhận được một lời khích lệ từ họ - trong khi bố mẹ là người con yêu thương và tin tưởng nhất”.

Khi người khác gặp chuyện buồn, nếu không thể bày tỏ sự chia sẻ thì tốt nhất là giữ sự im lặng, không gây thêm những tổn thương. Con thi trượt, người buồn tủi nhất chính là con. Người thất vọng về bản thân con nhất cũng chính là con. Đi thi là đặt cả niềm tin, sự hy vọng. Đi thi ai cũng muốn đỗ. Ngay như người học trò trong câu chuyện này, em đã khao khát đến cháy bỏng, rằng: “Mỗi chiều đi học về con luôn ghé qua trường, thầm mong một ngày sẽ trở thành học sinh của ngôi trường ấy”.

Nhưng cái cách ứng xử của bố mẹ khi con thi trượt lại làm sự buồn tủi của con tăng gấp nhiều lần. Vì thương con hay vì cái tôi quá lớn mà bố mẹ quay sang trách móc, thậm chí mỉa mai con? Đấy không phải là thương mà là sự ích kỷ. Chăm lo cho con không có nghĩa đặt ở con sự kỳ vọng quá lớn, đòi hỏi ở con quá nhiều, để khi con không đạt được đích đến, bố mẹ từ người nhà trở thành xa lạ, lạnh nhạt với chính con mình. “Học tài thi phận”. Phải chấp nhận sự thật và đối diện với sự thật bằng bản lĩnh, tình thương chứ không phải sự áp đặt cảm xúc bằng những “đòn” nặng nề về tâm lý gây chấn thương trong tâm hồn con trẻ.

Và hãy đọc những dòng kết trong chia sẻ của người con, ở đó em mong tiếp tục những mơ ước hay phải chăng đó là sự “cầu cứu”? “Con vẫn muốn được học tập, được giao lưu với bạn bè, còn bao nhiêu thứ con muốn trải nghiệm 3 năm tới. Nhưng bố cương quyết rằng, con không có khả năng học tập, chỉ xứng trường hạng bét, không nên phí tiền bố mẹ. Con cảm ơn mọi người đã lắng nghe con”.

Cánh cửa này khép lại sẽ có cánh cửa khác mở ra. “Việc học không bao giờ cùng”. Không đạt nguyện vọng 1 nhưng con còn nguyện vọng 2. Còn ý chí, nghị lực tức còn niềm tin. Con đang thắp sáng niềm tin trong con để vững bước. Sao bố mẹ không lắng nghe con?

2. Năm học 2024-2025, đã có 385 học sinh trúng tuyển vào lớp 6 Trường THCS Trần Mai Ninh. Đây có thể gọi là một ngôi trường quy tụ những học sinh có thành tích cao trong học tập, là trường “điểm” của TP Thanh Hóa. Trước đó, để đủ điều kiện thi vào ngôi trường này, yêu cầu đặt ra: Các năng lực và các phẩm chất cuối năm học lớp 5 đạt mức Tốt; kết quả đánh giá các môn học và hoạt động giáo dục cuối năm học lớp 5 đạt mức Hoàn thành trở lên và điểm kiểm tra định kỳ cuối học kỳ II lớp năm đối với các môn Toán, tiếng Việt, tiếng Anh mỗi môn đạt từ 9,0 điểm trở lên.

36 trường có học sinh trúng tuyển thì trong số đó, nhiều trường có lượng học sinh trúng tuyển tương đối cao như Trường Tiểu học Ba Đình với 64 học sinh, Tiểu học Điện Biên 1 với 58 học sinh, Tiểu học Điện Biên 2 với 33 học sinh...

Trước đó, các trường tiểu học trong thành phố cũng phải rà soát, lập danh sách những học sinh có đủ điều kiện tham gia kỳ thi khảo sát, đánh giá năng lực này. Giáo viên là 1 trong những người đóng vai trò quan trọng khi trực tiếp hướng dẫn ôn thi cho các em. Do đó, đòi hỏi sự cố gắng nỗ lực của thầy và trò để mang vinh danh về cho nhà trường.

Trong niềm vui thi đỗ, chắc chắn không thể không có nỗi buồn thi trượt. Nhưng có một sự việc còn đau lòng hơn thế, một khoảng trống khó bù đắp khi chính giáo viên lại là người không muốn cho học sinh thi vào trường điểm.

Câu chuyện xảy ra ở một trường tiểu học cũng khá nổi tiếng ở TP Thanh Hóa. Bức xúc, phụ huynh đã chia sẻ lên trang cá nhân và chụp cả hình học bạ của con mình. Sự việc đã gây xôn xao dư luận. Nội dung chia sẻ đã nhận được nhiều sự phản ứng quyết liệt đối với giáo viên của trường tiểu học khá nổi tiếng kia.

Một học sinh giỏi, có đủ điều kiện thi vào trường điểm của thành phố nhưng đã bị cô giáo trù dập, tự ý sửa học bạ, tẩy xóa học bạ khiến em không đủ điều kiện tham gia thi tuyển. Sự việc sau này bị phát hiện, nhà trường và cô giáo đã đến xin lỗi học sinh và gia đình. Tuy nhiên, lời xin lỗi không thể giúp học sinh nộp hồ sơ thi vì đã quá hạn thời gian.

Có thể, học sinh này đã đứng trong danh sách trúng tuyển nhưng vì hành vi vô đạo đức của người thầy đã làm em phải dừng mơ ước.

Tất nhiên, không học trường này sẽ học trường khác nhưng còn đó là nỗi đau xúc phạm nhân phẩm. Người làm nên điều này không ai khác lại chính là một nhà giáo, người đứng trên bục giảng truyền dạy kiến thức, giáo dục cách làm người cho học sinh. Khi lấy bút đặt lên cuốn học bạ làm việc xấu xa thì lương tâm của nhà giáo đâu còn?

Vi An

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/lang-lai-mot-mua-thi-31850.htm