Lăng mộ bí ẩn với dòng chữ đỏ như máu khiến không ai dám đụng vào
Ngôi mộ với dòng chữ màu đỏ như máu có nội dung cảnh báo rùng rợn khiến các nhà khoa học đau đầu tìm cách giải quyết.
Các nhà khảo cổ học vừa tìm thấy một lăng mộ ở Beit She'arim (Israel), trong một cái hang nhỏ tại một nghĩa trang cổ xưa. Đây là hang ngách nằm trong một hang lớn - cái hang lớn thì đã được biết đến từ 1 năm trước nhưng cái hang ngách này thì gần đây mới được phát hiện ra. Đây là lăng mộ đầu tiên được tìm thấy trong suốt 65 năm qua ở khu Di sản Thế giới được UNESCO công nhận này.
Theo đó, Yonatan Orlin, nhà bảo tồn làm việc tại Cơ quan Công viên và Thiên nhiên Israel phát hiện ra hang động nguyên thủy cách đây 1 năm. Hang động lớn dẫn đến việc phát hiện ra các ngách hang động nhỏ hơn bên trong. Ngôi mộ được tìm thấy ở trong một ngách hang động nhỏ.
Các nhà khảo cổ đánh giá, ngôi mộ là một phát hiện quan trọng. Tuy nhiên, việc tìm thấy một công trình cổ không có nghĩa là người ta có thể tìm hiểu nó ngay. Bởi ai cũng thấy rợn người khi đọc lời cảnh báo được viết trên một tấm bảng ở lăng mộ, bằng loại mực gì đó đỏ như máu.
Theo các chuyên gia, dòng chữ đó giống như một lời nguyền, cảnh báo những người tò mò không được xâm phạm ngôi mộ. Dòng chữ viết: "Yaakov Ha’Ger thề sẽ nguyền rủa bất kỳ ai mở ngôi mộ, vì vậy sẽ không một ai mở ra cả”.
Nhà khảo cổ Adi Erlich từ Đại học Haifa cho rằng thông điệp này nhằm mục đích đảm bảo nơi an nghỉ của người đã khuất sẽ vĩnh viễn không bị quấy rầy. "Lời cảnh báo để ngăn chặn bất cứ ai có ý muốn phá hoại khu mộ. Việc làm này xảy ra khá thường xuyên ở nhiều ngôi mộ khác", Adi Erlich nói.
Adi Erlich dự đoán rằng dòng chữ có từ cuối thời La Mã hoặc đầu thời kỳ Byzantine. "Chúng tôi giữ gìn dòng chữ và phong tỏa hang động để giữ an toàn cho ngôi mộ trong thời điểm hiện tại. Không có kế hoạch khai quật nào vào lúc này", Adi Erlich cho biết.
Beit She'arim được coi là nơi an nghỉ cuối cùng của Judah HaNasi, người Do Thái được nhiều người biết đến ở thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên. Beit She'arim là một thị trấn trung tâm của người Do Thái sau khi Jerusalem bị tàn phá vào năm 70 sau Công nguyên.
Minh Hoa (t/h)