Làng nghề chuyển mình nhờ chuyển đổi số | Hà Nội tin mỗi chiều

Bán hàng trực tuyến của những người nổi tiếng đã không còn quá xa lạ nhưng đây cũng là cách quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ hàng hóa qua kênh online của những người dân ở Bát Tràng. Từ vùng an toàn của những người nghệ nhân cần mẫn với văn hóa làng nghề, giờ đây họ đã tìm được làn gió mới, gia tăng thu nhập cho chính mình, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu khi mà khoa học, công nghệ ngày càng phát triển. Chỉ cần một cú click chuột hay một cú chạm trên điện thoại, chỉ cần ngồi ở nhà chúng ta cũng dễ dàng đặt mua bất cứ thứ gì mình muốn mà không cần tốn công đi mua sắm.

Với khoảng 1.350 làng nghề và làng có nghề, chắc chắn Hà Nội cũng không thể bỏ lỡ cơ hội này. Đến các làng nghề ở Hà Nội giờ đây, chúng ta không chỉ được tham quan, mua sắm, trải nghiệm các sản phẩm mà hoàn toàn có cơ hội chứng kiến và học hỏi những người nghệ nhân, người dân ở các làng nghề bán hàng qua nền tảng số.

Làng lụa Vạn Phúc gần đây, ngoài phục vụ khách hàng trực tiếp tham quan thì chính các hộ dân ở đây cũng đã đầu tư hệ thống livestream. Hộ đơn giản thì một chiếc điện thoại, một chiếc đèn livestream. Hộ hiện đại hơn thì đầu tư cả một trang web, một trang Fanpage và có nhân viên trực page online… Tất nhiên, quá trình này không hề dễ dàng. Để chuyển đổi hình thức kinh doanh trong thời buổi này, chắc chắn phải đầu tư hạ tầng. Chi phí đầu tư có lẽ không rẻ nhưng hiệu quả là thấy rõ.

Nghệ nhân Trần Thị Ngọc Lan - Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc cho biết: "So với trước đây làng nghề chỉ kinh doanh truyền thống, thì hiện nay, kết hợp kinh doanh truyền thống và thương mại điện tử đã mang lại sức sống mới với nhiều lợi nhuận cho người dân hơn; đồng thời cũng quảng bá được sản phẩm của làng nghề đến nhiều hơn các khách hàng trong nước và nước ngoài".

Ông Nguyễn Văn Dậu, thôn Chính Vân (xã Vân Từ), chủ cơ sở may comple ở Phú Xuyên cho biết: "Việc mở kênh bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội được giới trẻ của làng nghề sử dụng phổ biến, đem lại giá trị cao. Hiện sản lượng bán hàng thông qua mạng xã hội và thương mại điện tử bắt đầu tăng, chiếm khoảng 30% tổng sản lượng tiêu thụ sản phẩm của làng nghề".

Làng nghề dần đổi mới sản phẩm, bắt kịp xu thế chuyển đổi số. Ảnh: VGP/Diệu Anh.

Làng nghề dần đổi mới sản phẩm, bắt kịp xu thế chuyển đổi số. Ảnh: VGP/Diệu Anh.

Sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, sản phẩm làng nghề khó xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và khó tới các tỉnh, thành phố như trước; việc vận chuyển nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm trong nước cũng gặp nhiều khó khăn. Chính trong hoàn cảnh đó, để sản xuất, kinh doanh không bị đứt gãy, nhiều hộ gia đình ở các làng nghề đã linh hoạt tìm kiếm thị trường thông qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Nhờ "lối ra" này, các sản phẩm từ các làng nghề xuất bán ra thị trường khá đều.

Quá trình chuyển đổi số khi đó được nhiều tờ báo và các nhà phân tích cho rằng chỉ diễn ra tại số ít làng nghề và dừng lại ở việc quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm qua các kênh phân phối online; số cơ sở sản xuất ứng dụng công nghệ và thương mại điện tử trong kinh doanh còn khiêm tốn. Nguyên nhân cơ bản do đa số hộ sản xuất ở các làng nghề là nông dân, trình độ tiếp cận thị trường chưa cao, ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm sản xuất...

Bây giờ thì đã khác. Sau lũy tre làng, sản phẩm của hầu hết các làng nghề đã cất cánh. Nhưng làm thế nào để đạt được hiệu quả bền vững thì vẫn cần phải nghiên cứu kỹ.

Sản phẩm làng nghề xuất hiện trên các trang thương mại điện tử. Ảnh: Báo Kinh tế Đô thị.

Sản phẩm làng nghề xuất hiện trên các trang thương mại điện tử. Ảnh: Báo Kinh tế Đô thị.

Chuyển mình là sự thay đổi với những thay đổi tốt, tích cực. Trong thời buổi “của khôn người khó”, đưa hàng Việt nói chung và hàng từ các làng nghề truyền thống đến với người tiêu dùng chưa bao giờ là dễ dàng. Vì vậy phải có sự tham gia, phối hợp từ nhiều phía.

Bà Cao Bích Thủy, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại - Đào tạo Phát triển Làng nghề cho rằng: “Cần có các hình thức phổ biến cho các nghệ nhân, các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ hiểu về bán hàng online, biết các kỹ năng cần thiết. Nếu các nghệ nhân, cơ sở không tự thực hiện được thì nên có các hình thức trợ giúp cụ thể, hoặc mở địa chỉ bán hàng online chung cho nhiều nghệ nhân, cơ sở cùng tham gia”.

"Về phía người dân tại các làng nghề, cần xác định thị trường mục tiêu cho sản phẩm, tốt nhất là phát triển thị trường ngách. Để tìm được thị trường ngách, người dân làng nghề có thể sử dụng một số công cụ như: tra cứu về xu hướng trên google, tham gia các nhóm truyền thông xã hội và cộng đồng trực tuyến liên quan đến thị trường, kiểm tra sự cạnh tranh của sản phẩm", bà Cao Bích Thủy nói thêm.

Còn theo TS. Tôn Gia Hóa, Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam, để ứng dụng thương mại điện tử thực sự hiệu quả, các làng nghề cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh; chủ động khai thác thông tin mở rộng thị trường, nâng cao giá trị các sản phẩm làng nghề...

Lê Thông

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/lang-nghe-chuyen-minh-nho-chuyen-doi-so-ha-noi-tin-moi-chieu-276565.htm