Trung Quốc-EU: Tình hình thêm 'căng', Bắc Kinh phản ứng mạnh, 'bắn tin' đến WTO

Ngày 30/10, Trung Quốc đã phản ứng mạnh sau khi Ủy ban châu Âu (EC) thông báo kết quả cuối cùng của cuộc điều tra chống trợ cấp đối với xe điện của nước này.

EU sẽ áp mức thuế mới cao nhất lên tới 35,3%, ngoài mức thuế 10% hiện hành đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc. (Nguồn: Reuters)

EU sẽ áp mức thuế mới cao nhất lên tới 35,3%, ngoài mức thuế 10% hiện hành đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc. (Nguồn: Reuters)

Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, nước này đã nhiều lần chỉ ra rằng cuộc điều tra do Liên minh châu Âu (EU) tiến hành có nhiều điểm không hợp lý, không phù hợp với quy định, là hành động bảo hộ dưới danh nghĩa “cạnh tranh công bằng”.

Bắc Kinh không đồng tình, không chấp nhận phán quyết này và đưa vụ việc lên Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Đồng thời, sẽ tiếp tục áp dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp nước này.

Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết thêm, nước này cũng chú ý đến việc phía châu Âu bày tỏ sẽ tiếp tục thương lượng về cam kết giá cả.

Bắc Kinh chủ trương giải quyết tranh chấp thương mại thông qua đối thoại và thương lượng.

Phòng Thương mại Trung Quốc tại EU cũng bày tỏ sự thất vọng sâu sắc trước biện pháp "bảo hộ" và "độc đoán" của khối, đồng thời lo ngại về việc thiếu tiến triển đáng kể trong các cuộc đàm phán nhằm tìm giải pháp thay thế cho thuế quan.

Trước đó, ngày 29/10, khối 27 thành viên đã nhất trí áp thuế bổ sung đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc sau khi các cuộc đàm phán với Bắc Kinh không đạt được thỏa thuận giúp chấm dứt tình trạng bế tắc.

Trong quyết định cuối cùng được công bố, EC xác nhận EU sẽ áp mức thuế mới cao nhất lên tới 35,3%, ngoài mức thuế 10% hiện hành đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc.

Cụ thể, thuế đối với các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc sẽ là 17% đối với xe của BYD, 18,8% đối với xe của Geely và 35,3% đối với xe của SAIC thuộc sở hữu nhà nước. Geely có các thương hiệu bao gồm Polestar và Volvo của Thụy Điển, trong khi SAIC sở hữu MG của Anh, một trong những thương hiệu xe điện bán chạy nhất châu Âu.

EC cho rằng, áp thuế chống bán phá giá là cần thiết để đối phó với các khoản trợ cấp không công bằng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, bao gồm ưu đãi tài chính, cấp đất, pin và nguyên liệu thô dưới giá thị trường.

Theo EC, năng lực sản xuất dư thừa của Trung Quốc ước đạt 3 triệu xe EV mỗi năm, gấp đôi quy mô thị trường EU.

(theo Reuters)

Việt An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/trung-quoc-eu-tinh-hinh-them-cang-bac-kinh-phan-ung-manh-ban-tin-den-wto-291928.html