Làng nghề đan cót Đỗ Xuyên: Nơi phát huy giá trị của cây tre, cây nứa

Là vùng đất với những rặng tre, nứa xanh bạt ngàn, người dân làng Đỗ Xuyên, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ đã tận dụng những gì sẵn có để tạo nên những sản phẩm độc đáo từ những thanh nan tre, nứa đơn sơ. Với những bàn tay khéo léo, người dân Đỗ Xuyên đã đưa tre, nứa Việt Nam vươn ra thế giới thông qua những sản phẩm đặc trưng.

Sản phẩm cót của làng nghề Đỗ Xuyên từ lâu đã nổi tiếng xa gần bởi sự bền chắc, nhiều công dụng

Sản phẩm cót của làng nghề Đỗ Xuyên từ lâu đã nổi tiếng xa gần bởi sự bền chắc, nhiều công dụng

Đến làng nghề Đỗ Xuyên, huyện Thanh Ba vào những ngày nắng, không khó để bắt gặp hình ảnh những cuộn cót vàng óng được phơi trên khắp các đường làng ngõ xóm. Sản phẩm cót của làng nghề Đỗ Xuyên từ lâu đã nổi tiếng xa gần bởi sự bền chắc, có nhiều công dụng khác nhau.

Để làm được cót, người dân phải lựa chọn những cây tre, nứa được trồng từ 2-3 năm để chẻ nan. Người thợ phải khéo léo chẻ sao cho những thanh nan mỏng như lá lúa. Trước khi được dùng để đan cót, nan tre sẽ trải qua các công đoạn như ngâm nước, vớt ra đem phơi từ 1 đến 2 nắng.

Nghề đan cót vốn được xem là nghề phụ của bà con Đỗ Xuyên, tranh thủ lúc nông nhàn hoặc hễ có thời gian rảnh rỗi, bà con sẽ tranh thủ để làm cót. Tại những gia đình rộng rãi, mọi người kéo đến ngồi cùng đan và trò chuyện vui vẻ, tạo thành nơi sinh hoạt cộng đồng, gắn kết.

Bước vào giai đoạn kinh tế thị trường, nghề đan cót tại Đỗ Xuyên ngày càng phát triển bởi nhu cầu của thị trường tăng cao. Không chỉ phục vụ việc phơi nông sản và nhiều hoạt động nông nghiệp, những tấm cót bền chắc giờ đây còn được dùng để phục vụ các công trình xây dựng. Cũng nhờ đó, đan cót đã trở thành nghề thủ công quan trọng, làm giàu cho người dân Đỗ Xuyên.

Bên cạnh những tấm cót làm từ nan tre, nơi đây còn một sản phẩm làm từ cây nứa được khắp nơi biết tới, đó là mâm dồn, hay còn có tên khác là mâm chắp. Sở dĩ có tên gọi này là bởi để làm được một chiếc mâm dồn, người thợ sẽ dùng rất nhiều những thanh nan bằng nứa ghép, chắp, nén chặt vào nhau.

Để làm được một chiếc mâm dồn, đòi hỏi người thợ phải vô cùng khéo léo, tỉ mỉ và kiên trì. Sản phẩm hoàn toàn được thực hiện thủ công và phải cần ít nhất từ 3 đến 4 ngày để hoàn thiện. Mâm dồn Đỗ Xuyên được sử dụng để phục vụ việc thờ cúng tại các hộ gia đình cũng như tại các đình, chùa…

Mâm dồn Đỗ Xuyên được sử dụng để phục vụ việc thờ cúng tại các hộ gia đình cũng như tại các đình, chùa…

Mâm dồn Đỗ Xuyên được sử dụng để phục vụ việc thờ cúng tại các hộ gia đình cũng như tại các đình, chùa…

Qua biến cố thời gian, tác động của cơ thị trường, nghề làm mâm chắp tại Đỗ Xuyên đã dần bị mai một, không còn nhiều hộ theo nghề. Hiện tại làng Đỗ Xuyên, chỉ còn một hộ là gia đình ông Đỗ Quang Trung gắn bó với nghề. Cũng vì ít hộ sản xuất, sản phẩm mâm chắp dù được ưa chuộng nhưng gia đình ông Trung lại không đủ nhân lực, sản phẩm luôn trong tình trạng không đủ để đưa ra thị trường.

Nhằm phát triển nghề truyền thống, chính quyền xã Đỗ Xuyên cho biết đã vận động gia đình ông Trung dạy lại cách làm mâm nứa dồn cho người dân địa phương. Từ đó tiến tới thành lập hợp tác xã để tạo điều kiện phát triển nghề quý của cha ông để lại.

Chính quyền địa phương đã tạo mọi cơ chế chính sách, tạo điều kiện cho làng nghề Đỗ Xuyên phát triển

Chính quyền địa phương đã tạo mọi cơ chế chính sách, tạo điều kiện cho làng nghề Đỗ Xuyên phát triển

Nhận thấy tiềm năng từ nghề thủ công từ tre, nứa, có thể trở thành động lực phát triển kinh tế, thời gian qua, chính quyền xã Đỗ Xuyên đã tạo mọi cơ chế chính sách, tạo điều kiện cho làng nghề phát triển. Cũng từ đây, như HTX sản xuất thủ công mỹ nghệ tre nứa Đỗ Xuyên được thành lập, áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, không chỉ giúp tạo việc làm cho người dân địa phương, mà còn giúp các sản phẩm làm từ tre, nứa của làng quê Đỗ Xuyên vươn ra thế giới.

Sau thời gian trầm lắng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, giờ đây trên các nẻo đường của làng nghề Đỗ Xuyên lại rộn rã tiếng cười nói cùng những đôi tay thoăn thoắt, khéo léo của người thợ làm nên những sản phẩm đẹp mắt. Với những bước tiến mới, giờ đây người dân Đỗ Xuyên không những có cơ hội gìn giữ nghề truyền thống mà còn có thể vươn lên làm giàu từ những thanh tre, nứa đơn sơ đã gắn bó từ bao đời.

Xuân Hanh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/lang-nghe-dan-cot-do-xuyen-noi-phat-huy-gia-tri-cua-cay-tre-cay-nua-post449874.html