Lắng nghe, đồng hành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
'Cơ hội đầu tư kinh doanh tại Thừa Thiên Huế đang ngày càng rộng mở, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc thuộc tất cả các lĩnh vực. Cùng với đó, chính quyền luôn lắng nghe, đồng hành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển với quan điểm thành công của doanh nghiệp chính là thành công của tỉnh'. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương khẳng định tại hội nghị lãnh đạo UBND tỉnh gặp mặt doanh nghiệp chào mừng ngày doanh nhân Việt Nam 13/10, được UBND tỉnh tổ chức chiều 12/10. Cùng dự có lãnh đạo các ban, sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan và hơn 200 DN trên địa bàn tỉnh.
Lắng nghe doanh nghiệp, doanh nhân
Phát biểu khai mạc hội nghị, nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến cộng đồng doanh nghiệp (DN), doanh nhân (DN), những người dẫn dắt DN vượt qua nhiều thách thức để cùng đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, 9 tháng đầu năm nay, kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đang dần phục hồi. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 9 tháng đầu năm đạt 6,84%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Kết quả đó, có sự đóng góp không nhỏ của cộng đồng DN, DN trong tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, phấn khởi với những kết quả đạt được nhưng cũng thẳng thắn nhìn nhận nhiều khó khăn đang hiện hữu. Các DN trên địa bàn đang còn hạn chế về quy mô, năng lực quản trị, vốn, thị trường; hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Buổi gặp mặt là cơ hội để lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương lắng nghe kiến nghị, phản ánh, đề xuất của DN; từ đó, cùng chung tay tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như tiếp nhận những hiến kế, phát huy vai trò của cộng đồng DN, DN trong tiến trình xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị đại diện Hiệp Hội DN tỉnh, các Hội DN, các DN nêu cao trách nhiệm, phát biểu thẳng thắn, nêu rõ địa chỉ, rõ vấn đề, gợi mở hướng xử lý các vướng mắc, bất cập trong các quy định chính sách của tỉnh; chỉ đích danh sở, ngành, địa phương nào làm tốt; sở, ngành, địa phương nào còn chậm trễ, ách tắc thủ tục, cản trở sự phát triển chung.
Tham gia đối thoại tại hội nghị, các DN và DN cảm ơn lãnh đạo tỉnh, chính quyền các địa phương luôn đồng hành, quan tâm, giúp đỡ cho cộng đồng DN, DN để đầu tư phát triển sản xuất. Các đại biểu dành nhiều thời gian kiến nghị nhiều nội dung quan trọng, tập trung vào các nhóm vấn đề, như: Hỗ trợ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ về mặt bằng sản xuất, kinh doanh đối với DN ngành công nghiệp hỗ trợ. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn; hỗ trợ DN khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, xây dựng thương hiệu sản phẩm; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, hỗ trợ DN vượt khó khăn, phục hồi, phát triển. Các cơ quan chức năng phải hướng dẫn cụ thể các quy định mà nhà đầu tư phải đáp ứng để được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng; xây dựng nguồn quỹ hỗ trợ đào tạo DN.
Kiến nghị UBND tỉnh đề xuất Chính phủ hỗ trợ tiền thuê đất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các DN trong các cụm công nghiệp, khu công nghiệp, giảm các hoạt động thanh tra, kiểm tra chồng chéo làm ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của DN. DN mong các cơ quan có thẩm quyền sớm hoàn thiện, đầu tư hạ tầng giao thông trong các khu kinh tế, đồng bộ hạ tầng, tạo động lực phát triển.
Hầu hết các ý kiến, kiến nghị các doanh nghiệp tại buổi gặp mặt được Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan đã trả lời, giải đáp thỏa đáng. Một số câu hỏi, kiến nghị còn lại của các DN được các sở, ngành theo chức năng, lĩnh vực sẽ tổng hợp và trả lời bằng văn bản cụ thể.
Đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển
Ghi nhận những ý kiến tâm huyết, thẳng thắn và trách nhiệm của các DN, Hiệp hội Doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: “ Cơ hội đầu tư kinh doanh tại Thừa Thiên Huế đang ngày càng rộng mở, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc tất cả các lĩnh vực. Cùng với đó, chính quyền luôn lắng nghe, đồng hành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển với quan điểm thành công của doanh nghiệp cũng chính là thành công của tỉnh”.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương yêu cầu cả hệ thống chính trị, các ngành, địa phương, đơn vị cần xác định vai trò, vị trí của DN, DN đối với sự phát triển của tỉnh. Thông qua vai trò của DN và DN để khai thác các tiềm năng lợi thế; đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, tăng nguồn thu ngân sách, phát huy các trụ cột kinh tế, động lực tăng trưởng mà tỉnh đã đặt mục tiêu.
Đồng hành cùng DN, tỉnh đã quyết liệt trong công tác cải cách hành chính, đã xây dựng chính quyền điện tử với các sáng kiến trong phát triển đô thị thông minh, hướng các hoạt động quản lý và điều hành địa phương trở nên phù hợp và thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Tỉnh Thừa Thiên Huế là địa phương đi đầu cả nước trong ban hành các chính sách tăng cường hỗ trợ DN, cụ thể hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển; hỗ trợ DN nhỏ và vừa, chính sách hỗ trợ “100 doanh nghiệp chuyển đổi số trong 100 ngày”, chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư,...
UBND tỉnh đã thành lập 4 tổ công tác giám sát, quản lý các dự án đầu tư do Chủ tịch và 3 Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng, kịp thời chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các vướng mắc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án ngoài ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở các phản ánh, kiến nghị, đề xuất của các DN, các Hiệp hội, UBND tỉnh sẽ giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành trong việc giải quyết các đề xuất kiến nghị cho doanh nghiệp theo hướng: Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách của Trung ương cũng nhưu địa phương một cách kịp thời và hiệu quả. Tiếp tục kiến nghị đến các cơ quan Trung ương những nội dung còn vướng mắc, khó khăn cho DN trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.
Với các đề xuất thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh, UBND tỉnh sẽ có văn bản chỉ đạo, giao các ngành tham mưu, thực hiện phù hợp gắn với thời hạn trong xử lý các công việc, không để tình trạng chậm trễ trong giải quyết. Đồng thời, tiếp tục giao các ngành nghiên cứu thêm các giải pháp, hỗ trợ doanh nghiệp và gửi Sở kế hoạch và Đầu tư tổng hợp để xây dựng các phương án phát triển bền vững.
Đối với cộng đồng DN và DN, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị tiếp tục đổi mới tư duy sản xuất kinh doanh. Các DN trong tỉnh cần tăng cường kết nối với nhà đầu tư các dự án trọng điểm trên địa bàn. Quan tâm đời sống công nhân, người lao động cả về vật chất và tinh thần, phát huy trách nhiệm an sinh xã hội đóng góp quan trọng vào tiến trình xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.