Văn hóa truyền thống
Trong các làng nghề mây tre đan của Hà Nội hiện nay, tiêu biểu nhất là làng nghề mây tre đan Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ.
Vốn là vùng quê chiêm trũng, Phú Vinh thuận lợi cho việc trồng cây mây, cây tre. Nhiều người dân làm nghề Phú Vinh gắn bó và thuộc tính từng sợi mây, cây tre từ rất lâu đời. Theo nghề cha truyền, con nối dần dần nghề mây, tre đan phát triển trở thành nghề truyền thống cả làng.
Nét đặc trưng trong sản phẩm mây tre đan truyền thống Phú Vinh là hình dáng tuy đơn giản, mộc mạc nhưng kỹ thuật sản xuất lại rất tinh xảo, đòi hỏi sự công phu của những đôi bàn tay tài hoa, khéo léo mà không có sự can thiệp của máy móc đem đến sự khác biệt của dòng sản phẩm này so với các dòng khác trên thị trường.
Theo nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Tĩnh, đối với sản phẩm mây tre đan Phú Vinh, người làm phải biết chọn nguyên liệu ưng ý rồi tuốt, phơi, chẻ nan… Sau đó, nguyên liệu sẽ được sấy khói rơm, hoặc phơi nắng để có màu đẹp tự nhiên, cuối cùng mới đến tay người thợ đan thành sản phẩm.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh chia sẻ thêm, làng nghề mây tre đan Phú Vinh nổi tiếng bởi vì chất, kĩ năng, kĩ thuật cũng như các đường đan đặc biệt tỉ mỉ, cầu kì. Với khả năng sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo, các nghệ nhân Phú Vinh đã tạo ra hàng trăm cách đan khác nhau như: Đan xương cá, kết hình hoa và kết màu sắc, tạo hình hoa văn nổi trên nhiều mẫu sản phẩm tinh xảo… có tính thẩm mỹ cao.
Hiện nay, làng nghề mây tre đan ở Phú Vinh chỉ sử dụng một số máy móc để hỗ trợ trong các công đoạn đơn giản. Còn lại những công đoạn quan trọng nhất là đan tay vẫn được thực hiện thủ công hoàn toàn, từ đó thể hiện được sự tinh sảo, khéo léo của đôi bàn tay người thợ.
Sản phẩm mây tre đan có rất nhiều loại nhưng được phân thành 4 nhóm cơ bản: Hàng đĩa (nan mỏng, không có cạp, đan lát đơn giản, hàng không chắc chắn); Hàng rô (nan mỏng, có cạp, đan lát nhiều lần tạo lỗ nhỏ, hàng tương đối chắc chắn; Hàng tê (nan dày phải vót, đan lát đơn giản, hàng cứng cáp nhưng không thoáng); Hàng lô (nan dày, đan lát có cốt, hàng cứng cáp chắc chắn).
Để phù hợp với thị hiếu của thị trường, trong thời gian qua một số cơ sở sản xuất trong thôn đã chủ động thay đổ hướng sản xuất. Từ các sản phẩm đồ gia dụng chuyển sang sản xuất các sản phẩm thủ công mĩ nghệ đồ trang trí, trang sức và các sản phẩm phục vụ du lịch vừa giữ được nghề lại tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương.
Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh, với nghề mây tre đan để làm ra những sản phẩm thủ công mĩ nghệ cao cấp tinh xảo và mang tình nghệ thuật cao phải do những người thợ có bàn tay tài hoa, óc sáng tạo tận tâm với nghề mới làm nên được. Bên cạnh đó biết kết hợp cái truyền thống với hiện đại như thiết kế, phối màu tạo ra cái khỏe khoắn của tre và cái mềm mại của mây mang lại nhưng nét rất riêng cho dòng sản phẩm của hướng tới khách du lịch và thị trường xuất khẩu.
Trước đây, sản phẩm từ mây tre đan chủ yếu là đồ dùng phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày như thúng, mủng, dần, sàng, túi, hộp... Đến nay, những nghệ nhân Phú Vinh đã sáng tạo được hàng trăm mẫu hàng xuất khẩu như: đĩa mây, lẵng mây, làn mây, chậu mây, bát mây; sản phẩm mỹ nghệ như: đồ trang trí, chao đèn, rèm cửa, tranh chân dung, phong cảnh, hoành phi, câu đối, bàn, ghế, sa lông; đồ nội thất khách sạn, nhà hàng bằng tre trúc.
Hiện nay, sản phấm mây, tre, giang đan của Phú Vinh đã chen chân vào được những thị trường khó tính như: Nhật Bản, Mỹ, Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha ... Mây tre đan cũng đã trở thành một hàng hóa có trong danh mục xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.
Hiện nay trên địa bàn xã Phú Nghĩa đã hình thành 16 doanh nghiệp, tổ hợp sản xuất và kinh doanh các mặt hàng mây tre đan xuất khẩu, trong đó có 9 doanh nghiệp kinh doanh tập trung tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa đã được quy hoạch, số còn lại là những doanh nghiệp, tổ hợp sản xuất nhỏ nằm trong các hộ dân.
Mây tre đan đã trở thành nghề truyền thống, đảm bảo giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho một lượng lớn người lao động, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc, cốt cách làng nghề mà cha ông để lại cho người dân Phú Vinh.
Khánh Huy