Làng nghề mây tre đan Phú Vinh - nơi lưu giữ nét đẹp hồn quê
Khi nhắc đến Thủ đô Hà Nội, chúng ta không chỉ nhớ đến 36 phố phường sôi động với nhịp sống hiện đại, nét ẩm thực đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc mà còn phải nhắc đến những làng nghề truyền thống đậm chất văn hóa, là những viên ngọc quý bên lòng thành phố nhộn nhịp.
Nơi lưu giữ nét đẹp hồn quê
Trở về với mảnh đất Chương Mỹ, Hà Nội chúng ta ghé thăm làng nghề mây tre đan Phú Vinh - nơi lưu giữ nét đẹp hồn quê. Thôn Phú Vinh là điểm nhấn của vùng đồng bằng sông Hồng, nổi tiếng với sự phát triển nông nghiệp và sản xuất lương thực. Với cảnh quan đồng bằng mênh mông và không khí trong lành, thôn Phú Vinh thu hút du khách bởi sự giản dị và bình yên của cuộc sống quê hương. Đây là nơi cư dân tận hưởng cuộc sống gần gũi với tự nhiên và làm việc chăm chỉ trên ruộng đồng. Mặc dù không có các tiện ích đô thị lớn, nhưng thôn Phú Vinh vẫn là nơi quý báu cho những ai muốn tìm kiếm sự thư giãn và trốn tránh khỏi sự ồn ào của thành phố.
Làng Phú Vinh nổi tiếng với truyền thống đan mây tre kéo dài gần 400 năm. Được hình thành vào năm 1700 với tên gọi ban đầu là Phú Hoa Trang, có ý nghĩa "trời phú cho dân có bàn tay lụa", làng Phú Vinh từng được biết đến dưới cái tên Cò Đậu, nằm ở vùng chiêm trũng. Cuộc sống của cư dân ở đây từng đối mặt với những khó khăn do ngập lụt và nước lũ.
Trong bối cảnh ấy, ông Nguyễn Văn Sôi (cư dân của làng) đã khai thác và chế tạo các sản phẩm từ tre mây để sinh sống qua ngày. Sự khéo léo và sáng tạo của ông đã thu hút sự quan tâm từ cư dân các vùng lân cận, và từ đó, nghề làm đồ tre mây đã trở thành nghề truyền thống của làng Phú Vinh.
Với tài năng và sự sáng tạo của người dân, vào những năm 1800, người Trung Quốc đã biết đến và ca ngợi tài năng của làng. Họ đề xuất thay đổi tên làng từ Cò Đậu thành Phú Hoa Trang, ý nghĩa là "trời ban cho dân có bàn tay tài hoa". Sau đó, năm 1841, làng chính thức đổi tên thành Phú Vinh.
Mặc dù phải đối mặt với nhiều biến cố lịch sử, nhưng lòng kiên định và tinh thần bảo tồn truyền thống của người dân Phú Vinh đã giữ vững nghề làm đồ tre mây. Sau khi miền Bắc được giải phóng vào năm 1954, làng Phú Vinh đã mở rộng kinh doanh ra thị trường quốc tế, và nhận được sự hỗ trợ từ các chuyên gia nước ngoài.
Từ những năm 1960, với sự hỗ trợ của nhà nước và việc tổ chức xây dựng các làng nghề, Phú Vinh đã có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn. Sản phẩm của làng đã được tiếp cận và được đánh giá cao trên thị trường quốc tế. Từ đó, làng nghề Phú Vinh đã khẳng định vị thế và phát triển ngày càng ổn định trong lĩnh vực kinh doanh và sản xuất.
Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình làm nghề và những thay đổi để gìn giữ được nghề như ngày nay, bác Hoàng Văn Tọa – một trong những nghệ nhân lâu năm tại làng cho biết: “Làng Phú Vinh bắt đầu làm nghề đan mây tre đã từ lâu lắm rồi, thời ông bà tổ tiên của bác đã làm, rồi truyền lại đến đời bác. Khi xưa, mỗi nhà sẽ làm hết các quy trình từ đi lên tận rừng chặt mây, tre đến về chế biến mây, tre và làm thành sản phẩm hoàn chỉnh. Làm như vậy thì vất vả lắm, mà làm thủ công, có khi không kiếm được nguyên liệu, có khi thời tiết không thuận lợi hỏng hết nguyên liệu. Mà làm ra thành phẩm rồi, nguồn tiêu thụ cũng không ổn định dẫn đến việc ế ẩm. Từ hồi có sự hỗ trợ của Nhà nước, quy hoạch lại việc sản xuất, các bác mới có công ăn việc làm ổn định, kiên trì giữ vững được nghề truyền thống của làng”.
Để có được những sản phẩm mây tre đan tỉ mỉ, đan tết hoa văn độc đáo, tinh xảo đẹp mắt, những đôi bàn tay khéo léo của từng nghệ nhân đã làm việc vô cùng cần mẫn và cẩn thận, “thổi hồn” vào từng sản phẩm. Trước khi đi vào công đoạn thành hình sản phẩm, quy trình xử lý mây tre tươi cũng vô cùng quan trọng. Để có được những nan mây tre đạt tiêu chuẩn cần phải trải qua nhiều bước, từ khâu chọn mua, xử lý nguyên liệu đến chẻ nan theo yêu cầu của từng loại sản phẩm.
Nguyên liệu mua về được phơi tái. Sau đó cho vào bể ngâm hóa chất khoảng 10 ngày để chống mối mọt. Sau đó vớt tre ra để nghiến mấu, cạo vỏ, dùng giấy giáp đánh bóng và phơi tre khô.
Công đoạn tiếp theo trong sản xuất mây tre là đưa tre vào lò để hun lấy màu, thường sử dụng rơm, rạ hoặc lá tre. Sau khi hun lấy màu, tre được làm nguội và uốn thẳng. Trong công đoạn đóng đồ, người thợ chọn nguyên vật liệu và cắt chúng thành các mặt hàng phù hợp với sản phẩm cuối cùng. Màu sắc của sản phẩm có thể tự nhiên hoặc được tạo ra bằng cách sử dụng sơn PU.
Quá trình chế biến mây đòi hỏi kinh nghiệm và tay nghề cao. Lẩy mấu là bước đầu tiên, cây mây được cắt thành đoạn 3m, nắn thẳng trước khi lẩy mấu. Chẻ mây là công việc công phu, yêu cầu sự điều chỉnh khéo léo để các sợi đều nhau. Sợi to dùng để đan cạp sản phẩm thường, sợi nhỏ được sử dụng cho hàng quý hoặc tạo hoa cầu kỳ. Kỹ thuật chẻ lẻ mây tạo ra sự đa dạng trong sản phẩm, tùy vào kích thước cây mây để quyết định chẻ chẵn hoặc lẻ.
Các nan sau khi chẻ được chuốt để mịn và bóng, sau đó phơi nắng để khô và thoát nước. Để tạo màu sắc đa dạng và tự nhiên, các sợi mây sau khi sấy sẽ được nhúng vào chậu lá cây sòi đã nấu sôi. Phương pháp này không sử dụng hóa chất, giúp sản phẩm mây tre đan của làng Phú Vinh an toàn cho sức khỏe và có độ bền màu cao, lên đến 30-40 năm.
Chị Nguyễn Thị Lan – chủ xưởng chế biến mây tre chia sẻ: “Ngày nay, máy móc kĩ thuật phát triển nên nhiều công đoạn chuẩn bị trong sản xuất mây tre đã được cơ giới hóa, nhưng việc thao tác thủ công vẫn không thể thiếu, đặc biệt là trong kỹ thuật đan. Mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự chính xác và kỹ thuật, với quy tắc rằng mỗi loại sản phẩm phải được thực hiện với nan phù hợp để tránh lỗi sản phẩm”.
Sau khi đã chế biến xong, các nan tre, nan mây sẽ được đưa đến tận nhà hoặc xưởng của người dân để thực hiện các bước thành hình cho các sản phẩm.
Bản sắc văn hóa cùng những truyền thống tốt đẹp của dân tộc sẽ là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn cho con người Việt Nam, sống có tình, có nghĩa và luôn nhớ về cội nguồn của dân tộc. Cùng với sự phát triển của xã hội, việc giữ gìn được các làng nghề truyền thống sẽ là hành trình dài và đầy thách thức. Công cuộc ấy sẽ cần lắm những sự chung tay góp sức của đông đảo nhân dân, đặc biệt là giới trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước.