Làng nghề mộc Phúc Lộc sôi động dịp cuối năm

Chỉ còn gần 2 tháng nữa là đến tết Nguyên đán Quý Mão 2023, thời điểm này, không khí lao động, sản xuất tại các cơ sở của làng mộc Phúc Lộc, phường Ninh Phong (thành phố Ninh Bình) trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Ngoài các sản phẩm bàn ghế, giường tủ truyền thống, các cơ sở sản xuất đang chuẩn bị nhiều sản phẩm mới để phục vụ nhu cầu sắm tết, trang trí nhà cửa của khách hàng.

Công nhân cơ sở mộc Nhung Tỵ hoàn thiện sản phẩm.

Công nhân cơ sở mộc Nhung Tỵ hoàn thiện sản phẩm.

Từ sáng tới đêm, khắp các nhà xưởng tại phố Phúc Lộc đều sáng đèn, vang tiếng máy cưa, máy xẻ, công nhân hăng say làm việc hoàn thiện sản phẩm để trả hàng đúng hẹn cho khách.

Vào dịp cuối năm, sức mua của người dân tăng cao, mặt hàng mộc mỹ nghệ được nhiều người ưa chuộng. Với đặc thù một số mặt hàng mộc thường đặt theo sở thích, nhu cầu, kích thước mong muốn của từng khách hàng nên khách hàng phải đặt hàng mới có. Thời gian hoàn thành sản phẩm cũng mất vài tuần đến vài tháng nên không giống với mặt hàng khác, làng mộc Phúc Lộc tất bật với những đơn hàng cuối năm từ rất sớm.

Tay vừa điều chỉnh máy xẻ gỗ, anh Phạm Văn Thêm, chủ xưởng mộc Phạm Thêm, phố Phúc Lộc cho biết: Nghề mộc bận quanh năm, tuy nhiên bận nhất vào dịp cuối năm. Thường từ tháng 10 âm lịch trở đi, nhiều gia đình mua nội thất về nhà mới, trang trí nhà cửa nên lượng đơn hàng nhiều. Chỉ riêng tháng 11, anh Thêm phải trả cho khách gần 100 đơn hàng lớn nhỏ, chưa kể các đơn đặt trước, xưởng vẫn đang tích cực hoàn thiện.

Hàng khách đặt chủ yếu là sản phẩm mộc gia dụng như tủ thờ, tủ quần áo, tủ kệ, giường hộp, cửa gỗ, song cửa…đến các loại cầu thang lầu, chắn ban công, phù điêu. Năm nay, thị trường còn thịnh hành các loại tranh lịch gỗ, kệ rượu, vật phẩm phong thủy như tượng Di Lặc, tượng Phúc- Lộc- Thọ, Kim Tiền, mã đáo thành công, long- ly- quy- phượng…Chất liệu gỗ chủ yếu ở cây có giá trị, vân gỗ đẹp, độ bền cao như: Hương, cẩm lai, mít, me tây, xà cừ. Giá trị của sản phẩm tùy thuộc vào kích thước, chất liệu gỗ, độ khó của sản phẩm.

Theo anh Thêm, nhìn chung sản phẩm mộc thường có giá cao gấp nhiều lần chất liệu khác, từ vài triệu trên 1m2 sản phẩm. Tuy nhiên tính thẩm mĩ, độ bền và sang trọng cao nên khách hàng vẫn rất ưa chuộng. Xưởng có tệp khách nhất định, xây dựng được uy tín nên khách thường giới thiệu cho nhau.

Cũng giống như xưởng của anh Thêm, cơ sở mộc Nhung Tỵ cũng bận rộn không kém. Cơ sở có 2 xưởng trưng bày, 2 xưởng công nhân làm việc để đảm bảo tiến độ xuất hàng. Do nhu cầu khách hàng cao, hiện cơ sở tuyển thêm khoảng 10 công nhân và cho lao động tăng ca liên tục để hoàn thiện hàng trả khách. Trong quá trình làm việc, chủ cơ sở luôn sát sao, kiểm tra quy trình sản xuất, bám sát công nhân để hạn chế tối đa lỗi.

Nhiều cơ sở đã đưa máy móc vào sản xuất, giảm sức lao động và chi phí.

Chị Trần Thị Nhung, chủ cơ sở mộc Nhung Tỵ thông tin: Giá bán các sản phẩm gỗ tương đối bình ổn qua các năm. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thu nhập của người dân giảm mạnh và tâm lý thắt chặt chi tiêu nên phần lớn khách hàng năm nay thường lựa chọn sản phẩm làm từ gỗ nội, giá bình dân, có giá từ vài triệu đến vài chục triệu một bộ sản phẩm chất lượng. Ngoài ra, cơ sở cũng có các loại gỗ nhập cho khách có nhu cầu với mặt hàng cao cấp, gỗ nhựa, gỗ ép nếu muốn giá rẻ mà vẫn đảm bảo bền đẹp.

Khách đông, hàng đặt nhiều nhưng để tạo dựng thương hiệu và giữ được uy tín khi kinh doanh, người làm nghề mộc như anh Thêm, chị Nhung và các chủ xưởng vẫn đặt chữ tín hàng đầu, không chạy theo số lượng, chú trọng chất lượng, nhất là khâu chọn gỗ cần kiểm soát kĩ lưỡng. Gỗ phải được phơi sấy từ 1 năm rưỡi đến 2 năm mới được đưa vào sản xuất.

Theo thống kê, hiện nay làng nghề mộc Phúc Lộc có khoảng 200 hộ theo nghề, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 800 lao động tham gia. Với mức thu nhập bình quân hơn 9 triệu đồng/người/tháng với thợ đánh ráp, 450.000 đồng/ngày với thợ phụ, 550.000 - 600.000 đồng/ngày với thợ chính. Tuy nhiên, nhiều cơ sở thường xuyên không tuyển được công nhân vì thực tế nghề mộc là công việc vất vả, để trở thành thợ lành nghề phải mất rất nhiều thời gian nên lao động trẻ thường ngại theo nghề và gắn bó lâu dài.

Chị Phạm Thị Huế, công nhân xưởng mộc Nhung Tỵ, phố Phúc Lộc chia sẻ: Chị làm công việc đánh ráp gỗ ở xưởng mộc đến nay đã 10 năm vì tính chất, cường độ công việc phù hợp với sức khỏe, dù môi trường làm việc tương đối bụi nhưng bù lại thu nhập cao so với mặt bằng chung.

Tại xưởng, mỗi công nhân thực hiện một công đoạn việc làm khác nhau, bài bản, tuần tự nên công việc hoàn thành chỉn chu, ít mắc lỗi. Thời gian gần tết, đơn hàng nhiều nên mỗi ngày công nhân đều thực hiện tăng ca từ 1- 1,5 giờ.

Thị trường tết Nguyên đán được coi là mùa làm ăn quan trọng nhất trong năm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các làng nghề trên địa bàn tỉnh. Đến với làng nghề mộc Phúc Lộc dịp này, chứng kiến các phương tiện vận chuyển đồ mộc, xe chở khách đến giao dịch nhộn nhịp mới thấy hết được sự sôi động, phát triển của làng nghề truyền thống.

Thời điểm này, mặc dù công việc sản xuất sẽ vất vả hơn ngày thường, nhưng bù lại doanh thu tăng cao hơn nên người làm nghề ai cũng phấn khởi, cố gắng làm việc hết công suất. Vẫn còn những "tệp" khách hàng yêu thích đồ gỗ Phúc Lộc đồng nghĩa với việc người làng nghề có thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập để đón một cái tết no đủ, đầm ấm.

Bài, ảnh: Lan Anh

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/lang-nghe-moc-phuc-loc-soi-dong-dip-cuoi-nam/d20221129145251284.htm