Làng nghề mứt gừng Mỹ Chánh vào vụ tết

Những ngày này, làng nghề mứt gừng Mỹ Chánh (xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) mùi hương cay nồng, ngào ngạt của gừng bay quyện khắp đường làng ngõ xóm, không khí nhộn nhịp, tất bật nhà nhà đỏ lửa làm mứt gừng phục vụ tết.

Nghề làm mứt gừng làng Mỹ Chánh đã có từ lâu, trải qua bao thế hệ, thăng trầm theo dòng lịch sử, người dân nơi đây vẫn gắn bó, phát triển. Góp phần gìn giữ nghề truyền thống cùng tạo công ăn việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người dân, nhất vào dịp tết đến.

Công việc được bắt đầu từ khoảng tháng 11 âm lịch hằng năm, mứt gừng Mỹ Chánh được chế biến hoàn toàn theo hình thức thủ công truyền thống. Người dân nơi đây sử dụng chanh, dấm thay cho hóa chất trong chế biến, vừa tạo nên hương vị riêng cho mứt gừng cùng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Gừng sau khi thu mua về sẽ được cạo sạch vỏ, rửa sạch và thái mỏng.

Gừng sau khi thu mua về sẽ được cạo sạch vỏ, rửa sạch và thái mỏng.

Mứt gừng Mỹ Chánh nức tiếng gần xa với hương vị cay nồng đặc biệt. Củ gừng chọn làm mứt phải to đều, không già cũng như non quá, để đảm bảo chất lượng, hương vị cay nồng của mứt.

Thường sử dụng dao, thìa để làm sạch vỏ gừng

Thường sử dụng dao, thìa để làm sạch vỏ gừng

Người dân thái gừng thành từng lát mỏng sau đó ngâm, luộc sơ với nước chanh, giấm

Người dân thái gừng thành từng lát mỏng sau đó ngâm, luộc sơ với nước chanh, giấm

Gừng được rim trong chảo lớn với đường trên bếp lửa cho đến khi lát gừng săn lại, đường ngấm cùng bọc quanh.

Gừng được rim trong chảo lớn với đường trên bếp lửa cho đến khi lát gừng săn lại, đường ngấm cùng bọc quanh.

Công đoạn này được xem là khó nhất, người được đảm nhận phải có kinh nghiệm, tay nghề nhiều năm. Vì phải dùng đũa đảo liên tục cùng phải chú ý giữ sao cho lửa đều để gừng không bị cháy, cho sản phẩm tốt nhất.

Công đoạn này được xem là khó nhất, người được đảm nhận phải có kinh nghiệm, tay nghề nhiều năm. Vì phải dùng đũa đảo liên tục cùng phải chú ý giữ sao cho lửa đều để gừng không bị cháy, cho sản phẩm tốt nhất.

Gừng sau khi rim sẽ được cho ra khay để nguội, cùng lúc đó mọi người sẽ dùng thanh tre hoặc dùng tay tách để các lát gừng không dính vào nhau.

Gừng sau khi rim sẽ được cho ra khay để nguội, cùng lúc đó mọi người sẽ dùng thanh tre hoặc dùng tay tách để các lát gừng không dính vào nhau.

Ông Hồ Ngọc Tuấn (thôn Mỹ Chánh, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) cho biết: “Hiện gia đình sản xuất khoảng từ 6 - 7 tạ mứt gừng mỗi ngày. Vào dịp này, cơ sở tạo công ăn việc làm cho hơn 20 người làm việc thượng xuyên. Mứt gừng ở địa phương được ưa chuộng, tin dùng vì được làm thủ công, ngoài ra được ngâm bằng giấm hoặc chanh không dùng hóa chất nên làm cho mứt được thơm ngon hơn".

Sau khi thành phẩm được đóng gói, các thương lái đến tận nơi thu mua

Sau khi thành phẩm được đóng gói, các thương lái đến tận nơi thu mua

Ông Ngô Văn Bách (Tổ trưởng tổ sản xuất mứt gừng Mỹ Chánh) cho biết: “Năm nay dự kiến sản lượng khoảng 50 tấn, ít hơn so với mọi năm do số hộ làm mứt giảm. Sản phẩm ngoài phục vụ trong tỉnh còn tiêu thụ ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM... Giá mứt gừng năm nay không có biến động, trung bình từ 50 – 60 nghìn đồng/kg”.

NGUYỄN HOÀNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/lang-nghe-mut-gung-my-chanh-vao-vu-tet-637450.html