Lắng nghe người dân hiến kế: Cải thiện chất lượng nguồn nhân lực

Nâng cao chất lượng giáo dục, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, hợp tác quốc tế, cùng các chính sách hỗ trợ thiết thực sẽ giúp TP HCM xây dựng được đội ngũ nhân lực chất lượng cao

Nguồn nhân lực là yếu tố then chốt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của bất kỳ quốc gia hay địa phương nào.

Đối với TP HCM, một trong những trung tâm kinh tế lớn nhất Việt Nam, việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong các ngành công nghệ cao và dịch vụ, là cần thiết để duy trì và thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Mất cân đối giữa cung và cầu

TP HCM có hơn 4,5 triệu lao động, chiếm tỉ lệ lớn trong tổng dân số của thành phố. Cơ cấu dân số trẻ và lực lượng lao động dồi dào. Tính đến năm 2023, lao động đang làm việc đã qua đào tạo chiếm 87,27% trong cơ cấu lao động tại TP HCM. Mặc dù vậy, chất lượng nguồn nhân lực hiện tại vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập quốc tế.

Vấn đề nổi bật là sự mất cân đối giữa cung và cầu lao động. Trong khi các ngành công nghệ cao, dịch vụ tài chính và các lĩnh vực chuyên môn kỹ thuật khác đang phát triển mạnh, có nhu cầu tuyển dụng cao, thì nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu lại không đủ.

Ví dụ ngành công nghệ thông tin luôn trong tình trạng thiếu nhân lực chất lượng cao, dẫn đến việc các doanh nghiệp phải cạnh tranh khốc liệt để thu hút và giữ chân nhân tài.

Ngược lại, một số ngành truyền thống và lao động phổ thông lại thừa nhân lực, gây ra tình trạng thất nghiệp hoặc việc làm không ổn định.

Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục và đào tạo vẫn còn nhiều bất cập, chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ. Chương trình đào tạo còn thiếu tính thực tiễn. Mối liên kết giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp chưa chặt chẽ, dẫn đến việc chương trình đào tạo chưa phản ánh đúng nhu cầu của thị trường lao động.

Đặc biệt nhiều lao động còn thiếu kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, quản lý thời gian... Những kỹ năng này ngày càng trở nên quan trọng trong môi trường làm việc hiện đại, nơi yêu cầu tính linh hoạt và khả năng thích nghi cao. Chưa kể, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, kỹ năng công nghệ thông tin và kỹ năng số cũng trở nên thiết yếu.

Phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ cấp bách và lâu dài của TP HCMẢnh: Tấn Thạnh

Phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ cấp bách và lâu dài của TP HCMẢnh: Tấn Thạnh

Đầu tư mạnh vào hệ thống đào tạo nghề

Những năm qua, TP HCM đã có nhiều nỗ lực, chính sách lớn để đẩy mạnh công tác cung - cầu lao động. Thị trường lao động TP HCM có tiến triển qua mỗi giai đoạn.

Tuy nhiên, trong tương lai, TP HCM cần phải giải quyết một số nội dung như phát triển nguồn cung lao động và chuyển đổi kỹ năng cho lao động để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế gắn với xu thế chung; kết nối cung cầu lao động; tạo việc làm bền vững cho lao động đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường lao động hiện đại và thúc đẩy sự phát triển bền vững của thành phố.

Trước hết, cần điều chỉnh ngay chương trình giảng dạy tại các trường đại học và cao đẳng theo hướng thực tiễn, tăng cường các hoạt động thực tập, học việc tại doanh nghiệp.

Xây dựng các chương trình đào tạo liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp để bảo đảm sinh viên được trang bị đầy đủ kỹ năng và kiến thức thực tế.

Đầu tư mạnh vào hệ thống đào tạo nghề, nâng cao chất lượng giảng dạy và mở rộng các ngành nghề phù hợp với xu hướng phát triển của thị trường lao động. Tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp để bảo đảm chương trình đào tạo sát với nhu cầu thực tế.

Tổ chức các khóa học, chương trình đào tạo về kỹ năng mềm và kỹ năng công nghệ thông tin cho người lao động. Khuyến khích học tập suốt đời để người lao động luôn cập nhật kiến thức mới.

Sử dụng các phần mềm quản lý nhân lực để nâng cao hiệu quả tuyển dụng, đào tạo, đánh giá và phát triển nhân lực.

Về phía quản lý nhà nước, cần xây dựng các chính sách ưu đãi để thu hút nhân tài trong và ngoài nước đến làm việc tại TP HCM, như:

Xây dựng quy trình tuyển dụng, xét tuyển minh bạch, nhanh chóng, hiệu quả; hỗ trợ giải quyết các thủ tục hành chính; hỗ trợ tài chính cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ; lương cao, chế độ đãi ngộ tốt, hỗ trợ chỗ ở, nhà ở; tạo môi trường làm việc thuận lợi, chuyên nghiệp, cơ hội thăng tiến trong công việc, bảo đảm sự công bằng và minh bạch; học hỏi kinh nghiệm từ các nước phát triển, hợp tác với các tổ chức quốc tế và các cơ sở đào tạo hàng đầu trên thế giới để nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.

Phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ cấp bách và lâu dài của TP HCM để nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh mới; đóng góp vào sự phát triển bền vững của cả nước.

Đào tạo kỹ năng số

Các tổ chức, đơn vị cần chú trọng việc tổ chức các khóa học, chương trình đào tạo về kỹ năng số, kỹ năng công nghệ thông tin cho người lao động. Khuyến khích học tập suốt đời để người lao động luôn cập nhật kiến thức mới.

Cùng với đó, đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập và làm việc trực tuyến.

Châu Nguyễn

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/lang-nghe-nguoi-dan-hien-ke-cai-thien-chat-luong-nguon-nhan-luc-196240614210639344.htm