Tạo điều kiện thuận lợi để phát triển ngành dược Việt Nam

Thảo luận tại tổ 2 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, các đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh đề nghị, bên cạnh những chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển, dự thảo Luật cần giải quyết được những vấn đề mấu chốt đang làm cản trợ sự phát triển của ngành dược Việt Nam.

Nghiên cứu kỹ lưỡng hơn nhằm có những chính sách phù hợp

Ghi nhận dự thảo Luật lần này có rất nhiều chính sách ưu tiên, ưu đãi nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển ngành dược Việt Nam, song đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cũng nêu thực tế, hiện nay các mặt hàng dược nước ngoài đang dần chiếm lĩnh thị trường dược trong nước; các tập đoàn dược đa quốc gia, các tập đoàn dược nước ngoài đang dần “thôn tính” các doanh nghiệp dược tương đối có tên tuổi trong nước.

Quang cảnh buổi thảo luận tại Tổ 2 (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: Quang Khánh

Quang cảnh buổi thảo luận tại Tổ 2 (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: Quang Khánh

Trước thực tế này, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan bày tỏ lo ngại sẽ dẫn tới sự mất an ninh về dược phẩm bởi ưu tiêu hàng đầu của các tập đoàn đa quốc gia hay các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực dược phẩm sẽ luôn là lợi nhuận thay vì các mục tiêu bảo đảm an ninh dược phẩm, bảo đảm thực hiện các chiến lược quốc gia về phát triển ngành dược trong nước…

Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Đại biểu nêu rõ, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã có những điều khoản cụ thể quy định nguyên tắc áp dụng ưu tiên cho luật chuyên ngành trước các luật chung, do vậy, các vấn đề về đầu tư trong lĩnh vực dược phẩm cần được chi phối bởi Luật Dược sau đó mới vận dụng thêm các quy định liên quan đến Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán…

“Cho nên, cơ quan chủ trì soạn thảo nên nghiên cứu sâu hơn thực trạng của ngành công nghiệp dược Việt Nam để quy định thêm các điều kiện cần thiết trong dự thảo Luật nhằm chi phối cụ thể và sâu hơn vai trò và quyền hạn của các nhà đầu tư nước ngoài đang kinh doanh đa ngành, trong đó có lĩnh vực dược phẩm”, đại biểu đề nghị.

Đại biểu Quốc hội Văn Thị Bạch Tuyết phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Đại biểu Quốc hội Văn Thị Bạch Tuyết phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Tán thành với ý kiến trên, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết cũng nhận thấy, thị trường dược trong nước rất phát triển nhưng điều này cũng đáng lo ngại do công tác quản lý đối với các nhà thuốc, thị trường thuốc và thậm chí các công ty sản xuất thuốc chưa thực sự chặt chẽ.

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết cũng nhận thấy, Bộ Y tế chưa có báo cáo tổng kết đánh giá về việc hiện nay số doanh nghiệp dược trong nước làm ăn có hiệu quả nhiều hay ít, nếu những công ty dược trong nước phụ thuộc vào các công ty, tập đoàn có yếu tố nước ngoài thì liệu có bảo đảm an ninh về dược không, nhất là trong tình huống bùng phát dịch?

Nêu vấn đề này, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết đề nghị, cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng hơn nhằm có những chính sách phù hợp cho phát triển ngành công nghiệp dược và thị trường dược trong nước, để người dân được hưởng lợi. Đại biểu cũng đề nghị, cần có báo cáo đánh giá tác động và tính hiệu quả của các chính sách phát triển ngành dược trên thực tế trong thời gian qua để từ đó có những đề xuất chính sách phù hợp hơn.

Cần quản lý chặt chẽ việc kinh doanh thuốc qua thương mại điện tử

Về công tác cung ứng, phân phối dược, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan trích dẫn báo cáo của Bộ Y tế về tổng kết thi hành Luật Dược 2016, trong đó có nêu, số cơ sở bán buôn thuốc và số cơ sở bán lẻ thuốc đều gia tăng rất nhiều trong giai đoạn 2016 - 2023. Đại biểu bày tỏ không đồng tình với đánh giá trong báo cáo cho rằng đây là một thành công của Luật Dược 2016 về mức độ tiếp cận thuốc trong cộng đồng của Việt Nam; đề nghị cần đánh giá mức độ thành công dựa trên hiệu quả kinh doanh thuốc, việc bảo đảm chất lượng và an toàn thuốc, mức độ tiếp cận thuốc có công bằng giữa các địa bàn…

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tri Thức phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tri Thức phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Nêu thực trạng về việc các nhà thuốc mở tràn lan, việc mua thuốc kê đơn quá dễ dàng, người bán thuốc không có chứng chỉ dược sĩ… đại biểu Phạm Khánh Phong lan đề nghị, cần quy định chặt chẽ hơn công tác cung ứng, phân phối dược; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong hoạt động kinh doanh dược.

Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cũng đề nghị, cơ quan soạn thảo cần đầu tư nhiều hơn cho quy định về phân phối, cung ứng dược qua sàn thương mại điện tử; đề nghị không đưa thuốc kê đơn vào danh mục hàng hóa kinh doanh qua sàn thương mại điện tử; đối với những thuốc không kê đơn có thể cho phép kinh doanh qua sàn thương mại điện tử nhưng phải được quản lý chặt chẽ và phải được luật hóa.

Không tán thành với việc cho phép kinh doanh, phân phối thuốc qua phương thức thương mại điện tử, các đại biểu Nguyễn Tri Thức, Văn Thị Bạch Tuyết cho rằng phương thức này tiềm ẩn nguy cơ bán thuốc giả, thuốc kém chất lượng; đồng thời đề nghị cần siết chặt hơn nữa việc bán thuốc kê đơn nhằm tránh tình trạng lạm dụng thuốc.

Thanh Chi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/tao-dieu-kien-thuan-loi-de-phat-trien-nganh-duoc-viet-nam-i376103/