Lắng nghe người dân hiến kế: Cải thiện nguồn nhân lực ở KCX, KCN

Cần nhiều giải pháp như: phân luồng đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục, kết nối giữa doanh nghiệp với cơ sở đào tạo... để cải thiện, phát triển chất lượng nguồn nhân lực trong KCX, KCN

Sau 30 năm phát triển, đến nay, TP HCM có 3 khu chế xuất (KCX) và 14 khu công nghiệp (KCN) hoạt động với tổng diện tích 3.900 ha, tỉ lệ lấp đầy đạt trên 80%.

Nhận diện thách thức

Các KCX, KCN ở TP HCM cơ bản đã đáp ứng yêu cầu đặt ra về mục tiêu thu hút vốn đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp, giải quyết việc làm, du nhập kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý tiên tiến, nâng cao giá trị xuất khẩu, từng bước tham gia mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của thành phố phát triển theo hướng chuyển đổi vùng nông nghiệp lạc hậu thành khu đô thị - công nghiệp.

Riêng Khu Công nghệ cao (CNC), sau 20 năm hình thành và phát triển đã chứng tỏ sự đúng đắn của TP HCM trong cách tiếp cận và chọn phương thức tiến hành triển khai dự án. Đó là tạo môi trường thuận lợi để thu hút những dự án từ các tập đoàn, công ty sở hữu công nghệ nguồn, có uy tín trên thế giới đến Khu CNC triển khai hoạt động. Hiện nay, TP HCM cũng là nơi đi đầu cả nước về phát triển các KCX-KCN, khu CNC, nơi phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, công nghiệp CNC.

TP HCM là nơi tập trung các trường đại học, cao đẳng và trung tâm đào tạo nghề uy tín, đào tạo hầu hết những loại ngành nghề với đông đảo sinh viên theo học. Đây là lực lượng lao động được đào tạo tiềm năng mà nền kinh tế thành phố có thể thu hút.

Tuy nhiên, so với yêu cầu về chất lượng thì nhiều trường, cơ sở đào tạo chưa đáp ứng, nhất là chưa phù hợp với sự phát triển nền kinh tế số. Cụ thể, mức độ sẵn sàng cho việc thay đổi các chương trình đào tạo để đáp ứng kiến thức nền về cách mạng công nghiệp lần thứ tư như đào tạo công nghệ thông tin và dữ liệu lớn; tăng đầu tư phòng máy tính, các trung tâm nguồn mở... chiếm tỉ lệ khá khiêm tốn. Kết quả điều tra lao động - việc làm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong các năm gần đây cho thấy có tới 20% - 30% số lao động thất nghiệp là những người đã qua đào tạo chuyên nghiệp hoặc nghề từ 3 tháng trở lên.

Hoạt động tuyển dụng lao động mới cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là tuyển lao động chuyên môn trình độ cao. Trước yêu cầu chuyển dịch cơ cấu đầu tư, khuyến khích các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, giảm các ngành nghề thâm dụng lao động thì đội ngũ công nhân, lao động kỹ thuật cũng thiếu. Ngoài ra, còn xảy ra tình trạng sử dụng bất hợp lý nguồn nhân lực, không sử dụng hết trình độ chuyên môn kỹ thuật được đào tạo của họ...

TP HCM cần quy hoạch và định vị các trường, cơ sở đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao độngẢnh: Tấn Thạnh

TP HCM cần quy hoạch và định vị các trường, cơ sở đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao độngẢnh: Tấn Thạnh

Quy hoạch và cơ cấu lại hệ thống đào tạo nghề

Để bảo đảm nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng, cần dựa trên cơ sở quy hoạch, cơ cấu lại hệ thống các trường cao đẳng, trung cấp, sơ cấp đào tạo nghề nghiệp ở TP HCM.

Thứ nhất, cần có chính sách phân luồng hệ phổ thông vào các kênh đào tạo các cấp bậc nghề nghiệp. Cần hướng nghiệp, nâng cao nhận thức của người học và nâng cao các yếu tố năng lực đào tạo của cơ sở đào tạo, lựa chọn các trường đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu doanh nghiệp trong KCX-KCN, khu CNC.

Thứ hai, cần quy hoạch và định vị các trường, cơ sở đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động. Theo đó, hệ sơ cấp, trung cấp hiện thiếu ngành nghề kỹ thuật - công nhân kỹ thuật cho nhóm này. Hệ cao đẳng cần nâng cao chất lượng đội ngũ - chương trình gắn với nhu cầu doanh nghiệp và cơ cấu ngành nghề. Hệ đại học do các bộ quản lý đã và đang hoạt động theo Luật Tự chủ nên tự nâng cao năng lực để cạnh tranh.

Thứ ba, chọn các cơ sở đào tạo đủ năng lực cung cấp nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp trong KCX-KCN, khu CNC. Định vị các khu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gần với KCN, khu CNC, khu vực đổi mới sáng tạo... TP HCM cần dành đất đai cho các cơ sở đào tạo theo định vị trên.

Thứ tư, TP HCM cần đầu tư cho các trường do thành phố quản lý từ trình độ sơ cấp, trung cấp đến đại học đạt trình độ quốc tế. Hiện nay, TP HCM mới có đề án yêu cầu chuẩn đầu ra theo khu vực và quốc tế cho trình độ đào tạo đại học trong bối cảnh tự do hóa thị trường lao động trong cộng đồng kinh tế ASEAN (8 chương trình đại học của TP HCM: công nghệ thông tin - truyền thông; cơ khí - tự động hóa; trí tuệ nhân tạo; quản trị doanh nghiệp; tài chính - ngân hàng; y tế; du lịch; quản lý đô thị) là chưa đủ.

Thứ năm, thông tin thị trường việc làm từ phía doanh nghiệp như thế nào để cơ sở đào tạo và người học tiếp cận được? Cần có nhóm giải pháp kết nối thông tin thị trường việc làm với đào tạo, đáp ứng nhu cầu của DN trong KCX-KCN, khu CNC, như xây dựng trang web kết nối giữa doanh nghiệp trong KCX-CN, khu CNC với các cơ sở đào tạo ngành nghề tại TP HCM.

Thứ sáu, đề xuất các mô hình đào tạo liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, đặc biệt là những trường công nhân kỹ thuật; đề xuất chính sách hỗ trợ của nhà nước về đất đai, vốn, hỗ trợ kết nối 3 nhà... Cần có giải pháp xây dựng mô hình và cơ chế liên kết đào tạo giữa các doanh nghiệp trong KCX-KCN, khu CNC với các cơ sở đào tạo.

TP HCM cần quan tâm nhóm giải pháp về an sinh xã hội, gồm hỗ trợ nhà ở và chính sách an sinh xã hội (hỗ trợ chi phí đào tạo, phúc lợi khác) cho người lao động ở các doanh nghiệp trong KCX-KCN, khu CNC.

ThS Phạm Thị Thùy Linh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cai-thien-nguon-nhan-luc-o-kcx-kcn-196240623194630884.htm