LẮNG NGHE NGƯỜI DÂN HIẾN KẾ: TP Thủ Đức, tiềm năng và thách thức
Cần chuẩn bị cơ chế quản lý mới để phù hợp mô hình TP trong TP; nguồn lực tài chính để bảo đảm đầu tư đồng bộ về hạ tầng giao thông, kinh tế, xã hội... nhằm đạt được các mục tiêu đề ra
TP HCM vừa được Chính phủ chấp thuận chủ trương thành lập TP Thủ Đức trên cơ sở sắp xếp 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức. Khu đô thị này rộng hơn 200 km2, với khoảng hơn 1 triệu dân, kỳ vọng sẽ đóng góp 30% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP HCM, bằng 4%-5% tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả nước. TP mới được kỳ vọng sẽ giúp TP HCM thực hiện giấc mơ chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tri thức, sáng tạo, công nghệ...
Nhiều tiềm năng
Về thuận lợi, TP Thủ Đức trong TP HCM, là trung tâm kinh tế, thương mại lớn và năng động nhất của cả nước. Đây cũng là nơi có vị trí tốt, có tiềm lực về con người, tài chính mạnh để phát triển. Khi nhập 3 quận lại, hạ tầng TP Thủ Đức đã có sẵn mạng lưới giao thông liên kết vùng như Quốc lộ 1, đường vành đai, tuyến metro sắp khai trương và quỹ đất khá rộng liên kết với trung tâm tài chính của TP HCM, khu công nghệ cao, các trường đại học. Với tuyến metro số 1, ở mỗi nhà ga có thể phát triển các đô thị ở xung quanh. Mỗi đô thị có bán kính khoảng 600-700 m, mất khoảng 15-20 phút đi bộ đến nhà ga. Nhờ đó lượng người vận chuyển sẽ phù hợp với tính toán của tuyến metro, đồng thời phát huy hiệu quả của metro khi người dân có thể đi lại trên phương tiện đó, giảm vấn đề kẹt xe.
Khu vực này có làng đại học, trong đó chủ lực là ĐHQG TP HCM bên cạnh Đại học Fulbright, Đại học Nông Lâm, Đại học Sư phạm Kỹ thuật... Đây sẽ là nơi cung ứng nguồn nhân lực và các sản phẩm nghiên cứu khoa học. Điều quan trọng hơn, đây là nơi thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thu hút các tập đoàn lớn như Intel, Samsung, Nidec… TP Thủ Đức còn có khu đô thị mới Thủ Thiêm, nơi sẽ đặt trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Như vậy, chỉ trong khu vực này đã có 3 trục chủ lực về công nghệ cao, nguồn nhân lực và trung tâm tài chính. Từ đây sẽ hình thành một tam giác phát triển rất quan trọng. Với rất nhiều tiềm năng sẵn có, chúng ta có quyền kỳ vọng nơi đây sẽ phát triển đúng hướng, bền vững, là một TP xanh, một đô thị tương tác cao, nơi đi đầu trong đổi mới sáng tạo. Đồng thời, từ sự hình thành và phát triển TP phía Đông, một ngày không xa, TP HCM sẽ có thêm các khu vực vệ tinh khác ở phía Tây, phía Nam hay phía Bắc.
Xác định thách thức để tìm giải pháp
Tuy nhiên, tổ chức chính quyền ở TP Thủ Đức tương lai như thế nào vẫn chưa thực sự rõ ràng. Một chính quyền gồm đầy đủ HĐND, UBND hay chỉ là cấp hành chính, thống nhất theo "Đề án không tổ chức HĐND quận, phường" mà TP đang trình? Nếu TP Thủ Đức chỉ là gộp 3 quận lại thành một quận lớn, hay nếu lãnh đạo TP Thủ Đức chỉ có quyền hành ngang cấp quận thì không tương xứng với trách nhiệm, TP sẽ không đột phá.
Vấn đề thứ hai, Thủ Thiêm có nên nhập về TP Thủ Đức hay không? Theo quyết định 367/TTg năm 1996 về quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, thì Thủ Thiêm là trung tâm động lực mới của TP HCM. Nơi đây đóng vai trò là nơi chia sẻ chức năng, kỳ vọng sẽ là trung tâm tài chính có thị trường chứng khoán, có quảng trường lớn, nhà hát giao hưởng, bảo tàng tự nhiên, Viện Nghiên cứu công nghệ cao thuộc trung tâm TP HCM. Vì vậy có nên xem xét nhập Thủ Thiêm về quận 1 hay không, vì không chỉ tăng diện tích quận trung tâm mà việc quản lý, vận hành sẽ hiệu quả hơn.
Có lẽ thách thức lớn nhất vẫn là kinh phí. Về mặt nguyên lý, đô thị sinh ra từ đất, nếu khai thác được quỹ đất, xây dựng, khai thác cơ sở hạ tầng dần dần sẽ phát triển đô thị. Có một thực tế đang diễn ra là tình trạng đầu cơ, thổi giá bất động sản ở các khu vực địa bàn này. Hiện tượng này không phải bây giờ mới có nhưng hiện nay tính chất đầu cơ càng nghiêm trọng. Như vậy, TP sẽ vượt qua trở ngại này như thế nào?
Thực tế cho thấy gần một nửa diện tích đất của 3 quận này đã được xây dựng và địa phương hiện cũng đang đối mặt với những vấn đề mà cả TP HCM đang gặp phải: kẹt xe, ngập nước, thiếu mảng xanh và không gian công cộng. Nhất là khi địa hình quận 2 và quận 9 vốn là vùng trũng với nhiều kênh rạch, ao hồ. Mặt khác, hạ tầng dù đã phát triển nhưng đến nay vẫn chưa thể gọi là đồng bộ khi đường Vành đai 2 có khoảng 10 km nằm trên địa bàn quận Thủ Đức chưa làm được; đường Vành đai 3 mới làm được khoảng 1/4, còn lại trên địa bàn quận 9 chưa làm được km nào. Giao thông công cộng với nhiều tuyến xe buýt chủ yếu dọc theo tuyến xa lộ Hà Nội nối kết các trường đại học. Trong khi đó, các tuyến xe buýt khu vực quận 2 và quận 9 vẫn còn thưa thớt. Nói cách khác, TP sáng tạo và TP công nghệ không thể là nơi sống trong kẹt xe và ngập lụt. Nếu chỉ loanh quanh giải quyết các bài toán về hạ tầng thì sẽ rất khó bật lên để trở thành TP sáng tạo, có sức cạnh tranh trong khu vực và tầm quốc tế.
Điều tiên quyết trong lúc này là có một cơ chế quản lý mới để phù hợp mô hình TP trong TP. Xây dựng một không gian đô thị đủ sức hút đối với những người tài không chỉ ở trong nước. Cần phải chỉnh trang đô thị hiện hữu để giảm bớt kẹt xe, ngập nước, tạo nhiều cơ hội việc làm cho người dân. Đồng thời, cần chuẩn bị nguồn lực tài chính để bảo đảm đầu tư đồng bộ về hạ tầng giao thông, kinh tế, xã hội nhằm đạt được các mục tiêu đề ra.
Ban ngày, hàng trăm ngàn người từ các nơi đến giảng dạy, học tập, làm việc tại các trường đại học, khu công nghệ cao. Vậy nhịp sống về đêm ở TP Thủ Đức sẽ ra sao, cần phải tính toán.
Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 2
Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 2 kéo dài đến ngày 31-5-2021, tập trung vào 3 chủ đề chính: "Đô thị thông minh", "Khởi nghiệp - thương hiệu của TP HCM", "Bản sắc văn hóa đô thị TP HCM".
Tác phẩm dự thi gửi qua địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn (kèm thông tin liên lạc của tác giả: số điện thoại, địa chỉ nhà); hoặc gửi trực tiếp Tòa soạn Báo Người Lao Động, 123-127 Võ Văn Tần, phường 6, quận 3, TP HCM.
Giải thưởng cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 2, gồm: 1 giải nhất 50 triệu đồng, 1 giải nhì 30 triệu đồng, 1 giải ba 20 triệu đồng và 2 giải khuyến khích - mỗi giải 10 triệu đồng.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 25-8