'Lắng nghe nông dân nói' về mong muốn mở rộng sản xuất, nhưng vướng về đất đai
Tại diễn đàn 'Lắng nghe nông dân nói', nhiều nông dân bày tỏ tâm tư rằng muốn đầu tư mở rộng sản xuất, nhưng gặp vướng mắc về đất đai.
Nông dân nuôi tôm Nguyễn Cường, ở xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An cho biết cái khó của nhiều nông dân là bị vướng vào các bất cập trong vấn đề đất đai.
“Đơn cử như gia đình tôi, thuê đất 20 năm để nuôi tôm thì làm sao dám đầu tư lâu dài. Thêm vào đó, quá hạn thuê đất rồi mà chúng tôi vẫn chưa làm được thủ tục gia hạn cho thuê đất. Đây là tình trạng không chỉ gia đình tôi mà còn của nhiều nông dân sản xuất quy mô lớn”, anh Cường chia sẻ tại diễn đàn “Lắng nghe nông dân nói", diễn ra vào ngày 14/10 tại Hà Nội.
Diễn đàn tổ chức trùng vào thời điểm 94 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2024).
Lần đầu tiên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Lê Minh Hoan và Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, ông Lương Quốc Đoàn, đã cùng chủ trì, dành hầu hết thời gian của diễn đàn để lắng nghe, phản hồi các tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp.
Đáng chú ý, trong 20 ý kiến chia sẻ tại diễn đàn, ngoài ý kiến của nông dân Nguyễn Cường, nhiều nông dân khác cũng bày tỏ khó khăn khi muốn phát triển lên quy mô lớn hơn, nhưng lại vướng mắc về đất đai.
Nông dân Nguyễn Thị Đoàn, đại diện Hợp tác xã sản xuất, mua bán và chế biến thủy sản Vương Đoàn nói rằng tại vùng cát trắng Quảng Bình, bà con đã nghĩ ra mô hình nuôi cá lóc, tôm thẻ chân trắng trên nền cát. Vì giá bán thấp và thị trường không ổn định, bước đầu hợp tác xã thu mua từ bà con nông dân và thí điểm chế biến sâu, cho giá thành cao hơn.
Hợp tác xã đã có 3 sản phẩm OCOP 4 sao. Tuy nhiên để mở rộng sản xuất, bà Đoàn cho biết hợp tác xã không có đất. Họ đã lập đề án và kiến nghị lên cơ quan chức năng của tỉnh từ năm 2019, nhưng không có hồi đáp. “Đây là một vấn đề vô cùng nan giải”, bà nói.
Cùng quan điểm với bà Đoàn, nông dân Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc Hợp tác Nông nghiệp Hữu cơ Bình Minh (Bắc Giang) cũng nhấn mạnh vào tầm quan trọng của hoạt động chế biến sâu. Anh Hải cho biết hợp tác xã của anh chuyên về chăn nuôi, chế biến thịt lợn. Năm 2023 doanh thu của hợp tác xã đã đạt 42 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho 30 lao động với thu nhập 10 triệu đồng/tháng.
“Chúng tôi đã chế biến sâu và đã thành công, năm nay doanh thu của đơn vị sẽ đạt 50-60 tỷ. Hiện đất nuôi trồng đã có nhưng đất chế biến còn rất khó khăn", anh Hải nói.
Theo anh phân tích, đặc thù của nông dân là nguồn vốn nhỏ, không thể vào cụm khu công nghiệp do tỉnh quy hoạch. Vì vào đây, chi phí lớn, có thể tốn 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng/m2. Quy mô 10.000 m2 như của anh sẽ mất khoản đầu tư 30 tỷ đồng chỉ tính riêng tiền đất, chứ chưa nói đến tiền rót vào cơ sở hạ tầng.
“Cùng chung khó khăn với chúng tôi, có rất nhiều hợp tác xã tham gia làm sản phẩm chế biến cũng vướng mắc như vậy. Có khi họ chỉ cần 500 đến 1.000 m2 nhưng cũng không có đất để làm. Theo tôi, các tỉnh cần chú ý đến cụm công nghiệp dành cho chế biến giúp các nông dân, hợp tác xã chế biến sản phẩm đạt hiệu quả hơn”, anh Hải đề xuất.
Trả lời khó khăn của các nông dân liên quan đến đất đai để mở cơ sở chế biến, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói rằng Luật Đất đai năm 2024 vừa qua đã đưa vào thuật ngữ mới đó là ‘đất đa mục đích’, có nghĩa là đất nông nghiệp có thể nuôi thủy sản, có thể chăn nuôi hay làm du lịch.
Luật Đất đai mới sẽ gần như “cởi trói” được vấn đề vướng mắc lâu nay trong quá trình chuyển đổi đất đai, từ vùng nuôi cá chình ở Cà Mau cho tới nuôi cá lóc ở Quảng Bình và nhiều địa phương khác.
“Có lẽ các địa phương vẫn còn đang lúng túng chưa tiếp cận được những thay đổi của Luật Đất đai”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.
Bộ trưởng cũng tư vấn người nông dân hãy nghĩ đến câu chuyện tối đa hóa năng suất trên một quy mô hiện tại. Ông từng đi sang Trung Quốc và thấy có nhiều tập đoàn lớn, nhưng vẫn hoạt động gồm nhiều xưởng nhỏ. Hay tại Chợ Lớn, nhiều người Hoa vẫn sản xuất trong xưởng nhỏ nhưng năng suất họ lại cao
“Nhỏ dễ kiểm soát hơn quy mô lớn. Quan trọng là tối đa hóa quy mô, năng suất hơn là mở rộng. Thôi thì giờ có bao nhiêu dùng bấy nhiêu khi nào có điều kiện hơn thì mở rộng tiếp”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi ý.
Quan trọng là thay đổi nhận thức của người nông dân
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, thừa nhận ngành nông nghiệp đang tồn tại điểm yếu như sản xuất quy mô nhỏ lẻ, manh mún; chất lượng hàng hóa nông sản chưa đồng đều; chưa có những vùng nguyên liệu lớn để phục vụ chế biến...
Hội Nông dân Việt Nam xác định phát triển kinh tế tập thế sẽ là nhiệm vụ đột phá để tháo gỡ những nút thắt của ngành nông nghiệp hiện nay.
Hội Nông dân Việt Nam đã xây dựng riêng đề án tham gia phát triển kinh tế tập thể. Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định 182/QĐ-TTg ngày 20/2/2024 phê duyệt Đề án "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030").
Trong thời gian vừa qua và sắp tới, Hội Nông dân Việt Nam sẽ tiếp tục ký kết với một số ngân hàng thương mại, hỗ trợ nông dân vay vốn ưu đãi. Ngoài ra, Hội Nông dân Việt Nam sẽ tiếp tục ký kết với các bộ, ngành để tham gia phối hợp, triển khai các đề án phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia.
Nhưng ông Đoàn cho rằng điều quan trọng nhất là thay đổi nhận thức của nông dân. “Chúng tôi không sợ bà con không làm được mà sợ bà con không hiểu. Tôi mong bà con vừa nâng cao chất lượng sản phẩm vừa phải xây dựng thương hiệu tốt hơn. Tại các hệ thống cửa hàng, khi sản phẩm bán được nhiều thì chúng ta phải nâng cao chất lượng nữa hơn để đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của khách hàng”, ông nói.
Chia sẻ thêm về vấn đề thay đổi tư duy, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng các hợp tác xã phải đổi tư duy thành hợp tác xã kinh tế, chứ không nên giữ tư duy hợp tác xã sản xuất. Ở đó, phải có người nghiên cứu về kinh tế, có người nghiên cứu về thị trường, có người nghiên cứu về pháp luật, thậm chí có người nghiên cứu về cách nào đa dạng hóa sản phẩm…
“Nông dân phải đi học, không phải vào trường lớp học 4-5 năm, mà là tự mình tìm hiểu. Mỗi bữa biết một chút, vài lần thì sẽ tăng sự hiểu biết, giá trị nông sản sẽ bền vững hơn”, tư lệnh ngành nông nghiệp nhấn mạnh.
Trong bối cảnh thị trường liên tục biến động, ví dụ nay muốn mua nông sản cỡ lớn, mai đã chuyển sang thu mua cỡ nhỏ, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng người nông dân phải học hỏi để tăng cường khả năng thích. Khách hàng ngày nay không mua một sản phẩm, họ mua cách tạo ra sản phẩm đó, xem xét liệu cách này có bền vững, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường hay không.
“Không gian tạo ra giá trị của ngành nông nghiệp vẫn còn mênh mông, đừng ngồi một chỗ mà hi vọng bán được giá cao. Một lần nữa tôi muốn nhấn mạnh, nông dân xuất sắc là những người nông dân tử tế”, ông nhắn nhủ.