Làng nghề tất bật đáp ứng nhu cầu thị trường dịp Tết
Những ngày này, đến các làng nghề truyền thống, chúng ta dễ dàng bắt gặp không khí làm việc rộn ràng, tất bật của người dân nơi đây để kịp đáp ứng nhu cầu thị trường trong dịp Tết Nguyên đán.
Đến thăm làng nghề sản xuất mứt gừng truyền thống Mỹ Chánh, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng vào thời điểm này, chúng ta dễ dàng cảm nhận được mùi hương cay nồng của gừng đang tỏa ra các ngả đường. Nhà nhà đỏ lửa tất bật làm mứt gừng phục vụ Tết Nguyên đán. Có mặt tại cơ sở sản xuất mứt gừng Dũng Ni của anh Trần Viết Dũng khi đã hơn 11 giờ trưa, bên trong xưởng hàng chục nhân công vẫn đang tất bật làm việc. Người gọt vỏ gừng, người rửa gừng, người bào gừng ra từng lát mỏng, người luộc gừng, ngào gừng với đường, người đóng gói sản phẩm. Tất cả phối hợp nhịp nhàng để cho ra những lát mứt gừng vừa thơm ngon, vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trao đổi với chúng tôi khi tay vẫn đang thoăn thoắt bào gừng thành từng lát mỏng, anh Trần Viết Dũng cho biết, gắn bó với nghề làm mứt gừng hơn 15 năm, hằng năm cứ vào khoảng trung tuần tháng 11 âm lịch là cơ sở sản xuất mứt gừng của anh lại bắt đầu đỏ lửa sản xuất những mẻ mứt gừng theo phương thức truyền thống của gia đình. Do được làm bằng thủ công theo phương pháp truyền thống, hoàn toàn không sử dụng hóa chất nên sản phẩm mứt gừng của anh rất được ưa chuộng. Bình quân mỗi vụ Tết, cơ sở của anh đưa ra thị trường từ 15 - 20 tấn mứt gừng với giá bán từ 55.000 - 60.000 đồng/kg. Trừ chi phí đã mang lại thu nhập cho gia đình anh từ 80 - 100 triệu đồng. Không những tạo thu nhập cho gia đình, trong hơn một tháng sản xuất cao điểm này, cơ sở sản xuất mứt gừng của anh còn tạo việc làm cho gần 20 lao động địa phương với thu nhập từ 150.000 - 400.000 đồng/người/ngày.
Theo Chủ tịch UBND xã Hải Chánh Bùi Văn Sinh, nghề làm mứt gừng ở làng Mỹ Chánh đã có từ hàng trăm năm. Ban đầu chủ yếu là để phục vụ trong gia đình vào dịp Tết, sau đó, với chất lượng thơm ngon, mứt gừng Mỹ Chánh dần vươn ra khắp tỉnh rồi nức tiếng khắp miền Trung. Cứ thế, bao thế hệ con cháu lớn lên đều coi nghề mứt gừng là nghề truyền thống của làng, tất cả con em trong làng đều được cha, mẹ chỉ bảo cho cách làm mứt gừng với mong muốn nghề truyền thống của làng không bị mai một. Với vị thơm, cay nồng đặc trưng, màu gừng tự nhiên không tẩy trắng nên sản phẩm mứt gừng Mỹ Chánh không chỉ được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng trong dịp Tết mà còn theo chân bà con đi làm ăn xa về thăm quê mang đi như muốn níu giữ một chút hương vị Tết quê nhà. Ông Sinh cho biết, hiện nay, ngoài các hộ sản xuất nhỏ lẻ với quy mô gia đình, làng nghề mứt gừng Mỹ Chánh còn có 10 hộ sản xuất quy mô lớn với công suất từ 1 - 3 tạ/ngày; có những có hộ sản xuất từ 0,5 - 1 tấn/ ngày. Dự kiến, dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 này, làng nghề mứt gừng Mỹ Chánh sẽ đưa ra thị trường khoảng 50 - 60 tấn mứt gừng. Với giá bán sỉ mứt gừng trên thị trường khoảng 55.000 - 60.000 đồng/kg, mứt loại 1 có giá từ 65.000 - 70.000 đồng/kg thì tổng thu nhập của cả làng đạt khoảng 3,5 tỉ đồng. Đồng thời tạo việc làm thời vụ cho hơn 200 lao động tại địa phương. “Để giữ được thương hiệu mứt gừng Mỹ Chánh, bên cạnh hương ước của làng nghề, hằng năm UBND xã đều tổ chức họp các hộ làm mứt gừng, ký cam kết không sử dụng hóa chất trong chế biến; tất cả các công đoạn sản xuất đều được chế biến theo phương pháp thủ công truyền thống, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Cam kết đảm bảo vệ sinh môi trường, không làm ảnh hưởng đến đời sống của hộ khác…, hộ nào vi phạm sẽ không được tiếp tục sản xuất”, ông Sinh cho biết thêm.
Rời làng nghề mứt gừng Mỹ Chánh, chúng tôi đến thăm làng nghề sản xuất nem chả chợ Sãi tại xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong. Thời điểm cận kề Tết Nguyên đán, các hộ làm nghề nem chả truyền thống ở đây đang tăng công suất, chạy đua với thời gian để kịp giao hàng. Chủ tịch UBND xã Triệu Thành Nguyễn Thế Phương cho biết, làng nghề truyền thống sản xuất nem chả chợ Sãi hiện có 7 hộ tham gia sản xuất. Bình quân mỗi năm cung ứng ra thị trường hàng chục tấn nem chả các loại bao gồm nem chua, chả lợn và chả bò. Để bảo tồn và phát triển làng nghề, tất cả các hộ gia đình tham gia sản xuất nem chả đều thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất truyền thống của gia đình; cam kết không sử dụng các loại phụ gia, hóa chất cấm trong chế biến và bảo quản sản phẩm. Bên cạnh đó, hằng năm UBND xã luôn tạo điều kiện cho các hộ sản xuất được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi để nâng cấp, mua sắm trang thiết bị mở rộng quy mô sản xuất. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn như Chi cục An toàn thực phẩm, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, các quy định đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường cho các hộ sản xuất của làng nghề để nâng cao kỹ thuật, chất lượng của sản phẩm làng nghề, giữ uy tín với khách hàng.
Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đang đến gần. Năm nay do ảnh hưởng của COVID-19 nên nhu cầu thị trường trầm lắng hơn mọi năm. Tuy nhiên, tại các làng nghề truyền thống, không khí sản xuất đã rất nhộn nhịp. Mọi người đang tranh thủ thời tiết, triển khai kế hoạch sản xuất hợp lý với mong muốn có thêm thu nhập để đón một mùa xuân ấm no, đủ đầy.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=154872