Làng nghề tàu hũ ky trăm tuổi ở Vĩnh Long
Tàu hũ ky sản xuất tại xã Mỹ Hòa (Vĩnh Long) có màu vàng óng, vị thơm, béo đặc trưng, là sản phẩm được nhiều thực khách gần xa ưa chuộng.
Làng nghề tàu hũ ky (xã Mỹ Hòa) hiện có hơn 50 hộ sản xuất với gần 200 lao động, mỗi ngày cho ra khoảng 7 tấn tàu hũ ky gồm nhiều loại như: Tàu hũ miếng lớn; Tàu hũ ky cọng khô; Cọng non; Tàu hũ ky ướp muối...
Theo nhiều tài liệu, nghề làm tàu hũ ky ở xã Mỹ Hòa hình thành từ năm 1912 rồi duy trì từ đó đến nay. Ban đầu, một nhóm bà con dân tộc Hoa tham gia sản xuất, qua nhiều năm thêm càng tăng thêm lượng người dân được tiếp cận cách làm. Họ trau dồi kinh nghiệm và mở rộng quy mô sản xuất để rồi có được nhiều thành công như ngày nay.
Để làm tàu hũ ky, người dân dùng nguyên liệu đậu nành bỏ vào chậu nước ngâm khoảng 2 giờ, đến khi đậu nở thì dùng máy xay thành bột. Bột đậu nành được vắt lấy nước, chuẩn bị cho việc đun nấu tạo thành sản phẩm.
Người làm cho nước đậu nành nguyên chất vào chảo đun, chất đốt thường là củi. Thông thường, mỗi hộ có quy mô sản xuất từ 10 chảo trở lên. "Việc thích nghi với hơi bốc lên và khói trong lúc nấu tàu hũ là một kỹ năng của người dân địa phương. Ai mới đến, không quen sẽ bị cay mắt, không thể chịu được", anh Bền chia sẻ.
Trong quá trình đun, nhiệt độ thường được duy trì ở mức 70 độ cho đến khi nước đậu nành trong chảo tạo lớp váng có màu vàng nhạt trên bề mặt chảo. Người làm sẽ dùng tay sờ nhẹ lớp váng, nếu không dính trên đầu ngón tay tức là tàu hũ đã chín.
Sau đó, họ dùng lưỡi dao nhỏ cắt đôi lớp váng rồi vớt lên phơi trên sào tre. Thông thường, khoảng 25 phút trên mặt chảo sẽ tạo một lớp ván tàu hũ chín. Từ 2,5kg đậu nành tươi sẽ làm ra được 1kg tàu hũ ky. Giá cả dao động khoảng 120.000 đồng/kg.
Người thợ vớt tàu hũ ky lên những giàn tre, sản phẩm được “sấy khô” thông qua nhiệt độ cao bên trong nhà xưởng kết hợp với gió trời tự nhiên. Quy trình sản xuất từ ban đầu đến khi thành thành phẩm mất khoảng 20 giờ (gần một ngày đêm).
"Với hơn 100 năm tuổi, làng nghề làm tàu hũ ky Mỹ Hòa được trao truyền qua nhiều thế hệ. Không ít hộ gia đình đã duy trì nghề này từ đời cha, ông sang thế hệ con cháu", ông Châu Long, người có hàng chục năm làm nghề khẳng định.
Gia đình ông Nguyễn Văn Công là một trong những hộ gắn bó lâu đời với nghề này khi hiện có 36 chảo đun. Mỗi ngày họ làm ra 80kg từ khoảng 200kg đậu nành nguyên liệu.
Trừ chi phí, mỗi tháng cơ sở làm tàu hũ ky của gia đình ông Công thu nhập hàng chục triệu đồng. “Gia đình tôi cũng thuê thêm một số người thợ làm nghề, tiền công khoảng 150.000 đồng/người/ngày, góp phần tạo công ăn việc làm cho bà con địa phương”, ông Công nói.
Tàu hũ ky Mỹ Hòa có màu vàng óng, vị thơm, béo đặc trưng, là sản phẩm được nhiều thực khách gần xa ưa chuộng. Đây cũng là nguyên liệu để chế biến những món ăn gia đình, đám tiệc dành cho người ăn mặn, hoặc chay. Năm 2017, tàu hũ ky Mỹ Hòa được công nhận là sản phẩm tiêu biểu cấp vùng ĐBSCL.
Bên cạnh trực tiếp sản xuất tàu hũ ky, người dân địa phương còn chú trọng việc quảng bá sản phẩm, qua đó kích cầu thương mại, du lịch gắn với làng nghề. Tháng 8/2022, làng nghề tàu hũ ky Mỹ Hòa (Vĩnh Long) được Bộ VH-TT&DL công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia, thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống.
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/lang-nghe-tau-hu-ky-tram-tuoi-o-vinh-long-2224446.html