Làng nghề thêu ren Văn Lâm: Đưa tinh hoa cố đô vươn tầm quốc tế

Những sợi chỉ mảnh mai, nhẹ nhàng lướt qua từng thớ vải, mang theo câu chuyện của một làng nghề đã tồn tại hàng thế kỷ. Từng đường kim mũi chỉ, đơn sắc mà tinh tế, giản dị mà sống động, đều phản ánh tâm huyết và sự khéo léo của những nghệ nhân thêu ren tại làng Văn Lâm. Chính từ đây, nghệ thuật thêu ren không chỉ làm đẹp cho đời mà còn trở thành cầu nối văn hóa, đưa hình ảnh Việt Nam bước chân ra thế giới.

Sản phẩm của làng nghề thêu ren Văn Lâm

Sản phẩm của làng nghề thêu ren Văn Lâm

Di sản văn hóa từ những bàn tay tài hoa

Làng nghề thêu ren Văn Lâm tọa lạc trong quần thể danh thắng Tam Cốc Bích Động thuộc xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

Từ những ngôi nhà nhỏ ẩn mình nơi thôn quê đến các xưởng thêu nhộn nhịp, làng nghề Văn Lâm là nơi nghệ thuật thủ công truyền thống được bảo tồn và phát triển. Từng mũi kim sắc sảo len lỏi qua thớ vải, tạo nên những hoa văn tinh tế, mang đậm dấu ấn văn hóa. Những sản phẩm thêu ren nơi đây không chỉ là vật dụng trang trí mà còn là những tác phẩm nghệ thuật, thấm đẫm tâm huyết và sự sáng tạo của nghệ nhân.

Điểm độc đáo của thêu ren Văn Lâm nằm ở kỹ thuật tinh xảo như mũi nối đầu và đâm xô. Mũi nối đầu tạo nên những đường chỉ mượt mà, liền mạch, mang lại cảm giác nhẹ nhàng mà chắc chắn. Trong khi đó, kỹ thuật đâm xô giúp tạo hình họa tiết sắc nét, sinh động, làm nổi bật sự kỳ công của người thợ. Đây chính là những yếu tố làm nên sức hút đặc biệt của sản phẩm thêu ren Văn Lâm.

Bên cạnh đó, thêu rua là một kỹ nghệ độc đáo khác của làng Văn Lâm. Sản phẩm thêu rua đòi hỏi tính kỹ thuật cao. Từ mảnh vải, người thợ dùng những chiếc kéo nhỏ hoặc dao nhỏ xíu nhẹ nhàng, khéo léo chích, rút từng sợi vải… sau đó dùng chỉ đan thành những bông hoa, những cánh lá theo yêu cầu bản vẽ. Điều này cũng cho thấy độ khó về kỹ, mỹ thuật, sự tỉ mỉ, chính xác mà chưa có máy móc nào có thể làm thay được.

Với đôi bàn tay khéo léo tài hoa, nghề thêu ren-rua Văn Lâm mau chóng phát triển, trở thành một trong những làng nghề làm ren đẹp nhất Việt Nam và được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đôi bàn tay tài hoa

Đôi bàn tay tài hoa

“Vang bóng một thời”

Hồi tưởng về quá khứ với sự nhộn nhịp của cả làng tham gia vào làm nghề, ông Vũ Thành Luân - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề thêu ren Văn Lâm chia sẻ: “Từng có một thời cả làng chung tay vào làm nghề, nhưng một phần vì già, một phần vì thị trường lao động mới thu hút giới trẻ, khiến số người làm nghề ở làng hiện nay giảm đi một cách nhanh chóng và đứng trước nguy cơ mai một.”

Là một trong những thợ thêu ren Văn Lâm, chị Hương nói: “Thú thật, cuộc sống của người thợ thêu ở Văn Lâm ngày càng khó khăn. Giá nhân công không ổn định, bấp bênh, chẳng đủ trang trải cuộc sống. Như tôi đây, sáng ra Tam Cốc lái đò, chiều tối về thì nhận thêm sản phẩm về thêu, coi như kiếm thêm".

Chị Lan và tiếc nuối với nét đẹp làng nghề

Chị Lan và tiếc nuối với nét đẹp làng nghề

Chị Lan, một thợ thêu ren cũng bộc bạch: “Quanh làng, hầu như ai cũng biết thêu, nhưng để bám trụ được với nghề thì chẳng mấy người. Lớp trẻ thì tìm đến những công việc ở các khu công nghiệp, công ty, nơi có thu nhập ổn định hơn. Người lớn thì cũng chật vật với bài toán kinh tế. Nghề thêu cứ thế mà mai một dần. Tôi cũng lo lắm, tiếc cái nghề mà cha ông đã để lại cho làng".

Một thời vàng son nay chỉ còn vang bóng, đặt ra câu hỏi làm sao để có một làng nghề sầm uất vừa đảm bảo được cuộc sống dân làng vừa giữ gìn được văn hóa của làng?

Ông Vũ Thành Luân - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề thêu ren Văn Lâm

Ông Vũ Thành Luân - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề thêu ren Văn Lâm

Khát vọng giữ gìn và phát triển

Từ nỗi trăn trở với nghề, ông Vũ Thành Luân với đam mê của mình đã có những sáng kiến để thực hiện được ước mơ của mình. Niềm đam mê kỹ thuật và mong muốn với nghề, ông Luân đã không ngừng nghiên cứu và chế tạo ra một động cơ từ bút bi hỗ trợ công đoạn in bản vẽ lên một tấm phim trong suốt. Động cơ trên không chỉ giúp tăng năng suất lao động mà còn tạo ra những bản in vẽ với độ chính xác và đồng đều cao.

Không dừng lại ở thị trường trong nước, ông còn ấp ủ khát vọng đưa thêu ren Văn Lâm vươn ra thị trường quốc tế. Các sản phẩm của công ty ông được đón nhận rộng rãi trên thị trường quốc tế và đặc biệt là Nhật Bản.

Bằng sáng chế của ông Luân

Bằng sáng chế của ông Luân

Người tham quan thích thú với sản phẩm thêu ren tại Festival Ninh Bình lần thứ III

Người tham quan thích thú với sản phẩm thêu ren tại Festival Ninh Bình lần thứ III

Nhằm vực dậy và phát triển bền vững làng nghề, chính quyền tỉnh Ninh Bình đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ thiết thực trong những năm gần đây, nổi bật là chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Thông qua OCOP, các sản phẩm thêu ren của làng không chỉ được giới thiệu rộng rãi tại các lễ hội, sự kiện du lịch quan trọng của tỉnh mà còn nhận được sự hỗ trợ tích cực trong việc tham gia các hội chợ, triển lãm, hoạt động quảng bá cả trong nước lẫn quốc tế.

Điều này đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận diện thương hiệu thêu ren Văn Lâm, tiếp cận và thu hút đông đảo khách hàng trên toàn thế giới, mở ra những cơ hội mới cho làng nghề.

Tường Vy - Kim Đan

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/ninh-binh-lang-nghe-theu-ren-van-lam-dua-tinh-hoa-co-do-vuon-tam-quoc-te-a27580.html