Làng nghề Từ Vân - nơi tiếp lửa cho thể thao Việt Nam
Thuộc xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội, cách trung tâm thủ đô hơn 30km, 76 năm qua, làng Từ Vân nổi tiếng với nghề truyền thống vô cùng thiêng liêng và ý nghĩa, đó là sản xuất ra hàng triệu lá cờ Tổ quốc mỗi năm. Lễ Quốc khánh 2-9-1945, trong rừng cờ tại Quảng trường Ba Đình, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, có hàng vạn lá cờ đỏ sao vàng do người dân Hà Nội trịnh trọng cầm trên tay đều xuất phát từ làng nghề Từ Vân.
Trong số những gia đình có truyền thống nhiều đời may cờ Tổ quốc ở làng Từ Vân, không thể không nhắc đến gia đình anh Nguyễn Văn Phục, một gia đình có 4 thế hệ may cờ Tổ quốc. Anh Phục chia sẻ: “Lá cờ mang hồn thiêng dân tộc nên may cờ tuy không đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng phải khéo léo, cẩn thận. Nghề may cờ Tổ quốc có nhiều cái khó so với các nghề may thêu khác và kỳ công từ khâu chọn vải, thêu, in, pha màu... làm sao để cờ may xong không chỉ chính xác về tiêu chuẩn mà phải sắc nét, bền đẹp, khó nhất là khâu đính sao vàng ở chính giữa sao cho cân đối, không được lệch. Vì lá cờ khi đã treo lên là biểu tượng của đất nước, thể hiện sự trang nghiêm và tự hào”.
Chúng tôi ghé thăm cụ Đặng Thị Đàn, người có thâm niên hơn 30 năm gắn bó với nghề may cờ. Tuổi cao, mắt mờ, tay chậm, cụ không thể tham gia các công đoạn đòi hỏi người thợ phải thực sự khéo léo, tỉ mẩn trong từng đường kim, mũi chỉ. Dù vậy, cụ vẫn gắn bó với các phần việc nhẹ nhàng hợp với sức mình… Bằng kinh nghiệm và tình cảm thiêng liêng với lá cờ Tổ quốc, cụ luôn sẵn lòng truyền dạy cho con cháu, cho các nghệ nhân trẻ kỹ thuật để cờ may sắc nét, bền đẹp. Mỗi khi hoàn thành một lá cờ Tổ quốc hoặc các băng rôn, khẩu hiệu mang thông điệp “Việt Nam vô địch - Việt Nam chiến thắng”, những nghệ nhân cao niên của làng nghề Từ Vân lại không kìm được niềm vui, phấn khởi, hình dung lá cờ mình làm ra sẽ được treo trang trọng ở một nơi nào đó trên mảnh đất Việt Nam yêu thương. Những khẩu hiệu như tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho các vận động viên Việt Nam xung trận giành chiến thắng.
Cụ Đàn chia sẻ: “Trong cuộc đời làm nghề của tôi, được may chiếc đại kỳ cho tỉnh Hà Giang treo lên cột cờ Lũng Cú là cảm giác vui sướng nhất, người dân làng Từ Vân chúng tôi tự hào lắm vì chúng tôi đã góp phần "thổi hồn" cho lá cờ Tổ quốc phần phật tung bay trên đất trời bao la. Đó là biểu tượng của Tổ quốc, là sự khẳng định chủ quyền quốc gia, thì niềm tự hào càng nhân lên gấp bội”.
Để sản xuất ra những lá cờ thiêng liêng mang tinh thần dân tộc, nghệ nhân làng Từ Vân phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ, vì lá cờ khi đã treo lên là biểu tượng của đất nước, thể hiện sự trang nghiêm và tự hào. Ngày nay, nhiều nghệ nhân ở làng nghề Từ Vân đã đầu tư công nghệ hiện đại hỗ trợ cho một số công đoạn may cờ, như máy cắt lazer, máy in màu, góp phần nâng cao sản lượng, tăng thu nhập cho người lao động và đáp ứng kịp thời những đơn hàng với số lượng lớn. Ngoài may, thêu cờ, các nghệ nhân làng nghề Từ Vân còn sản xuất băng rôn, khẩu hiệu, cờ lưu niệm…
SEA Games 31 - sự kiện thể thao lớn nhất khu vực đang tưng bừng diễn ra trên đất thủ đô và nhiều địa phương khác, là cơ hội lớn để làng nghề Từ Vân vừa rộn ràng đón mừng sự kiện, vừa có thêm nguồn thu nhập từ làng nghề truyền thống của quê hương.
Chưa hết, những kỷ niệm mà anh Phục cũng như nhiều người làm nghề may cờ ở Từ Vân không thể quên đó là chuỗi chiến thắng vang dội của đoàn thể thao Việt Nam tại các đấu trường SEA Games, Asiad, Olympic thời gian qua..., đặc biệt là kỳ tích của đội tuyển bóng đá nam U23 Việt Nam lập được tại Thường Châu (Trung Quốc) năm 2018, U23 vô địch AFF Cup 2021… Và giờ đây, Hà Nội và 11 tỉnh, thành đang rộn ràng chào đón SEA Games 31 với hàng trăm sự kiện đồng loạt diễn ra, chắc chắn, những lá cờ Tổ quốc sẽ thường trực trên tay mỗi người dân Việt. “Lúc này chúng tôi hoạt động gần như 24/24 giờ, phải hoàn thành hàng triệu lá cờ để người dân cổ vũ SEA Games 31” - anh Phục chia sẻ.