Làng nghề xứ Thanh rộn ràng dịp cuối năm
Thanh Hóa nổi tiếng với nhiều làng nghề truyền thống lâu đời như: nước mắm Ba Làng (thị xã Nghi Sơn), miến gạo Thăng Long, nón lá Trường Giang (Nông Cống), đúc đồng Chè Đông (Thiệu Hóa), hương Quán Giò (TP Thanh Hóa)... Về những làng nghề vào thời điểm này, chúng tôi cảm nhận rõ không khí lao động gấp gáp, tích cực, sự phấn khởi hiện rõ trên khuôn mặt mỗi người. Đối với người dân địa phương, đây là dịp tiêu thụ hàng hóa lớn nhất trong năm nên các cơ sở đã chuẩn bị nguyên liệu, lực lượng sản xuất để kịp thời 'tăng tốc'.
Làng nghề bánh đa Đắc Châu, xã Tân Châu (Thiệu Hóa) tất bật vào tết. Ảnh: Thu Hà
Làng nghề Đắc Châu, xã Tân Châu (Thiệu Hóa) được nhiều người biết đến bởi nghề làm bánh đa, bánh đa nem, nay lại càng trở nên nhộn nhịp hơn nhờ những xe hàng liên tục ra vào đưa bánh đi khắp nơi. Hai bên con đường chính dẫn vào làng, những mái nhà, sân phơi, các khoảng trống đều được các hộ dân tận dụng phơi bánh. Tại gia đình bà Lê Thị Hiến, thôn Phú Văn vào buổi sáng sớm, những người thợ thoăn thoắt đôi tay bên các máy tráng bánh để kịp phơi nắng. Phía ngoài sân, vài ba người cùng nhau thu bánh, xếp chành để chuẩn bị những mẻ bánh mới. Bà Hiến chia sẻ: Ngày thường gia đình bà làm khoảng 1 tạ gạo nguyên liệu nhưng vào vụ tết, lượng gạo phải tăng lên gấp nhiều lần. Bánh làm ra đến đâu tiêu thụ đến đó nên công việc làm đều mỗi ngày, chỉ nghỉ ngày mưa. Những năm trước, việc tráng bánh hoàn toàn bằng thủ công, sản lượng hạn chế, lại phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Thời gian gần đây, nhiều gia đình đã đầu tư máy tráng bánh công suất lớn nên sản lượng bánh làm được tăng gấp nhiều lần so với trước, vừa giảm được phí thuê nhân công mà năng suất lại cao nên công việc cho thu nhập khá ổn định. Bước vào vụ tết, giá các nguyên liệu như gạo, vừng đều tăng, nhưng vì đã có sự chuẩn bị từ trước và số lượng hàng xuất bán tăng mạnh nên không ảnh hưởng đến thu nhập của các hộ làm nghề.
Ông Lê Thanh Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Châu, cho biết: Toàn xã có hơn 200 hộ làm nghề tráng bánh với khoảng 500 lao động thường xuyên, chủ yếu tập trung ở 2 thôn Đắc Châu 1 và Đắc Châu 2. Do bánh của làng nghề đã có thương hiệu, được người tiêu dùng ưa chuộng nên thị trường tiêu thụ của sản phẩm rất tốt. Bánh Đắc Châu không chỉ được bán trong tỉnh, mà còn nhập sỉ cho các đại lý ở nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước. Đây là nghề chủ lực mang lại cuộc sống ổn định và khấm khá cho người dân Tân Châu.
Tại xã Phú Xuân (Thọ Xuân), nơi có nhiều nghề truyền thống nổi bật với các sản phẩm như: kẹo lạc, chè lam dẻo, miến gạo..., các hộ sản xuất, kinh doanh tại đây đang ngày đêm “đỏ lửa”. Ngoài công việc sản xuất, nhiều hộ dân còn tiến hành thu mua, bao tiêu sản phẩm để đưa hàng đi khắp nơi trong tỉnh. Anh Dương Văn Giang, Giám đốc Công ty TNHH Đức Giang cho biết: Nhờ kế thừa nghề truyền thống của gia đình cộng với việc học hỏi, sáng tạo thêm cách làm mới nên sản phẩm kẹo lạc, kẹo gạo lức của gia đình anh đã được thị trường cả nước đón nhận. Thời điểm này, cơ sở phải thuê thêm nhiều công nhân để kịp sản xuất và chuyển hàng gửi đi các tỉnh, thành. Dự kiến công việc sẽ còn gấp gáp hơn nữa vào tháng sau.
Cùng chung tâm trạng phấn khởi, ông Trịnh Đình Chính, thôn Phú Cường, người có 30 năm gắn bó với nghề làm kẹo lạc, chè lam bày tỏ: “Càng gần tết, chúng tôi càng phải làm việc cật lực. Công việc sẽ bắt đầu từ 4 giờ sáng và kết thúc khi đã tối muộn. Ngoài 4 lao động chính, tôi còn phải thuê thêm 4 lao động thời vụ và huy động thêm con cháu tranh thủ đóng hàng. Bên cạnh việc nấu kẹo, làm chè, chúng tôi còn trực tiếp chuyển hàng lên các huyện miền núi như: Lang Chánh, Quan Sơn, Mường Lát... nên rất bận rộn. Dù mệt nhưng ai cũng phấn khởi, vì hàng càng bán chạy, thu nhập càng cao, tết sẽ càng sung túc, đủ đầy hơn”.
Cùng với những thực phẩm khác, nước mắm là một trong những sản vật được tiêu thụ mạnh dịp cuối năm. Tại Thanh Hóa, nhiều làng nghề nước mắm có thương hiệu đã và đang được người dân khắp nơi tin dùng, có khả năng cạnh tranh với tất cả các sản phẩm cùng loại đến từ các tỉnh, thành khác. Vốn nổi tiếng thơm ngon, an toàn trong cách chọn nguyên liệu cá, muối và kỹ thuật chế biến gia truyền, nước mắm Ba Làng luôn được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Hoạt động mua bán tại các cơ sở chế biến mắm diễn ra quanh năm, song những ngày này, làng nghề rộn ràng hơn cả khi nhiều du khách phương xa và tiểu thương đến đặt và lấy hàng. Để có hàng bán dịp tết, các cơ sở đã tiến hành ủ chượp và chế biến từ nhiều tháng trước, còn về cuối năm công việc chủ yếu dành cho việc đóng chai, đóng thùng và giao dịch mua bán. Với những khách mua hàng làm quà tặng, biếu, chủ kinh doanh còn đầu tư, chuẩn bị những mẫu chai mới, túi giấy, thùng carton họa tiết đẹp mắt.
Ngoài nước mắm, nhiều làng nghề vùng biển xứ Thanh cũng đang trong giai đoạn “chạy đua” để cung ứng cho thị trường tết nhiều loại hải sản khô như: tôm nõn, cá chỉ vàng, cá bò... Đặc biệt, sản phẩm cá thu nướng là món ngon được người tiêu dùng gửi đi khắp nơi làm quà biếu nên luôn đắt hàng. Hiện nay giá cả các mặt hàng hải sản chế biến đã bắt đầu tăng nhẹ, càng gần tết giá bán lại càng tăng, sức mua cũng sẽ “nóng” lên từng ngày.
Có lẽ chỉ ở những làng nghề truyền thống, người ta mới cảm nhận được mùa tết sôi động, nhộn nhịp và kéo dài hơn so với những nơi khác. Mùa tết - mùa lao động, mùa vui đem theo những tất bật, vất vả và cũng là dịp để cháy thêm “ngọn lửa nghề” cho những người dân gắn bó lâu năm với sản vật truyền thống.