Làng núi ngày xưa ấy
Người Việt mình theo những vòng cung núi ra biển, và cũng từ biển vào đất mẹ trên những mỏm núi chìa ra biển. Núi cao - châu thổ - Biển Đông luôn thảng thốt trong tâm trí những người xa xứ cùng với nỗi nhớ nhung quê nhà.
Một đất nước hẹp chạy dài hơn 3.000km theo những dãy núi, bắt đầu từ vòng cung Ngân Sơn ở phía Đông Bắc tiếp nối đến Hoàng Liên Sơn phía Tây Bắc là của người miền cao. Rồi ta gặp ngàn trùng núi đá vôi ở Tam Điệp như thế trận cờ vây, để rồi bắt vào Trường Sơn dằng dặc, trên đó có miền cao nguyên - miền người Thượng len lỏi trong rừng già đại ngàn. Cảnh quan núi rừng ấy tạo thành “một bộ sườn” vững chãi cho toàn cõi Việt Nam rất thuận tiện khi có những biên giới mềm cho cả 54 dân tộc cùng chung sống.
Chính sự phân mảnh địa lý quá nhiều ở miền cao khiến cảnh quan chuyển đổi kỳ thú đột ngột, đã khiến không ít lữ khách quên đồng bãi tìm về miền cao miên viễn. Con dân Việt ai chẳng một lần lên vùng cao và mang về xuôi cái nhớ thương những thung lũng lan rộng, những dãy núi kế tiếp không dứt, những cao nguyên đỏ miền thượng du với núi đất bồng xanh rì đậu lưng chừng trời. Trong xứ sở núi cao vây bọc, kẻ thù khó đến gần, người miền cao phục sức như những ông hoàng bà chúa, sở hữu nhiều nhạc cụ, trường ca, hát lượn và múa nhảy trong sự bí ẩn hàng ngàn năm được núi rừng che giấu.
Nói như GS. Kim Định: “Họ biết trốn văn minh để hạnh phúc”.
Thế núi của xứ Bắc kỳ và dấu vết hồng hoang của Bách Việt
Cấu trúc của Bắc kỳ, trước hết là do những sự xô thành núi tạo nên. Xứ Bắc kỳ, núi dường như bao trùm 2/3 lãnh thổ nếu tính từ biển lên ở biên giới phía Bắc và phía Tây, núi cao trập trùng, tỏa rộng ra xa hơn nữa, cao hơn nữa trên đất Vân Nam và Thượng Lào, để rồi lên cao hơn đi vào miền đất của người Duy Ngô Nhĩ (Tân Cương) và người Thổ Phồn (cao nguyên Tây Tạng) kéo mạch liền đến nóc Himalaya.
Dựa trên các chứng cứ về di truyền, Jerold A. Edmondson cho rằng tổ tiên của các cư dân nói ngôn ngữ Tai-Kadai di cư từ Ấn Độ tới Myanmar, rồi sau đó tới Vân Nam khoảng 20.000 năm trước. Họ sau đó di cư xuống phía Nam ở Hạ Lào rồi vòng lên miền Bắc Việt Nam, tiếp tục di cư vào lãnh thổ Nam Trung Hoa lên đến phía Bắc sông Dương Tử làm nên Bách Việt.
Sự lan tỏa của cả trăm tộc Việt dọc vùng duyên hải Trung Hoa khoảng 10.000 năm trước cho thấy họ di cư sang đảo Đài Loan và rẽ đôi làm hai nhánh: Kra đi sâu vào đất liền vùng cao Quảng Châu, Quảng Tây; còn Hlai di cư sang đảo Hải Nam. Ở những vùng này còn lưu giữ y học gọi là Việt Y, tục trầu cau, những món ăn ngày Tết và tục gói bánh chưng. Trên miền cao biên giới phía Bắc, các cư dân nói ngôn ngữ cổ Tai-Kadai như người Nùng, Tày, Choang, Tráng... di cư bởi động cơ nông nghiệp, cùng sở hữu nhiều trống đồng và cũng thờ Thần Nông và thờ tổ tiên như người Lạc Việt.
Tộc người cư trú theo độ cao khai sinh ngành địa lý nhân văn
Cư trú ở độ cao 1.500-2.500m là người H’Mông, Dao, Mán có ngôn ngữ Tạng - Miến, khởi thủy từ bộ tộc Xi Vưu (ở trong xứ sương mù quanh năm), đã bị người Hoa Hạ dùng la bàn chỉ đường đánh bại ở Trác Lộc (Liêu Ninh ngày nay). Xuống dần đến độ cao 1.000m là người Lô Lô, Sán Chay, Thái, Tày, Nùng và thấp xuống 400-600m là người Mường, Thổ... Chính cái bản đồ cư trú đặc sắc ấy đã được Pierre Gourou ghi lại đầu thế kỷ XX trong những chuyến điền dã gian khổ, để rồi ông khai sinh ra ngành địa lý nhân văn cho nước Pháp trăm năm trước. Sự khai sáng của nó ở Xứ Đông Dương cùng với Nhiệt đới buồn của Claude Lévi-Strauss ở Nam Mỹ khiến văn minh nhân loại chuyển sang phía nhân bản, coi trọng sự ngang bằng văn hóa của tất cả các dân tộc.
Sự đặc biệt nhất trong cư trú tộc người vùng cao gắn với địa hình và những tiểu vùng khí hậu. Đầu tiên phải kể đến vùng núi đá vôi kép chạy lên từ biển đến Bảo Lạc, được ngăn đôi bởi con đường xe lửa người Pháp xây thời Toàn quyền Paul Doumer từ Hà Nội theo sông Cầu đến xứ Lạng thì nối vào thung lũng sông Kỳ Cùng với muôn vàn thạch nhũ, hẻm núi, đá nứt nẻ..., cùng một cấu tạo với vịnh Hạ Long thi vị và lạ kỳ trên đất Cao Lạng. Đây chính là vùng đất sinh sống chủ yếu của người Tày - Nùng men chân núi bên những con suối lớn, chếch lên chút nữa là người Thái, Sán Chay ở lưng chừng núi.
Từ Bảo Lạc đến sông Hồng núi cao hiện ra ở vòng cung Ngân Sơn là loại núi đá phiến nham thạch nhấp nhô hình gò bồng kéo dài, trên đó có những vùng đất rộng - trảng cỏ tranh và lau sậy. Nơi đó chủ yếu là người Lô Lô và xen vào các bản của H’Mông, Dao, Sán Chỉ… Mùa xuân cả trăm năm nay đón người dưới xuôi lên lễ hội đánh trống đồng, hát dân ca và múa nhảy trong lễ hội Lồng tồng cầu mùa.
Phía bên kia sông Hồng, vùng núi Tây Bắc có độ cao rất lớn, các thung lũng hẹp hơn và các con đèo cao trên đỉnh trời. Hoàng Liên Sơn trên độ cao 2.500m là những thung lũng đá mồ côi và những dãy núi sừng sững vây bọc miền Yên Bái, Lai Châu. Từ chân núi lên đến đỉnh hầu như đông đủ gần cả 30 tộc người cùng sẻ chia sự hiểm trở của vực sâu và những bài thuốc quý, chúng nằm trong những túi vải của thầy mo hay trong những cuốn sách thuốc cổ của người Dao.
Dãy núi đá vôi Tam Điệp nổi lên giữa Ninh Bình và Thanh Hóa điệp trùng để bắt vào miền núi Thanh Nghệ, vây chặt phía Nam đồng bằng sông Cả, cũng chính nó đã tách đôi hai châu thổ sông Hồng với sông Mã. Đây là địa bàn của người Mường - Việt cổ đại, cư trú lan tỏa dần sang miền thung lũng Hòa Bình với văn hóa Phùng Nguyên và Đông Sơn, sau biến đổi dần thành thuần Việt khi họ di chuyển rất chậm tới đồng bằng.
Từ hai cao nguyên rộng lớn tiếp nối nhau là Mộc Châu và Sơn La, như sự đẩy lên cao của đồng bằng, khe Mai Châu đột ngột tách ra khỏi cao nguyên để bắt vào núi đá. Vùng đất này thấp thoáng đan xen nhiều tộc người (Mường, Nùng, Tày, Thái) chia sẻ lãnh thổ rộng lớn gồm cả cao nguyên và núi đá cho đến chợ Bờ. Từ đó lên đến thượng nguồn của sông Chảy là vùng núi đá cao xứ Hà Giang với Đồng Văn, Mèo Vạc, chếch xuống chút là vùng núi đất Hoàng Su Phì và Xín Mần, địa bàn sinh sống ẩm ướt quanh năm của người H’Mông, Dao, Lô Lô, Mán đỏ.
Cũng theo Pierre Gourou, chưa thấy có nơi đâu trên địa cầu tích tụ đủ văn hóa của trên 30 dân tộc, khác biệt nhưng ít chiến tranh, cùng chia sẻ núi rừng cả ngàn năm nay kể từ khi họ bị xua đuổi từ miền núi cao Vân Nam, Quảng Tây, Quí Châu sang vùng cao Bắc Việt. Chỉ có thể họ từ cùng một cội nguồn Bách Việt xưa?
Làng núi phía đầu nguồn...
Vùng núi phía Bắc bắt đầu khi ta một bước chân đã từ biển Trà Cổ lên núi cao xứ Lạng. Rồi ven vòng cung Ngân Sơn đi Cao Bằng, Bắc Cạn thấp dần về Tuyên Quang, với chi chít các bản làng người Tày, Nùng bên suối, những thiếu nữ má ửng trái đào áo chàm ẩn trên nương rẫy. Năm mới 17 tuổi, tôi sơ tán trên bản Nà Vường, Nà Pheo cạnh con suối lớn, dùng nước lạnh ngắt từ ống bương lấy trên núi và ăn cháo chua từ cái chảo to lúc nào cũng bập bùng ánh lửa. Sáng có mưa mùa xuân, ra suối xem người ta ném còn, đu dây và hát then cùng đàn tính. Nhớ cái gian bếp Tày kéo dài chênh vênh ngôi nhà sàn, thang thả xuống để cõng nước, tối đến lại rút lên phòng thú lớn.
Rồi sau ra trường đi làm đến xứ Mường La, ngoài nước khoáng nóng, khó mà quên được hương say dịu dàng những ché rượu cần, rượu táo mèo. Sáng ra có nậm xôi sắn, cơm lam nóng hổi treo trên vách, chiều tà bên chảo cháo chua, thịt nướng, cá suối, rau cải mèo…
Đi Yên Bái đến bản Mường Lò ngắm những cái khau cút đặt trên nóc phía đầu hồi nhà sàn Thái, lữ khách như được mở một cuốn sử tộc người và xã hội cổ xưa. Trong thế giới nhiều biểu tượng và vật linh, thần rùa (pua tấu) đã dạy họ cách làm nhà với mái hình vòm “khum mai rùa” (tụp cống). Khau cút là một dạng thức, một tín hiệu khẳng định vị thế của chủ nhân. Gia đình giàu có, quyền lực thì khau cút có 5 ngọn dớn; người bình thường đủ ăn là 3 ngọn dớn và gia cảnh nghèo khó chỉ một ngọn dớn. Phụ nữ Thái khi lấy chồng búi tóc tằng cẩu trên đỉnh đầu, có nhiều của cải riêng. Và cũng chỉ người nữ chủ nhân ấy theo dấu vết mẫu hệ có quyền tiếp rượu khách phương xa.
Thi thoảng gặp các bản chếch trên cao là của người Dao, H’Mông, Sán Chay thường trang phục rực rỡ đi làm nương. Du khách chỉ phân biệt được nhà trình tường của người H’Mông có tường rào xếp đá và nhà người Dao cũng trình tường nhưng không tường rào. Không tích tụ mật độ cao như làng Việt, chòm bản chỉ vài mươi nóc nhà, những cái nhà bé xíu cheo leo so với núi cao bao quanh làm nao lòng tha nhân ghé lại. Những cái mái gỗ âm u của nhà trình tường bằng đất nện trộn rơm dày gần mét, trong nhà lúc nào cũng tối đen vì không trổ cửa sổ để ngăn giá lạnh. May có bếp lửa sưởi quanh năm tạo ánh hồng trên mặt người, và người lữ khách thường ngắm nhìn rất lâu bóng họ im lìm trên vách đất. Những cái trình tường có màu vàng nâu tươi thắm át đi sự trơ trọi trên cao nguyên toàn đá, dòng đá mồ côi chảy dưới chân những dãy núi cũng toàn đá cao im lìm.
Đi qua những cái tên Khau Phạ, Lìm Thái, Lìm Mông, bản Lướt... Hoàng Liên Sơn thình lình hiện ra trước mắt, hơi nghẹt thở, miền núi cao trào lên hùng vĩ. Những cung đường hiểm trở với suối trong chảy quanh các bản làng vắt vẻo cao xanh của người H’Mông im ắng trong làn sương mỏng. Chỉ có trong tranh Phan Kế An, núi cao im lìm một chiều Tây Bắc, buổi chiều hoang vắng dội lên một vũ trụ đơn côi của vĩnh cửu.
Chạy khỏi núi rừng
Từ thuở hồng hoang con người đã quen nương tựa tự nhiên để đất mẹ và những dòng sông nuôi dưỡng. Họ nhiều bình yên cho đến khi “văn minh” đã không buông tha họ, dù ẩn trong xứ sở khuất nẻo trên cao. Những cơn khát điện để sản xuất hàng hóa tiêu dùng thừa mứa mang danh công nghiệp hóa; những cuộc xâm lăng nông nghiệp để lấy đất rừng, đồi, núi cho trồng trọt với năng suất điên rồ của phân bón và hóa chất đã chất đầy thức ăn trên bàn con người hiện đại.
Văn minh đã mang tới hai kẻ thù hủy hoại đại ngàn, là thủy điện (trên 2.100 dự án) giăng trên các con sông đầu nguồn. Thứ nữa thuộc về cách chúng ta quản lý đất nước, chỉ Luật Lâm nghiệp đã cho thay thế rừng tự nhiên bằng rừng trồng (Lào Cai chặt rừng nguyên sinh trồng cao su đã hơn 10 năm không ra mủ vì thời tiết lạnh giá), và luật cho phép coi rừng trồng là... rừng!
Mùa xuân đã giăng cánh bạc trên vùng cao, bùi ngùi tưởng nhớ đến những người đã đi xa mãi mãi vì sạt lở núi, đất chuồi (tới 275 người chết, 65 người mất tích trong bốn cơn bão lũ thượng nguồn miền Trung năm nay). Những người còn sống cũng không thể còn tìm được hình bóng cũ của bản làng yêu dấu, chúng đã theo những con sóng bùn nằm lại đâu đó trong lòng đất. Chẳng ai ngờ có ngày, họ, những người vùng cao phải trốn chạy khỏi xứ sở, cắt đứt với nơi chốn, với văn hóa, với tộc người để mang nỗi đau tha hương.
Mùa xuân xanh còn vương nụ trắng ngần mà lòng trăn trở mong xuân sau, người miền cao của ngày xưa ấy có lại tung những quả còn tua rua đón lữ khách...
KTS-PGS-TS. Nguyễn Hồng Thục
* Bài viết đã đăng trên Giai phẩm Người Đô Thị Tết 2021
Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/lang-nui-ngay-xua-ay-27468.html