Lãng phí cầu vượt bộ hành trong đô thị
Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh hiện có khoảng hơn 100 cầu vượt bộ hành với tổng mức đầu tư khoảng trên 500 tỷ đồng, chi phí dành cho duy tu bảo trì bảo dưỡng mỗi năm lên đến hàng chục tỷ đồng, trong khi nhiều cầu thường xuyên vắng bóng người sử dụng.
Đã đến lúc phải đánh giá lại tổng thể quy mô, hiệu quả của các cầu vượt bộ hành, từ đó định hướng các giải pháp hữu ích, phù hợp với điều kiện thực tế để đảm bảo ATGT, mỹ quan đô thị và tránh lãng phí cho Nhà nước.
Cầu vượt bị người đi bộ phớt lờ, lãng phí tiền tỷ
Mỗi cây cầu vượt bộ hành có vốn đầu tư khoảng 3 - 5 tỷ đồng, thậm chí có cầu lên tới 10 tỷ đồng. Vốn đầu tư lớn nhưng vì sao người dân lại thờ ơ?
Thực tế tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, tại những con đường đông xe cộ qua lại, dù có dải phân cách cứng nhưng người đi bộ vẫn cố tình băng qua đường giữa dòng xe đông đúc, lưu thông với tốc độ cao..., trong khi cầu vượt bộ hành ngay trước mặt. Đó dường như là một thói quen khó bỏ đã ăn sâu vào tiềm thức của đa số người dân thành thị.
Tại TP. Hồ Chí Minh, nhiều cầu vượt dành cho người đi bộ luôn trong cảnh vắng bóng người, một số cầu được đưa vào khai thác từ những năm 2009 - 2010 đã trở nên hoen rỉ, trên cầu còn xuất hiện nhiều kim tiêm, dụng cụ hút chích rất phản cảm và nguy hiểm cho người đi lại.
Đánh giá từ nhiều góc độ thì nổi lên một số nguyên nhân khiến cầu vượt bộ hành "ế khách". Đó là ý thức tự giác chấp hành của người qua đường vẫn còn ở mức hạn chế, tiếp đó là không có lực lượng chức năng theo dõi để nhắc nhở, xử phạt. Một nguyên nhân nữa đã trở nên cố hữu là người đi bộ xem thường tính mạng của bản thân khiến người tham gia giao thông có khi phải chịu tai nạn oan.
Theo kết quả nghiên cứu của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội thực hiện năm 2019, có gần 60% trong tổng số 300 người tham gia khảo sát có sử dụng cầu đi bộ. Tuy nhiên, trong số này có tới 40% là khách vãng lai, 30% là học sinh sinh viên, còn những người dân sống hai bên đường lại rất ít sử dụng. Kết quả này cho thấy những người được mong muốn sử dụng nhiều nhất lại là đối tượng không sử dụng hoặc rất ít sử dụng.
Về vấn đề này, Thiếu tá Trần Quang Chinh - Phó Đội trưởng Đội CSGT Đường bộ số 6, Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội cho biết, đa phần người vi phạm khi bị xử lý cho biết phải di chuyển xa mới đến được cầu vượt bộ hành, hơn nữa tâm lý ngại leo lên cầu cao khiến họ chọn cách băng ngang qua đường, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, dễ gây TNGT.
Theo Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh - Phó Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền và điều tra, giải quyết TNGT (Cục CSGT, Bộ Công an) thì chế tài xử phạt đối với hành vi sang đường không đúng nơi quy định còn thấp, trong khi lực lượng chức năng lại gặp không ít khó khăn trong công tác xử lý.
Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ người đi bộ không mấy "mặn mà" với cầu vượt bộ hành là do vị trí không phù hợp. Mặt khác, trong thiết kế và các lối lên xuống của cầu chưa đặt sự ưu tiên của người đi bộ lên hàng đầu, tồn tại tình trạng hàng quán lấn chiếm lối lên xuống. Mặt khác, không thể đánh đồng về tính hiệu quả của các cây cầu bộ hành mà cần phải đánh giá tác dụng của từng cây cầu ở mỗi khu vực khác nhau. Ngoài ra, cũng không thể phủ nhận các bậc cầu bộ hành được thiết kế khá cao, người già, trẻ em rất ngại đi lên.
Thêm một trở ngại nữa là vấn đề an toàn và ô nhiễm môi trường tại một số cầu vượt bộ hành khiến nhiều người ngại sử dụng. Đó là tình trạng tại vị trí chân cầu trở thành nơi tập kết của xe rác, mất mỹ quan và bốc mùi khó chịu.
Cần có giải pháp để phát huy công năng của cầu vượt trong đô thị
Theo kế hoạch, thời gian tới, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tiếp tục xây dựng thêm cầu vượt bộ hành để phục vụ người dân đi lại được thuận lợi, an toàn. Tuy nhiên, nếu tiếp tục vận hành như hiện nay thì quả thật đây là sự lãng phí lớn. Theo đó, Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh đã tiến hành lắp đặt hệ thống cây xanh tại một số cầu bộ hành, rút ngắn khoảng cách giữa trạm dừng xe buýt và các cầu vượt bộ hành. Đồng thời, các đơn vị chức năng cũng đã có phương án sơn sửa, chỉnh trang lại cầu; bổ sung thang cuốn, thang máy, làm các hàng rào cưỡng bức người dân sử dụng cầu vượt bộ hành; bổ sung hệ thống camera để quan sát tình hình an ninh trật tự ở chân cầu.
Như đã nói ở trên, nếu đặt cầu vượt bộ hành vào những vị trí không hợp lý sẽ không phát huy được hiệu quả khai thác cũng như không đảm bảo tính an toàn cho người đi bộ. Vì vậy, theo ông Đinh Đăng Hải - cán bộ Dự án thành phố sống tốt của Tổ chức Health Bridge của Canada tại Việt Nam thì cần tính đến phương án thay thế những cây cầu vượt bộ hành bằng lối sang đường cùng cấp với xe cơ giới, có bố trí đèn tín hiệu giao thông. Cũng theo ông Hải, cầu vượt bộ hành sẽ hiệu quả hơn khi lắp đặt ở những tuyến đường có tốc độ cao như tuyến đường vành đai, tuyến đường cao tốc.
Tại Nhật Bản và Hàn Quốc trước đây cũng sử dụng nhiều cầu vượt bộ hành, tuy nhiên hiện nay họ đã chuyển sang sử dụng giải pháp sử dụng lối sang đường an toàn, bao gồm đèn tín hiệu giao thông, đường kẻ sọc, gờ giảm tốc độ của phương tiện cơ giới nhằm ưu tiên người đi bộ.
Đồng quan điểm nên đánh giá lại các cầu vượt bộ hành hiện thời, PGS. TS. Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức, Trường Đại học Việt Đức (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, những khu vực có nhu cầu đi bộ lớn như gần các trung tâm thương mại, nhà ga... thì nên ưu tiên cho người đi bộ trên mặt đất, đồng thời đặt biển báo hạn chế tốc độ phương tiện cơ giới. Đối với những vị trí sử dụng cầu vượt bộ hành cần lưu ý khâu thiết kế để người dân dễ tiếp cận, lắp đặt thêm thang máy hoặc thang cuốn để nhóm người yếu thế có thể sử dụng được.
TS. Trần Hữu Minh - Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia nhấn mạnh, tổ chức không gian an toàn cho người đi bộ là hạn chế sự xung đột giữa người đi bộ và các phương tiện giao thông cơ giới. Như vậy, ngay trong khâu quy hoạch không gian sử dụng đất và thiết kế hạ tầng cần đặt sự ưu tiên của người đi bộ. Song song với việc hoàn thiện các quy định pháp luật, các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn trong quy hoạch, thiết kế, xây dựng đường giao thông, xây dựng đô thị; tiêu chuẩn về đèn tín hiệu, biển báo hiệu giao thông thì cũng cần kết hợp với các giải pháp kiểm soát tốc độ của dòng giao thông cơ giới... để tạo điều kiện thuận lợi ưu tiên bảo vệ cho người đi bộ.
Đặc biệt, cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông đối với người dân, sử dụng cầu vượt bộ hành tại những nơi quy định. Đồng thời, Nhà nước cần tăng cường công tác quản lý cầu vượt bộ hành giúp loại hình này phát huy công năng cũng như xử phạt nghiêm đối với người đi bộ sai quy tắc ATGT.
Điều 9 Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ quy định phạt tiền từ 60.000 - 100.000 đồng nếu người đi qua đường không đúng nơi quy định, không đảm bảo an toàn...
Theo Bộ luật Hình sự 2015, người đi bộ băng qua đường dẫn đến TNGT gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng có thể bị phạt tù cao nhất là 15 năm.
Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/lang-phi-cau-vuot-bo-hanh-trong-do-thi-183230713153142081.htm