Lãng phí là thách thức lớn với sự phát triển bền vững quốc gia
Chủ tịch Phan Xuân Dũng nhấn mạnh, lãng phí không chỉ là một vấn đề kinh tế - xã hội nhức nhối, mà còn là thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của quốc gia.
Ngày 23/12, tại trụ sở Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), đã diễn ra hội thảo khoa học với chủ đề "Giải pháp chống lãng phí đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới".
TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch VUSTA và GS.TS. Phan Trung Lý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Pháp luật và Xã hội đồng Chủ trì hội thảo.
Phát biểu khai mạc, TSKH Phan Xuân Dũng cho biết, đây là chủ đề nghiên cứu rất cấp bách trong bối cảnh hiện nay, khi lãng phí không chỉ là một vấn đề kinh tế - xã hội nhức nhối, mà còn là thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của quốc gia. Tình trạng lãng phí trong khai thác tài nguyên, đầu tư công, quản lý tài sản công và thực thi chính sách vẫn đang đặt ra những yêu cầu cấp bách về đổi mới thể chế, nâng cao hiệu quả quản lý và trách nhiệm giải trình.
Hội thảo tập trung vào các nội dung trọng tâm chính về tư tưởng Hồ Chí Minh và văn hóa pháp lý về chống lãng phí; yêu cầu, định hướng và giải pháp tổng thể; cùng các vấn đề liên quan đến cải cách hành chính, trách nhiệm của người đứng đầu, vai trò của các tổ chức xã hội, nhân dân. Hội thảo cũng đi sâu vào các lĩnh vực cụ thể trong phòng, chống lãng phí như quản lý cán bộ, kinh tế, tài nguyên môi trường và đầu tư phat triển nhằm kiến nghị các chính sách thiết thực, góp phần hoàn thiện thể chế, thúc đẩy phát triển bền vững.
“Đây là cơ hội quý báu để các nhà khoa học, chuyên gia và nhà quản lý cùng thảo luận, chia sẻ ý kiến, từ đó đưa ra các giải pháp đột phá, thiết thực”, Chủ tịch Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.
Phòng chống lãng phí trở thành yêu cầu cấp thiết
GS.TS. Phan Trung Lý cho biết, đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, là thời điểm để định hình tương lai, gia tăng mạnh mẽ nguồn lực, làm giàu cho đất nước, đúng như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói: "Chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Một trong những yêu cầu quan trọng để biến cơ hội đó thành hiện thực là phải kiên quyết và triệt để phòng chống lãng phí. Chống lãng phí cần được triển khai quyết liệt, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác”, “tự nguyện”, thành văn hóa ứng xử của mỗi người dân trong thời đại mới.
Theo GS.TS Phan Trung Lý, phòng chống lãng phí đang trở thành yêu cầu cấp thiết, một trong những điều kiện cần và đủ để chúng ta bước vào Kỷ nguyên mới- Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Yêu cầu đó giúp chúng ta nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của từng cá nhân cần có ý thức tiết kiệm, phòng chống lãng phí trong cuộc sống hàng ngày.
Cụ thể, cần có ý thức trong việc sử dụng nguồn lực xã hội, nhất là khai thác hiệu quả tài sản, tài nguyên. Các hành vi nhỏ nhặt như lãng phí điện, nước, lãng phí thời gian trong công việc, đều là những hành động có tác động tiêu cực đối với sự phát triển chung của đất nước.
Khuyến khích ý thức tiết kiệm và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội, đặc biệt là tài sản công... Cần thiết phải cải tổ hệ thống quản lý và kiểm soát các nguồn lực của quốc gia...
Tăng cường giải pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống lãng phí
TS Nguyễn Trung Hậu, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp Ban Kinh tế Trung ương, chỉ ra rằng lãng phí không chỉ tạo hiệu quả phát triển kinh tế giảm tốc mà còn làm tăng gánh nặng nợ công, làm chậm quá trình phát triển hạ tầng, xã hội và gây ra tác động xấu đến môi trường.
Đặc biệt, TS Nguyễn Trung Hậu nhấn mạnh, lãng phí không chỉ làm giảm niềm tin của Nhân dân vào chính quyền mà còn tạo ra bất bình đẳng xã hội khi nguồn lực không được sử dụng hiệu quả để cải thiện dịch vụ công và hỗ trợ người yếu thế. Đồng thời, tình trạng này cũng phản ánh yếu kém trong thể chế và quản trị, gây cản trở cho cuộc cải cách thể chế.
Một ví dụ điển hình về hậu quả của lãng phí có thể thực hiện được để so sánh tốc độ tăng trưởng kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc. Theo nghiên cứu của TS. Huỳnh Thế Du, Đại học Fulbright Việt Nam, trong giai đoạn 1985-2023, GDP thực tế của Trung Quốc tăng 24,9 lần (tương đương 8,8%/năm), trong khi Việt Nam chỉ tăng 10,6 lần (6,4%/năm). Kết quả đến năm 2023, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc đã gấp ba lần Việt Nam.
Đưa ra giải pháp, theo TS Nguyễn Trung Hậu, cần tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền về phòng, chống lãng phí. Đề cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan báo chí trong định hướng dư luận về công tác phòng, chống lãng phí, nêu bật những kết quả tích cực, cũng như phát hiện những hạn chế, yếu kém, khó khăn, phức tạp trong công tác đấu tranh phòng, chống lãng phí. Tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp đối với hoạt động phòng, chống lãng phí, trước hết là giám sát hoạt động của các cơ quan có chức năng phòng, chống lãng phí. Phát huy vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, của cộng đồng và nhân dân trong việc phát hiện, đấu tranh với những biểu hiện lãng phí.
Cùng với đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống lãng phí. Sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của nhà nước là nhân tố quyết định thành công của công tác phòng, chống lãng phí. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải xác định phòng, chống lãng phí là nhiệm vụ quan trọng, cần thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật. Đẩy mạnh công tác cải cách thể chế xây dựng và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Rà soát, bổ sung, sửa đổi kịp thời các quy định về cơ chế quản lý, các định mức kinh tế - kỹ thuật không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước.
Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử để nâng cao hiệu quả phòng, chống lãng phí. Tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước và doanh nghiệp sử dụng tài nguyên thiên nhiên, chấp hành pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Kiên trì thực hiện đồng bộ các giải pháp từ thấp đến cao tiến tới xây dựng văn hóa chống lãng phí trong toàn xã hội; đưa chống lãng phí trở thành các chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực xã hội; trở thành nội quy của từng cơ quan, đơn vị.
Sáu là, sớm ban hành hướng dẫn của Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống lãng phí, trong đó nhận diện, chỉ rõ các hành vi, biểu hiện lãng phí, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác phòng, chống lãng phí. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, gây lãng phí.