Lãng phí lớn vì nguồn lực đóng băng trong các dự án 'treo'
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh nhận định, ách tắc trong triển khai các dự án đầu tư bất động sản mà nguyên nhân chủ yếu là do vướng mắc về pháp lý, đã gây nên lãng phí rất lớn.
Chiều 15-5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023.
Trình bày báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh nhận định, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) vẫn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, lãng phí, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến tham nhũng, tiêu cực.
“Còn nhiều vi phạm trong quản lý, sử dụng tài nguyên đất đai, khoáng sản, tài nguyên rừng, tài nguyên nước. Tình trạng lãng phí tài nguyên đất đai của các dự án chậm do đưa vào sử dụng, để hoang hóa, đất của các nông lâm trường; các dự án bị dừng thực hiện sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chưa được giải quyết dứt điểm. Còn 404/908 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng với diện tích là 18.308ha/28.155ha chưa được xử lý”, Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh nêu rõ.
Ách tắc trong triển khai các dự án đầu tư bất động sản mà nguyên nhân chủ yếu là do vướng mắc về pháp lý, trong đó có quy định về phương pháp định giá đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cơ chế phối hợp trong công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư, thu hồi đất… cũng gây nên lãng phí rất lớn, trong khi doanh nghiệp khó khăn trong việc huy động vốn; đặc biệt trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp vào các tháng cuối năm 2023.
Trong khi đó, tiến độ xử lý các dự án, cụm dự án theo Nghị quyết số 74/2022/QH15, theo cơ quan thẩm tra, là chưa đạt yêu cầu. Cụ thể, mới chỉ có phương án xử lý đối với 17/51 dự án, cụm dự án sử dụng vốn đầu tư công và vốn nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí; 11/13 dự án, chuỗi dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, than, dầu khí chậm tiến độ; 14/19 dự án chậm triển khai, có khó khăn vướng mắc để đất đai hoang hóa, lãng phí; 501/880 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng.
Bày tỏ tán thành nhận định của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chỉ ra khá nhiều công trình chậm thu hồi đất, ảnh hưởng đến tiến độ thi công.
Bên cạnh đó, chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư chưa tốt. Cụ thể như dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội, do công tác chuẩn bị chưa tốt, chi phí thu hồi đất, bồi thường tái định cư ở một số địa phương có dự án “đội” lên nhiều ngàn tỷ đồng.
Người đứng đầu Ủy ban Kinh tế cũng quan tâm đến tình trạng đầu cơ bất động sản và cho rằng, người có tiền mua bất động sản để đấy, không đưa vào phục vụ lao động, sản xuất, trong khi người có nhu cầu thực sự không tiếp cận, không mua được.
“Chúng tôi đề nghị phải có giải pháp xử lý, không thì nguồn lực xã hội, của đất nước bị chôn vào thị trường bất động sản”, ông Vũ Hồng Thanh kiến nghị.
Vẫn theo Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh, có những dạng lãng phí khác khó đong đếm hơn, nhưng cũng rất nghiêm trọng. Chẳng hạn như lãng phí thời gian, cụ thể là tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết.
“Trong lĩnh vực chúng tôi theo dõi, có 12 văn bản hướng dẫn cần ban hành thì chỉ có 3 văn bản được ban hành đúng hạn. Trong 9 văn bản chậm có cả 1 nghị định. Điều này làm lỡ mất cơ hội sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân và nhiều hệ quả khác nữa”, ông Vũ Hồng Thanh nói.