Lãng phí ngàn tỷ từ các dự án hạ tầng chậm tiến độ - Bài 2: Có cơ chế đặc thù cũng 'bó tay'
Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội trao cho TP.HCM cơ chế đặc thù để giải quyết các dự án tồn đọng nhiều năm, song do các quy định pháp luật còn chồng chéo, thiếu đồng bộ, nên nhiều vướng mắc vẫn chưa được tháo gỡ.
Nhiều dự án hạ tầng tại TP.HCM đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) khởi công cách đây gần 10 năm, nhưng do những vướng mắc, mâu thuẫn và thay đổi về quy định pháp lý, nên đến nay vẫn bị “đứng hình”, gây bức xúc cho người dân. Trong khi đó, tổng mức đầu tư dự án tăng lên từng ngày vì giá cả biến động và lãi phát sinh. Đây là sự lãng phí nguồn lực rất lớn tại đầu tàu kinh tế của cả nước.
Bài 2: Có cơ chế đặc thù cũng “bó tay”
Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội trao cho TP.HCM cơ chế đặc thù để giải quyết các dự án tồn đọng nhiều năm, song do các quy định pháp luật còn chồng chéo, thiếu đồng bộ, nên nhiều vướng mắc vẫn chưa được tháo gỡ.
Nhà đầu tư mệt mỏi chờ đợi
Trong số các dự án BT đang ách tắc tại TP.HCM, Dự án Chống ngập có tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng là dự án kéo dài lâu nhất, nhưng cũng là dự án thi công được nhiều nhất (khối lượng thi công đã đạt hơn 90%).
Quá bức xúc vì Dự án kéo dài, từ năm 2016 đến nay, nhà đầu tư - Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam (Tập đoàn Trung Nam) - đã nhiều lần gửi văn bản đến UBND TP.HCM và các cơ quan có liên quan kiến nghị tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến thanh toán quỹ đất và điều chỉnh Dự án. Hầu như tháng nào, doanh nghiệp cũng gửi văn bản đến UBND Thành phố kiến nghị tháo gỡ vướng mắc và cập nhật số lãi phát sinh. Theo báo cáo mới nhất của nhà đầu tư, tổng chi phí lãi vay của Dự án tính đến ngày 3/1/2025 là 2.645 tỷ đồng
“Việc Dự án tạm dừng thi công khiến nhà đầu tư phải chịu lãi quá hạn và lãi phát sinh từng ngày. Số tiền lãi này đang rất cao và chắc chắn sẽ còn tiếp tục tăng cao hơn nữa, nếu tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện Dự án. Khi đó, thiệt hại về kinh phí khó lường hết được”, đại diện Tập đoàn Trung Nam chia sẻ.
Việc tạm dừng Dự án khiến kế hoạch của doanh nghiệp bị phá vỡ, chưa kể mất nhiều cơ hội đầu tư khác vì gánh nặng lãi suất ngân hàng. Thành phố gỡ vướng sớm ngày nào, thì nhà đầu tư có thêm cơ hội ngày đó.
- Ông Trần Đức Thắng, đại diện Công ty cổ phần Văn Phú Bắc Ái
Bên cạnh nguy cơ tăng tổng mức đầu tư vì lãi vay tăng từng ngày, nhà đầu tư còn đối mặt nguy cơ bị ngân hàng kiện ra tòa vì nợ quá hạn. “Với dự án này, Trung Nam xác định không có lợi nhuận, mà chỉ quan tâm đến việc lỗ nhiều hay lỗ ít. Chúng tôi mong sớm làm xong Dự án để còn thực hiện các dự án khác”, đại diện doanh nghiệp bày tỏ.
Dự án 2,7 km đường Vành đai 2 (đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa - Quốc lộ 1) cũng chung cảnh ngộ, khi nhà đầu tư “toát mồ hôi hột” với lãi vay phát sinh từng ngày. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trần Đức Thắng, đại diện Công ty cổ phần Văn Phú Bắc Ái cho biết, nhà đầu tư đã thực hiện hết các thủ tục theo yêu cầu của TP.HCM để được thanh toán quỹ đất và thi công nốt phần còn lại.
“Việc tạm dừng Dự án khiến kế hoạch của doanh nghiệp bị phá vỡ, chưa kể mất nhiều cơ hội đầu tư khác vì gánh nặng lãi suất ngân hàng. Thành phố gỡ vướng sớm ngày nào, thì nhà đầu tư có thêm cơ hội ngày đó”, ông Thắng thở dài.
Cơ chế đặc thù cũng không gỡ nổi
Năm 2023, UBND TP.HCM thành lập Tổ Công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư. Đích thân ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM làm Tổ trưởng Tổ Công tác để điều phối và trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc. Tổ Công tác họp hằng tháng, nhưng nhiều vướng mắc vẫn chưa thể tháo gỡ.
Nhà đầu tư kỳ vọng, khi Nghị quyết số 98/2023/QH15 có hiệu lực từ ngày 1/8/2023, quy trình thanh toán bằng quỹ đất cho dự án BT sẽ nhanh hơn và tháo gỡ được nhiều vướng mắc.
Cụ thể, khoản 7, Điều 6, Nghị quyết số 98/2023/QH15 quy định rõ: “Đối với dự án áp dụng loại hợp đồng BT được ký kết theo đúng quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng BT trước ngày Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư có hiệu lực thi hành mà chưa hoàn thành việc thanh toán cho nhà đầu tư, thì việc sử dụng quỹ đất do Nhà nước quản lý thuộc trường hợp sắp xếp lại, xử lý tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư”.
Luật số 57/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu quy định rõ hơn các hình thức thanh toán hợp đồng BT (bằng quỹ đất và bằng ngân sách nhà nước). Đây sẽ là “chìa khóa” để tháo gỡ những vướng mắc trong các dự án BT hiện nay tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 15/1/2025. Riêng việc thực hiện hợp đồng BT thanh toán bằng quỹ đất và hợp đồng BT thanh toán bằng ngân sách nhà nước quy định tại luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.
Tuy nhiên, khi áp dụng Nghị quyết số 98/2023/QH15 để giải quyết vấn đề tại các dự án BT, thì lại gặp vô vàn vướng mắc.
Cụ thể, đối với Dự án Chống ngập 10.000 tỷ đồng, việc thanh toán hợp đồng BT hiện chưa có sự thống nhất trong các quy định pháp luật, dẫn đến việc điều chỉnh Dự án gặp vướng mắc, vì khi áp dụng cơ chế của quy định này, thì lại trái với quy định khác. Điều này dẫn đến, vận dụng Nghị quyết số 98/2023/QH15 cũng không gỡ được.
Với Dự án 2,7 km đường Vành đai 2 (đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa - Quốc lộ 1), để đảm bảo một trong những điều kiện thanh toán quỹ đất cho nhà đầu tư, thì UBND TP.HCM phải điều chỉnh, bổ sung các nội dung liên quan đến thanh toán vào Báo cáo Nghiên cứu khả thi đã được phê duyệt để thực hiện theo đúng quy định.
Tuy nhiên, theo Điều 28, Nghị định số 15/2015/NĐ-CP, việc phê duyệt điều chỉnh các nội dung liên quan đến phương án tài chính của Dự án không thuộc thẩm quyền của UBND TP.HCM
Để gỡ vướng cho Dự án này, ngày 6/12/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản hướng dẫn và đề nghị TP.HCM báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép Thành phố thực hiện thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh Báo cáo Nghiên cứu khả thi, bao gồm cả phương án tài chính của Dự án.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thẳng thắn chỉ ra rằng, Nghị quyết số 98/2023/QH15 không phải là “chiếc đũa thần” để có thể giải quyết tất cả các vấn đề mà địa phương đang đối mặt. Mặc dù có cơ chế đặc thù, nhưng các luật và nghị định chưa đồng bộ dẫn đến bất cập, vướng mắc chưa giải quyết được.
“Chúng ta không nên quá phi thực tế, trong khi năng lực, thời gian đều có hạn, nhiều vấn đề chưa thông suốt”, ông Mãi nói.
Đề xuất cơ chế đặc biệt
Trước những vướng mắc về pháp lý tại các dự án BT mà Nghị quyết số 98/2023/QH15 chưa gỡ được, sốt ruột trước tình trạng chậm trễ kéo dài, UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ ban hành một số cơ chế đặc biệt để sớm tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đình trệ này.
Đầu tiên, TP.HCM kiến nghị Chính phủ ban hành nghị quyết để chấp thuận cho Thành phố thực hiện ủy thác từ ngân sách cho Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước Thành phố (Công ty HFIC). Từ đó, HFIC cho nhà đầu tư vay để thi công hoàn thiện khoảng 10% còn lại của Dự án Chống ngập, nhằm sớm đưa vào khai thác, tránh lãng phí.
Mặt khác, Thành phố cũng đề xuất thực hiện điều chỉnh điều khoản về thanh toán trong hợp đồng song song với việc điều chỉnh tổng thể dự án, vì việc điều chỉnh dự án mất nhiều thời gian, nên phải làm 2 việc song song.
Ngoài ra, TP.HCM cũng đề xuất Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép Thành phố được tiến hành thanh toán hợp đồng BT cho nhà đầu tư bằng quỹ đất và bằng tiền tương ứng khối lượng công trình hoàn thành đã được kiểm toán. Trong đó, Thành phố đã chuẩn bị số vốn 6.800 tỷ đồng để thanh toán, nếu được các cấp có thẩm quyền chấp thuận, Thành phố sẽ giải ngân ngay.
Thế nhưng, khi xem xét các đề xuất của UBND TP.HCM, Bộ Tài chính có ý kiến rằng, phương án kiến nghị của TP.HCM chưa phù hợp, do Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 không có quy định về việc sử dụng vốn ngân sách địa phương ủy thác cho HFIC để đơn vị này cho nhà đầu tư vay thực hiện dự án.
Còn tại Dự án 2,7 km đường Vành đai 2, do việc phê duyệt điều chỉnh các nội dung liên quan đến phương án tài chính của Dự án không thuộc thẩm quyền của UBND TP.HCM, nên Thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận để Thành phố thực hiện thủ tục lập thẩm định, phê duyệt Báo cáo Nghiên cứu khả thi (bao gồm phương án tài chính của Dự án) để sớm tháo gỡ, đưa Dự án thi công trở lại, tránh tình trạng lãng phí.
Sau khi nhận được kiến nghị của UBND TP.HCM, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan tham mưu Thủ tướng Chính phủ về xử lý kiến nghị của UBND TP.HCM. Trong đó, làm rõ về cơ sở pháp lý và đề xuất rõ để Thủ tướng Chính phủ chấp thuận hay không chấp thuận điều chỉnh Báo cáo Nghiên cứu khả thi của Dự án 2,7 km đường Vành đai 2, TP.HCM.
(Còn tiếp)