Lãng phí ngàn tỷ từ các dự án hạ tầng chậm tiến độ - Bài 3: Gấp rút 'giải cứu'
Việc sửa đổi các luật liên quan đến lĩnh vực đầu tư cùng sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ là những tín hiệu thuận để tháo gỡ vướng mắc cho các dự án BT tại TP.HCM sớm thi công trở lại và đưa vào khai thác, tránh lãng phí.
Nhiều dự án hạ tầng tại TP.HCM đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) khởi công cách đây gần 10 năm, nhưng do những vướng mắc, mâu thuẫn và thay đổi về quy định pháp lý, nên đến nay vẫn bị “đứng hình”, gây bức xúc cho người dân. Trong khi đó, tổng mức đầu tư dự án tăng lên từng ngày vì giá cả biến động và lãi phát sinh. Đây là sự lãng phí nguồn lực rất lớn tại đầu tàu kinh tế của cả nước.
Những chuyển động mới
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu (gọi tắt là Luật sửa đổi các luật về đầu tư) có hiệu lực từ ngày 15/1/2025 với nhiều quy định mới được kỳ vọng sẽ là “chìa khóa” để tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến các dự án BT chuyển tiếp đang bị đình trệ.
![Các hạng mục của Dự án Chống ngập tại TP.HCM nằm phơi mưa, phơi nắng suốt 5 năm qua](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_72_51462781/2a02d788e7c60e9857d7.jpg)
Các hạng mục của Dự án Chống ngập tại TP.HCM nằm phơi mưa, phơi nắng suốt 5 năm qua
Điểm đáng chú ý trong luật này là quy định tiếp tục áp dụng loại hợp đồng BT thanh toán bằng tiền và thanh toán bằng quỹ đất theo hướng đổi mới toàn diện cách thức thực hiện và thanh toán cho nhà đầu tư, khắc phục tối đa các bất cập trong việc thực hiện loại hợp đồng BT trước đây.
Trong đó, Luật quy định các nguyên tắc cơ bản về cơ chế thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất và bằng tiền ngân sách. Từ nguyên tắc cơ bản của Luật, Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết cơ chế hợp đồng BT đối với các hình thức thanh toán.
Thủ tướng Chính phủ đốc thúc gỡ vướng dự án kéo dài để tránh lãng phí
Ngày 8/2/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 13/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, báo cáo đầy đủ các dự án đầu tư có khó khăn, vướng mắc, tồn đọng kéo dài để kịp thời tháo gỡ, triển khai ngay dự án.
Cập nhật đến ngày 7/2, mới có 33 địa phương và 9 bộ, cơ quan Trung ương gửi báo cáo về Bộ Kế hoạch và Đầu tư; còn 30 địa phương và 15 bộ, cơ quan ngang Bộ chưa gửi báo cáo. Thủ tướng Chính phủ phê bình các bộ, địa phương chưa gửi báo cáo và yêu cầu kiểm điểm xác định rõ trách nhiệm cá nhân, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 17/2.
Để sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án trên cả nước, không để phải kiểm điểm hành chính, gây lãng phí nguồn lực, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, các bộ, ngành và địa phương khẩn trương rà soát kỹ, tổng hợp đầy đủ các dự án có khó khăn vướng mắc, tồn đọng trong thời gian dài gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư chậm nhất trước ngày 15/2.
Sau ngày 15/2/2025, các bộ, cơ quan, địa phương chưa gửi báo cáo rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ sẽ giao Thanh tra Chính phủ thực hiện thanh tra để xem xét trách nhiệm, xử lý nghiêm theo quy định của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực Trung ương.
Ông Quách Ngọc Tuấn, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM nhìn nhận, quy định mới của Luật sửa đổi các luật về đầu tư sẽ tháo gỡ rất nhiều vướng mắc đang gặp phải trong quá trình thực hiện các dự án BT chuyển tiếp tại TP.HCM. Bởi vì, Luật quy định rõ phương thức thanh toán bằng tiền và bằng quỹ đất mà Thành phố đang thực hiện.
Ngay sau khi Luật sửa đổi các luật về đầu tư được ban hành, TP.HCM cũng có những động thái quyết liệt để gỡ vướng cho các dự án BT. Cụ thể, Thành phố ban hành quy trình thanh toán quỹ đất cho các dự án BT theo cơ chế, chính sách của Nghị quyết số 98/2023/QH15.
Trong đó, xác định rõ quỹ đất thanh toán hợp đồng BT phải là đất do Nhà nước quản lý thuộc trường hợp sắp xếp lại, xử lý tài sản công đã được xác định tại hợp đồng BT. Tiếp đến, khu đất xác định thanh toán tại hợp đồng BT phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 để làm cơ sở xác định nghĩa vụ tài chính.
Thời điểm thực hiện giao đất, cho thuê đất để thanh toán căn cứ vào khối lượng xây dựng công trình của dự án BT đã hoàn thành được cơ quan nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu theo quy định của pháp luật và được kiểm toán.
Hơn nữa, tại thời điểm thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất, phải tính được nghĩa vụ tài chính của nhà đầu tư. Giá để tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được xác định tại thời điểm quyết định giao đất, cho thuê đất.
Đặc biệt, về trình tự thực hiện thủ tục thanh toán quỹ đất BT cho nhà đầu tư, TP.HCM quy định rõ 4 bước.
Bước 1: Lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hoặc quy hoạch tổng mặt bằng khu đất thanh toán. Thời gian thực hiện bước này là 20 ngày thẩm định và 15 ngày phê duyệt quy hoạch. Cơ quan thực hiện là UBND cấp huyện và các cơ quan có chức năng liên quan.
Bước 2: Thực hiện giao đất, cho thuê đất do Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM thực hiện trong thời gian 30 ngày.
Bước 3: Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM thực hiện xác định giá đất. Thời gian thực hiện là 180 ngày kể từ ngày ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất theo quy định tại khoản 4, Điều 155, Luật Đất đai năm 2024 (thời gian xác định giá đất cụ thể không được tính trong thời gian thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất).
Bước 4: Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trong vòng 3 ngày kể từ khi chủ đầu tư được cơ quan thuế xác nhận hoàn tất nghĩa vụ tài chính.
Như vậy, việc ban hành quy trình thanh toán quỹ đất đối với dự án BT, trong đó nêu rõ thời gian cụ thể, là cơ sở để chủ đầu tư các dự án và các sở, ngành tại TP.HCM căn cứ thực hiện. Đây là bước rất quan trọng để tháo gỡ thủ tục thanh toán quỹ đất cho các dự án BT bị đình trệ nhiều năm, như Dự án 2,7 km đường Vành đai 2, Dự án Chống ngập, để các dự án sớm được thi công trở lại, hoàn thành đưa vào khai thác, tránh lãng phí.
Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết tháo gỡ
Tại cuộc họp mới đây của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với lãnh đạo TP.HCM về việc tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đình trệ, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi báo cáo, Thành phố hiện có 12 công trình, dự án lớn còn vướng mắc kéo dài thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
TP.HCM kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ Thành phố giải quyết các Dự án tồn đọng để giúp giải phóng các nguồn lực cho nền kinh tế. Nếu giải quyết tốt, thì chắc chắn sẽ có hàng chục ngàn tỷ đồng đi vào nền kinh tế trong năm 2025.
- Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi (kiến nghị tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương, diễn ra vào đầu tháng 1/2025)
Trong đó, có một số dự án BT đình trệ nhiều năm, như Dự án 2,7 km đường Vành đai 2 (đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến Nút giao Gò Dưa - Quốc lộ 1, TP. Thủ Đức); Dự án Chống ngập.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, trong số 6 dự án lớn thuộc thẩm quyền của Chính phủ, thì Dự án đô thị Đại học Quốc tế tại xã Tân Thới Nhì (huyện Hóc Môn, TP.HCM) đã được chỉ đạo hướng giải quyết.
Đối với 5 dự án còn lại, bao gồm Dự án Chống ngập, các bộ, ngành và TP.HCM đang phối hợp đề xuất điều chỉnh cơ chế, chính sách. Chính phủ dự kiến ban hành một nghị quyết tháo gỡ cho các dự án này.
Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí, Chủ tịch UBND TP.HCM cùng 5 Phó chủ tịch đã phân chia, chỉ đạo giải quyết các dự án tồn đọng, dừng thi công nhằm khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát.
Trong đó, Chủ tịch UBND TP.HCM sẽ theo dõi, chỉ đạo giải quyết vướng mắc một số dự án BT như cầu Thủ Thiêm 2 (cầu Ba Son); Dự án BT Đầu tư xây dựng 4 tuyến đường trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm; Dự án BT Xây dựng đường song hành từ đường Mai Chí Thọ qua khu dân cư Nam Rạch Chiếc đến Vành đai 2; Dự án Chống ngập.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, các vấn đề “đã chín, đã rõ” cần xử lý ngay lập tức, còn những vấn đề chưa rõ, thì cần tiếp tục thu thập thông tin đầy đủ; giải quyết nhanh, hiệu quả, kịp thời, nhưng không để sai chồng sai, tiêu cực, lãng phí, “với tinh thần quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, làm việc nào xong việc đó, có trọng tâm, trọng điểm, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm”.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, TP.HCM là đầu tàu kinh tế, trung tâm tài chính và thương mại lớn nhất cả nước, nên việc rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án tại Thành phố sẽ góp phần khơi thông nguồn lực phục vụ phát triển Thành phố cũng như vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.
Với những động thái quyết liệt từ Thủ tướng Chính phủ và chính quyền TP.HCM, người dân, nhà đầu tư và doanh nghiệp kỳ vọng, những vướng mắc kéo dài nhiều năm tại các dự án BT sẽ sớm được xử lý để hoàn thành dự án và đưa vào khai thác, tránh lãng phí.