Lãng phí ở nhà văn hóa ấp
Xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở là một trong những tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Trong đó, các nhà văn hóa ấp được đầu tư xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tập luyện thể dục, thể thao, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân.
Tuy nhiên, có một nghịch lý, dù số lượng nhà văn hóa ấp không ngừng tăng nhưng hoạt động của các thiết chế này lại chưa phát huy công năng như kỳ vọng, gây tốn kém, lãng phí (mỗi nhà văn hóa cộng đồng được xây dựng với mức kinh phí cả 100 triệu đồng). Nhiều nơi “hoang vắng”, rất ít người lui tới, thậm chí hư hỏng nghiêm trọng.
Những công trình hoang phế
Cụ thể như nhà văn hóa ấp Phước Đức B, xã Phước Đông (huyện Gò Dầu) được đưa vào hoạt động từ năm 2016. Hơn 3 năm hoạt động, trụ sở này xuống cấp trầm trọng. Đáng chú ý, nếu như không phải là người dân địa phương thì rất khó tìm ra nhà văn hóa ấp này vì nằm khuất sau một quán cà phê. Theo người dân, gần như quanh năm, cổng vào nhà văn hóa luôn đóng kín. Người có việc muốn đi vào bên trong phải men theo lối đi kề bên quán cà phê. Tuy khuôn viên khá rộng rãi nhưng cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao gần như không có gì, trông như một căn nhà hoang, chỉ có vài bộ bàn ghế lẻ loi, bụi phủ dày dưới nền.
Một người dân sống gần đó cho biết, ông nghe nhà văn hóa này được đầu tư hơn 100 triệu đồng. Ban đầu còn có người lui tới, nhưng hơn 1 năm trở lại đây, gần như bị bỏ phế. Chỉ có đợt bầu cử trưởng ấp vừa qua mới có người vào dọn dẹp, xong rồi lại bỏ như trước.
Dù mới được xây dựng năm 2018 nhưng nhà văn hóa ấp Cây Xoài, xã Thanh Phước (huyện Gò Dầu) cũng trong tình trạng cửa khóa then cài, khuôn viên đầy cỏ dại khiến nhiều người qua lại tưởng là công trình bị bỏ hoang. Theo một số người dân xung quanh, nhà văn hóa ấp chỉ mở cửa những khi có hội họp (mỗi tháng chỉ khoảng 1, 2 ngày, mỗi lần khoảng vài giờ), hoàn toàn không có các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao. Người dân muốn gặp trưởng ấp nhờ xác nhận giấy tờ phải liên hệ qua điện thoại rồi chạy đến nhà.
Tương tự, nhà văn hóa ấp Long Trung, xã Long Thành Nam (huyện Hòa Thành) gần như bị bỏ hoang nhiều năm qua. Khu vực xây dựng nhà văn hóa ấp khá rộng rãi, có thể bố trí sân chơi, sân tập thể thao... Tuy nhiên, cỏ dại mọc đầy, nhiều cánh cửa kính bị nứt, vỡ, bên trong bụi bám một lớp dày, chứng tỏ nơi đây rất ít người lui tới.
Những người dân tại đây cho biết, gần như từ lúc xây dựng đến giờ, tại đây rất ít khi diễn ra các hoạt động của một “nhà văn hóa”. Một người dân bộc bạch: “Nếu không có đợt bầu cử trưởng ấp vừa qua chắc không ai biết là nhà văn hóa này còn hoạt động, vì quanh năm suốt tháng có thấy ai lui tới đâu!”.
Nhà văn hóa ấp gần như bỏ hoang.
Cần sớm khắc phục
Phong trào xây dựng NTM đang được triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, mỗi năm có nhiều nhà văn hóa ấp được xây dựng mới. Tuy vậy, có thể thấy, hầu hết các nhà văn hóa này chỉ là được xây dựng thay thế các văn phòng ấp cũ. Còn về công năng thì hầu như chưa được phát huy, thậm chí có nơi bị bỏ hoang, gây lãng phí lớn.
Theo ông Lê Tấn Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đông, trên địa bàn xã có hai nhà văn hóa ấp được xây dựng, trong đó nhà văn hóa ấp Cây Trắc là cơ bản phát huy công năng hiệu quả với việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao... như: hoạt động của câu lạc bộ đờn ca tài tử, sân chơi bóng chuyền của người dân địa phương. Duy chỉ có nhà văn hóa ấp Phước Đức B là chưa phát huy hiệu quả. Nguyên nhân là diện tích của nhà văn hóa này nhỏ hẹp, không đủ để tổ chức các hoạt động thể thao như bóng đá, bóng chuyền...
Bên cạnh đó, việc thiếu kinh phí tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ khiến người dân không mấy mặn mà khi đến nhà văn hóa ấp. Trong thời gian tới, UBND xã sẽ kêu gọi xã hội hóa tổ chức các hoạt động vui chơi văn nghệ, thể dục thể thao nhằm phát huy những giá trị của thiết chế văn hóa cơ sở, làm nơi vui chơi, giải trí có ý nghĩa cho người dân.
Còn theo ông Huỳnh Thiện Huấn, Phó Chủ tịch UBND Long Thành Nam, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, năm 2016, trên địa bàn xã đầu tư xây dựng mới 5 nhà văn hóa tại 5 ấp. Tuy nhiên, trong thực tế, hầu hết các nhà văn hóa ấp này chưa hoạt động hiệu quả như mong muốn.
Có nhiều nguyên nhân như: diện tích không gian nhà văn hóa chưa đáp ứng yêu cầu để tổ chức các hoạt động vui chơi, văn hóa, thể thao; địa phương còn khó khăn về kinh phí vận hành, tổ chức các hoạt động; chưa có cán bộ chuyên trách đảm nhiệm việc tổ chức và quản lý vận hành các nhà văn hóa mà chỉ do trưởng ấp kiêm nhiệm. Bên cạnh đó, người dân không mấy mặn mà với các hoạt động tại các nhà văn hóa ấp là do trên địa bàn huyện và TP. Tây Ninh có nhiều khu vui chơi đông vui, tiện nghi và hấp dẫn hơn.
Cũng theo ông Huấn, để phát huy hiệu quả công năng của các nhà văn hóa ấp, mỗi địa phương nên quy hoạch lại, tập trung đầu tư có trọng điểm một nhà văn hóa với đầy đủ cơ sở vật chất, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, tạo điểm nhấn, thu hút người dân tham gia, từ đó nhân rộng ra.
Có một thực tế là không chỉ ở các xã vùng sâu, vùng xa mà ngay cả ở những vùng đông dân cư thì tình trạng nhà văn hóa được xây dựng lên rồi bỏ hoang phí, hoặc chỉ sử dụng vào việc hội họp của ấp khiến người dân không khỏi băn khăn về hiệu quả của các công trình này. Do đó, có nhiều ý kiến kiến nghị, đề xuất chính quyền các địa phương cần quan tâm đầu tư xây dựng các nhà văn hóa ấp trên cơ sở phù hợp với đặc điểm, nhu cầu thực tế từng địa phương. Đồng thời, ngành Văn hóa cần có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phụ trách mảng văn hóa cơ sở để đủ khả năng đảm trách khâu quản lý, vận hành, tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao ở các nhà văn hóa ấp.
Nguồn Tây Ninh: http://baotayninh.vn/lang-phi-o-nha-van-hoa-ap-a116218.html