Lãng phí tác động xấu tới đầu tư cho văn hóa

'Trong lĩnh vực văn hóa, sự lãng phí diễn ra khá phổ biến. Điều này rất nguy hại vì tác động xấu không chỉ tới yếu tố tinh thần, mà còn cả việc đầu tư cho văn hóa' - PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chia sẻ bên lề phiên thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 ngày 31.10.

- Thảo luận tại hội trường ngày 31.10, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, sự lãng phí đang diễn ra trong nhiều lĩnh vực, ngành, địa phương. Trong lĩnh vực văn hóa, theo ông, tình trạng này thực tế ra sao?

- Có thể thấy trong lĩnh vực văn hóa, sự lãng phí cũng khá phổ biến. Ví dụ, nhiều thiết chế văn hóa mặc dù được xây dựng có thể chưa đạt như mong muốn, nhưng ít nhất cũng đạt mức độ nhất định, nhưng không được phát huy hiệu quả. Chẳng hạn, hàng loạt nhà văn hóa ở các địa phương, người ta vẫn gọi là “nhà văn khóa”, vì thường xuyên khóa cửa và không dành cho các hoạt động văn hóa. Đây là một sự lãng phí rất lớn.

Hay ở các đô thị, một số rạp chiếu phim từng huy hoàng trong quá khứ, gắn với những kỷ niệm đẹp đẽ của nhiều người khi được thưởng thức những bộ phim truyền cảm hứng. Nhưng đến bây giờ, đa số rạp ở tình trạng xập xệ, hầu như không khai thác hoặc được sử dụng cho mục đích khác. Chúng ta cũng thấy tình trạng này xảy ra ở rất nhiều thiết chế khác.

Lối sống văn hóa là gốc của chống lãng phí

Nói về giải pháp chống lãng phí, một số đại biểu Quốc hội cho rằng cần xây dựng môi trường văn hóa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chủ động, tự giác hơn để dần dần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành nề nếp, ý thức sâu rộng và bền vững. ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng: Khi chú trọng giáo dục lối sống văn hóa, văn minh chính là gốc của việc chống lãng phí, đặc biệt trong khu vực công, tiết kiệm, chống lãng phí không chỉ là việc thực thi những quy định của pháp luật mà phải trở thành lối sống của mỗi cá nhân và đây mới là gốc rễ sâu xa nhất của vấn đề. Nếu không, dù hệ thống pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí có đồng bộ, chặt chẽ đến đâu mà tiết kiệm chưa trở thành lối sống, phẩm chất của mỗi cá nhân thì chừng đó việc chấp hành vẫn chỉ mang tính chất đối phó và vẫn còn rất nhiều vi phạm.

- Từ nghiên cứu và khảo sát thực tế thời gian qua, theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn tới việc một số thiết chế văn hóa không được sử dụng, khai thác và phát huy hiệu quả?

- Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới điều này, từ việc chúng ta chưa đầu tư xứng tầm khiến các thiết chế không thể hoạt động hiệu quả được. Nhưng nguyên nhân quan trọng hơn vẫn là nhận thức và tư duy quản lý khiến cho các thiết chế này trở nên kém hiệu quả.

Chẳng hạn, nhiều nơi đang quản lý theo kiểu sáng 8 giờ sáng mở cửa, 5 giờ chiều đóng cửa, mà không quan tâm đến chuyện làm thế nào để khai thác hiệu quả, như xây dựng thương hiệu, phát triển khán giả hoặc sử dụng kỹ năng kinh doanh để phát triển các thiết chế này. Cách quản lý như vậy khiến cho các thiết chế hoạt động kém hiệu quả, dẫn đến nhiều khi xã hội có cái nhìn hơi bi quan đối với thiết chế văn hóa.

- Điều này sẽ gây ra những tác động ra sao, thưa ông?

- Như Bác Hồ từng nói thì lãng phí nhiều khi còn nguy hại hơn cả tiêu cực, vì lãng phí xảy ra ở khắp nơi. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là công việc chung của cả xã hội và có tầm quan trọng rất lớn.

Trong lĩnh vực văn hóa, lãng phí rất nguy hại vì đây là lĩnh vực tinh thần của xã hội. Khi chúng ta khơi gợi được những yếu tố tinh thần sẽ tạo ra xã hội đáng sống hơn; và ngược lại, khi thiết chế văn hóa èo uột, không phát huy được hiệu quả cũng tác động rất xấu đến tinh thần của mọi người và cả việc đầu tư cho văn hóa.

Một số nhà văn hóa bị "bỏ quên". Ảnh: baoquangninh.com.vn

Một số nhà văn hóa bị "bỏ quên". Ảnh: baoquangninh.com.vn

Khi đầu tư cho thiết chế văn hóa chưa hiệu quả như mong muốn, còn có sự lãng phí, nhiều khi sẽ hạn chế sự đầu tư. Tác động ngược chiều như thế khiến cho chúng ta phải nghĩ nhiều hơn về chuyện làm sao sửa chữa để khắc phục tình trạng lãng phí, sử dụng hiệu quả, phát huy hết được tiềm năng cơ sở vật chất của ngành văn hóa, giúp cho văn hóa phát triển hơn, tạo ra nền tảng tinh thần tốt hơn, từ đó góp phần phát triển đất nước.

- Theo ông, sự lãng phí và những nguyên nhân kể trên đã được thể hiện ra sao trong Báo cáo giám sát của Quốc hội?

- Rất nhiều nội dung trong Báo cáo giám sát của Quốc hội đã thể hiện câu chuyện đó. Ví dụ như sự xung đột, hạn chế trong hợp tác công - tư, đến từ những mâu thuẫn về luật. Trước kia các thiết chế văn hóa có hợp tác công - tư, được khai thác khá tốt, thậm chí tạo ra sự nhộn nhịp trong hoạt động ở các trung tâm văn hóa, ở các rạp chiếu phim... Nhưng thời gian gần đây lại không có được câu chuyện như thế và hạn chế ở đây đã được chỉ ra là do điều kiện hợp tác công - tư chưa tốt. Rồi cách khai thác, định giá đất, hay thương hiệu dẫn đến một số dự án gần đây của ngành văn hóa như cổ phần hóa Hãng phim Truyện Việt Nam, hay Trung tâm Triển lãm Giảng Võ, Khu liên hợp Thể thao Quốc gia Mỹ Đình... đều cho thấy bất cập trong sử dụng tài sản của Nhà nước để phát huy giá trị.

- Xin cảm ơn ông!

Ngọc Phương thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/lang-phi-tac-dong-xau-toi-dau-tu-cho-van-hoa-i305456/