Lãng phí từ dự án nuôi bò ở Bắc Kạn - Bài 1: Dự án 'bốc hơi', người dân mang nợ
'Cả ruộng ngô và vườn cây ăn quả gia đình tôi đều phá bỏ để trồng cỏ voi. Ngoài ra, chúng tôi còn vay của ngân hàng gần 100 triệu đồng để đầu tư nuôi bò. Thế nhưng cỏ đã cao quá đầu người, chuồng trại cũng đã được làm nền kiên cố mà bò thì chẳng thấy đâu', bà Ma Thị Kít (ở thôn Bản Đén 1, xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới, Bắc Kạn) buồn bã chia sẻ.
Từ Quốc lộ 3 mới, men theo con đường quanh co dưới những ngọn núi dựng đứng, chúng tôi tìm đến gia đình bà Ma Thị Kít (60 tuổi) ở thôn Bản Đén 1, xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới (Bắc Kạn). Chồng đang đi làm thuê tận Bình Phước, con cũng mỗi đứa tha hương một nơi, một mình bà Kít đang hì hục đào gốc cỏ voi trước vườn nhà.
"Trước khi tham gia Hợp tác xã (HTX) nuôi bò Mông, kinh tế gia đình tôi cũng không đến nỗi nào. Thế nhưng, toàn bộ gia sản đã dồn cho việc nuôi bò nhưng không thành công, chúng tôi lâm vào cảnh bi đát. Chồng tôi phải vào miền Nam làm thuê để có tiền trả nợ", bà Kít cho biết.
Được biết, năm 2017, UBND tỉnh Bắc Kạn chấp thuận chủ trương cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển giống bò Mông Việt Nam thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm bảo tồn gene và phát triển giống bò Mông tại huyện Chợ Mới (sau đây gọi tắt là Công ty).
Ngay sau khi được tỉnh Bắc Kạn giao đất, Công ty đã xây dựng trụ sở, văn phòng làm việc, nhà xưởng, khu chuồng nuôi nhốt bò, nhà để thiết bị chế biến thức ăn chăn nuôi, hố ủ thức ăn chăn nuôi, nhà bếp, bể chứa nước… tại xã Quảng Chu.
Thấy dự án quảng bá rầm rộ, bài bản, chính quyền địa phương cùng người dân đều tin rằng, dự án nuôi bò Mông sẽ là đòn bẩy giúp bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Quảng Chu thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Để thực hiện dự án, Công ty đã kêu gọi người dân thành lập hàng loạt HTX vệ tinh liên kết chăn nuôi bò. Bà Kít là một trong những người đầu tiên tham gia. Bà Kít thuộc HTX số 1, có 7 thành viên, đều là người Tày trong thôn Bản Đén 1.
Theo cam kết, mỗi HTX phải tự bỏ tiền làm chuồng, trồng ít nhất 10ha cỏ voi. Nếu đáp ứng đủ điều kiện ấy, phía Công ty sẽ cấp cho 50 con bò giống. Bò đẻ con đầu tiên sẽ thuộc về Công ty, từ con thứ 2 sẽ ăn chia theo tỷ lệ…
Cũng như đa số hộ dân ở trong bản ở thời điểm đó, nhà bà Kít thuộc diện hộ nghèo, tài sản lớn nhất chỉ có vườn cây ăn quả và mấy sào ngô và một ít diện tích rừng sản xuất. Để đáp ứng được yêu cầu Công ty đưa ra, nhà bà Kít đã phá hết ngô để trồng cỏ voi.
Thấy diện tích vẫn chưa đủ, bà Kít phá luôn cả vườn nhãn, vải - vốn là nguồn thu chính của gia đình để trồng cỏ. Về chuồng trại, vợ chồng bà Kít đã vay 94 triệu đồng từ ngân hàng, huy động thêm từ anh em, họ hàng.
Kỳ vọng vào dự án án lớn, các thành viên trong HTX ngày đêm trồng cỏ voi. Nhiều hộ dân chưa có điều kiện tham gia cũng không ngần ngại giúp công, giúp của, chẳng mấy chốc thôn đã có hàng chục hecta cỏ voi. Cùng với đó, nền chuồng trại cũng được xây dựng bài bản theo hướng dẫn kỹ thuật từ phía Công ty.
"Khi cỏ đã lên lút đầu người, bò vẫn chưa thấy đâu. Chúng tôi đi hỏi, phía Công ty tìm đủ lý do để thoái thác. Nhìn đồng cỏ voi xanh tốt, ai cũng sốt ruột trong khi nhà chẳng còn nguồn thu nào nữa khi toàn bộ vườn cây đã bị chặt hết, nương ngô, ruộng lúa đã chuyển sang trồng cỏ hết rồi. Kỳ vọng vào dự án thoát nghèo nhưng thoát nghèo đâu chẳng thấy, chỉ thấy kinh tế gia đình tôi trở nên bi đát hơn", bà Kít kể lại.
Khổ vì cỏ quá tốt
Ông Nông Văn Quân, Chủ nhiệm HTX số 1, nói rằng, bản thân ông cũng là nạn nhân nhưng dự án nuôi bò phá sản khiến ông cảm thấy có lỗi với người dân. Theo ông Quân, thời điểm năm 2017 khi dự án được tỉnh Bắc Kạn phê duyệt, ông đang là Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Quảng Chu.
"Là cán bộ xã có uy tín nên khi tôi kêu gọi, nhiều hộ dân đã nhiệt tình tham gia. Bản thân tôi cũng tham gia nên người dân càng thêm tin tưởng", ông Quân chia sẻ.
Sau khi thành lập HTX, ông Quân không ngừng kêu gọi các thành viên mở rộng diện tích trồng cỏ. Thôn Bản Đén 1 hầu hết diện tích là đồi núi nên thấy chỗ đất nào trống, ông Quân và thành viên HTX đều tận dụng để trồng cỏ voi.
Nếu như trước đây, người dân trồng ngô, trồng lúa, mùa được mùa mất thì cây cỏ voi lại hợp đất này nên chỉ một thời gian ngắn đã xanh mướt.
"Chờ mãi không được cấp bò giống, tôi liên tục đến công ty để hỏi. Mỗi lần, họ lại đưa ra một lý do khác nhau. Đến năm 2019, họ nói lý do dịch Covid-19 nên dự án bị chậm. Chúng tôi tin và động viên nhau chờ thêm thời gian nữa.
Thế nhưng hết dịch cũng là lúc tôi và các thành viên trong HTX đã biết mình ăn phải "chiếc bánh vẽ". Ngày 27/11/2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Kạn đã có Thông báo số 2432/TB-SKH&ĐT chấm dứt hoạt động của dự án. Người dân chúng tôi đã bị lừa một vố đau điếng", Chủ nhiệm HTX số 1 cay đắng nói.
Ông Lục Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Quảng Chu, cho biết, toàn xã đã thành lập 10 HTX liên kết để nuôi bò. Các HTX đều đã trồng cỏ, làm chuồng trại nhưng… không được cấp bò.
Theo ông Cường: "Nuôi bò Mông là dự án lớn của tỉnh và chúng tôi đã kỳ vọng rất nhiều. Xã Quảng Chu trước khi có Quốc lộ 3 mới đi qua thuộc vùng sâu, vùng xa, đời sống người dân còn rất khó khăn. Trên địa bàn có 6 dân tộc sinh sống, chiếm số đông là người Tày.
Người dân sản xuất manh mún, chăn nuôi nhỏ lẻ nên dự án nuôi bò Mông được kỳ vọng sẽ là giải pháp xóa đói giảm nghèo. Thế nhưng dự án thất bại, mang theo nỗi thất vọng cùng cực của chính quyền và người dân xã Quảng Chu".
Chủ tịch UBND xã Quảng Chu cho biết thêm, xã Quảng Chu chỉ có 900ha đất sản xuất nông nghiệp, người dân chủ yếu trồng rừng. Những năm gần đây, người dân hầu như không còn nuôi gia súc lớn, do đó, toàn bộ diện tích cỏ voi đã "nhỡ" trồng nay đều phải phá bỏ.
Tuy nhiên, theo các thành viên của các HTX, để phá bỏ hết cỏ voi không đơn giản vì đây là cây có sức sống mãnh liệt. Nhiều hộ phải thuê cả máy xúc đào gốc, sau đó đốt mới "triệt" được giống cỏ này.
"Gia đình tôi vừa phải thuê người đào bỏ nhưng vì diện tích lớn nên cũng phải nhờ các gia đình khác hỗ trợ. Đến thời điểm này, cơ bản diện tích trồng cỏ của gia đình tôi đã phá hết để lấy đất trồng keo, trồng ngô, còn lại mỗi nền chuồng bò vẫn chưa biết xử lý kiểu gì. Tôi chỉ tiếc vườn cây ăn quả trước đây mỗi năm cho thu nhập 40-50 triệu đồng nhưng giờ còn lại mỗi gốc", bà Kít tâm sự.
Nhìn lên ngôi nhà sàn cũ kỹ, xiêu vẹo, bà Kít cho hay, ngôi nhà đó đã có tuổi đời hơn 40 năm. Nếu không tham gia dự án bò Mông, có lẽ giờ này bà đã làm được nhà mới để ở. Thế nhưng, suốt những năm qua, cả gia đình bà phải làm quần quật để trả nợ.
Chồng bà - ông Ma Văn Đạt, tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng vẫn phải vào tận Bình Phước làm thuê để có tiền trả nợ. Năm ngoái, để có tiền trả nợ gốc, bà Kít đành bán hết đàn bò 8 con, từ đó cả gia đình trông chờ vào đồng lương đi làm thuê của ông Đạt.
Dẫn PV đi quanh thôn Bản Đén 1, qua những con đường vẫn xanh mướt cỏ voi, ông Quân nói rằng: "Dấu tích buồn vẫn hiện hữu. Chúng tôi mới phá hết diện tích cỏ voi trên các ruộng, còn hai bên đường hay các triền núi, bờ ruộng vẫn còn cỏ.
Chuồng bò của bà Kít, của gia đình anh Ma Văn Ích, Ma Văn Lợi… vẫn chưa xử lý. Dự án nuôi bò phá sản, Công ty rút đi trong im lặng, bỏ lại chúng tôi với nỗi buồn đến cùng cực".