Tin tức kinh tế 17/1: Việt Nam sản xuất 1 triệu hecta lúa giảm phát thải
Giá vàng trong nước tiếp đà tăng; Việt Nam sản xuất 1 triệu hecta lúa giảm phát thải; ngành thực phẩm dẫn đầu kiến nghị giảm lãi suất vay… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 17/1.
Việt Nam sản xuất 1 triệu hecta lúa giảm phát thải
Theo Bộ NN&PTNT, Việt Nam là quốc gia đầu tiên thực hiện Chương trình sản xuất lúa giảm phát thải trên quy mô lớn.
Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại Đồng bằng sông Cửu Long được thí điểm năm ngoái là đề án đầu tiên trên thế giới về sản xuất lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp ở quy mô cấp Chính phủ chỉ đạo, nên nhận được rất nhiều sự quan tâm của các đối tác quốc tế.
Nếu thực hiện thành công 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh, có thể giúp toàn ngành lúa gạo tăng giá trị thêm khoảng 21.000 tỷ đồng/năm.
Giá vàng trong nước tiếp đà tăng
Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay đã tăng 0,8% lên 2.716,91 USD/ounce.
Tại thị trường trong nước, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) công bố giá vàng miếng SJC ở mức 85,3 - 87,3 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 300.000 đồng/lượng cả chiều mua và bán so với ngày hôm qua.
Giá vàng nhẫn cũng ghi nhận mức tăng đáng kể. Tại Công ty Bảo Tín Minh Châu, giá vàng nhẫn hiện ở mức 85,45 - 86,95 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 450.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 400.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với phiên trước.
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) công bố giá vàng nhẫn ở mức 85 - 86,7 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 200.000 đồng/lượng ở cả hai chiều.
Ngành thực phẩm dẫn đầu kiến nghị giảm lãi suất vay
Theo khảo sát của Tổng cục thống kê, 42% doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất cho vay.
Cụ thể, ngành sản xuất chế biến thực phẩm hiện có tỷ lệ doanh nghiệp kiến nghị giảm lãi suất cho vay cao nhất với 50,3%. Thứ hai là ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa với 50,1%. Thứ ba là ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác với 47,3%.
Bên cạnh đó, 1/3 doanh nghiệp tham gia khảo sát kiến nghị Nhà nước cần có các biện pháp nhằm bình ổn giá nguyên vật liệu và năng lượng để doanh nghiệp yên tâm sản xuất.
Tổng cục Thống kê cũng đề xuất cải cách thủ tục hành chính bao gồm việc rút ngắn thời gian và cắt giảm quy trình xử lý thủ tục hành chính.
Các ngân hàng đang nới lỏng điều kiện cho vay với nhiều ngành
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố một số kết quả chính của cuộc điều tra xu hướng tín dụng của các Tổ chức tín dụng (TCTD) tháng 12/2024. Theo Báo cáo, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng, trong 6 tháng cuối năm 2024, các TCTD tiếp tục có xu hướng “nới lỏng” nhẹ tiêu chuẩn tín dụng tương tự như 6 tháng đầu năm 2024.
Trong đó, xu hướng “nới lỏng” nhẹ tiêu chuẩn tín dụng tiếp tục ghi nhận ở các lĩnh vực “Cho vay đầu tư ứng dụng công nghệ cao”, “Cho vay đầu tư công nghiệp hỗ trợ”, “Cho vay mua nhà để ở”, “Công nghiệp chế biến, chế tạo”, “Cho vay kinh doanh xuất nhập khẩu”, “Cho vay đầu tư, kinh doanh du lịch”, “Cho vay đầu tư ngành dịch vụ logistics”.
Xu hướng này có thể tiếp tục thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2025 đối với tất cả các nhóm khách hàng và hầu hết các lĩnh vực ngoại trừ 4 lĩnh vực “Cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản”, “Cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán”, “Cho vay kinh doanh tài chính, ngân hàng và bảo hiểm” và “Xây dựng” dự kiến vẫn tiếp tục “thắt chặt” nhưng mức độ “thắt chặt” có thể được thu hẹp hơn so với 6 tháng cuối năm 2024.
Xuất khẩu hồ tiêu năm 2025 dự báo có nhiều thuận lợi
Sản lượng hồ tiêu toàn cầu năm 2025 được dự báo tiếp tục giảm so với năm 2024, đánh dấu năm giảm thứ 4 liên tiếp kể từ năm 2022. Điều này phản ánh thực trạng cây hồ tiêu không còn là cây trồng chủ lực của nhiều nông dân, đặc biệt trong bối cảnh giá trị kinh tế của các cây trồng khác như sầu riêng, cà phê và cọ dầu gia tăng đáng kể. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu với các hiện tượng thời tiết cực đoan đã làm giảm năng suất và gia tăng chi phí duy trì sản xuất cây hồ tiêu.
Nhận định về thị trường xuất khẩu, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam Hoàng Thị Liên cho hay , năm 2024, Trung Quốc giảm nhập khẩu hồ tiêu từ Việt Nam đến 82,4% nhưng tăng nhập khẩu từ Indonesia 76,8%. Tuy nhiên, lượng nhập khẩu tăng này vẫn chưa đủ đáp ứng tổng nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc.
Tồn kho hồ tiêu tại thị trường này đang ở mức thấp, trong khi kỳ vọng giá giảm không thành hiện thực do giá duy trì ổn định ở mức 140.000 đồng/kg trong suốt 3 tháng qua. Dự báo, Trung Quốc có thể sẽ chờ đến vụ thu hoạch chính của Việt Nam (sau Tết Nguyên đán) để bắt đầu mua trở lại.
Giá hồ tiêu toàn cầu năm 2025 được kỳ vọng tiếp tục duy trì ở mức cao do nguồn cung sụt giảm, trong khi nhu cầu tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ và châu Âu vẫn ổn định. Nhu cầu sử dụng hồ tiêu trong ngành thực phẩm và chế biến gia vị vẫn là động lực chính cho thị trường.