Lạng Sơn đẩy mạnh phát triển HTX tạo sinh kế cho người dân

Nhằm tăng cường công tác giảm nghèo bền vững, tỉnh Lạng Sơn đẩy mạnh phát triển mô hình kinh tế tập thể, qua đó tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động, hướng tới giảm nghèo bền vững.

Với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, công tác giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh Lạng Sơn có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 2,54% so với năm 2023, đạt 84,7% so với mục tiêu giai đoạn 2024 - 2025.

Mục tiêu năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm từ 2 - 2,5% so với năm 2024; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo, các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao phấn đấu giảm bình quân 4% trở lên, tập trung giảm tỷ lệ hộ nghèo tại các xã xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 2 - 2,5% so với năm 2024.

Điểm sáng trong giảm nghèo

Huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn là 1 trong 74 huyện nghèo của cả nước. Nhằm giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian qua, huyện Văn Quan đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả. Các mô hình này đã tác động tích cực đến đời sống, cũng như công tác giảm nghèo của địa phương.

Đến cuối năm 2024 xã Phúc Yên (Văn Quan) còn 35 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 2,97%, (giảm 5,41% so với năm 2023).

Anh Lý Anh Tuấn, Giám đốc HTX Cao khô Chợ Bãi chia sẻ về sản phẩm với đại diện chính quyền và cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội.

Anh Lý Anh Tuấn, Giám đốc HTX Cao khô Chợ Bãi chia sẻ về sản phẩm với đại diện chính quyền và cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội.

Chia sẻ về công tác giảm nghèo ở xã, anh Triệu Văn Phương, Chủ tịch UBND xã Yên Phúc, cho biết một trong những giải pháp nghèo hiệu quả của xã Yên Phúc là đã xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, phát huy thế mạnh, văn hóa bản sắc địa phương. Điển hình như việc xây dựng HTX Cao khô Chợ Bãi và phát triển sản phẩm cao khô Chợ Bãi đạt OCOP 3 sao.

Cao khô là đặc sản và cũng là nghề truyền thống đã có hàng trăm năm của đồng bào các dân tộc nơi đây. Cao khô chợ Bãi có vị thơm, ngon đặc trưng riêng như: trắng, sáng màu gạo, hương thơm tự nhiên, sợi cao dai mềm…nên được người tiêu dùng ưa chuộng tìm mua.

Năm 2020, HTX Cao khô Chợ Bãi được thành lập với 15 thành viên. Từ đó, mọi người cùng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cao khô, tìm thị trường tiêu thụ, thiết kế, nâng cấp bao bì, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Cũng trong năm 2020 này, sản phẩm cao khô của HTX được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, thị trường tiêu thụ ngày càng được mở rộng.

Đến nay, HTX đã đầu tư máy móc như: máy nghiền bột, máy tráng bánh và máy thái bánh trị giá gần 300 triệu đồng để ngày càng chuyên nghiệp trong sản xuất. Bên cạnh đó, HTX cũng thiết kế, nâng cấp bao bì, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Bình quân mỗi ngày HTX làm từ 200 đến 300 kg gạo, tương ứng với hơn 800 đến 1.000 bó cao thành phẩm.

Nhờ làm cao khô, các thành viên trong HTX Cao khô Chợ Bãi có thu nhập ổn định. Riêng anh Lý Anh Tuấn, Giám đốc HTX có thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm và tạo việc làm ổn định cho 3-5 lao động là những nông dân trong xã.

Vận động người dân thành lập HTX

Tương tự, tại huyện Gia Bình có xã đặc biệt khó khăn là xã Hoa Thám. Những năm qua, xác định phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong mục tiêu giảm nghèo của địa phương, vì vậy chính quyền xã đã chú trọng định hướng, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất có hiệu quả.

Để đạt mục tiêu này UBND xã tuyên truyền, vận động người dân thành lập các HTX, tổ hợp tác. Hiện nay, trên địa bàn xã có 2 HTX gồm: HTX Lâm Thịnh Phát và HTX Phượng Hoàng và 9 tổ hợp tác hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực nông lâm nghiệp.

Điển hình, tại HTX Phượng Hoàng trên cơ sở nghiên cứu, học hỏi từ các mô hình trang trại kinh tế trong và ngoài tỉnh, HTX từng bước đầu tư khảo nghiệm trồng các loại cây lấy gỗ và cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: gỗ tếch, gáo vàng, bưởi Diễn, bưởi da xanh, bưởi Phúc Kiến, bơ, chanh leo….

Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, HTX đã trồng hàng chục ha cây chanh leo, xen kẽ cây bơ, trên 5.000 cây bưởi các loại và hàng nghìn cây gỗ tếch, gáo vàng…

Rừng gỗ tếch được HTX Phượng Hoàng tập trung đầu tư

Rừng gỗ tếch được HTX Phượng Hoàng tập trung đầu tư

Nhiều sản phẩm của HTX được các doanh nghiệp bao tiêu đầu ra như cây chanh leo được công ty chế biến nước giải khát tại Lạng Sơn bao tiêu. Do đó, các thành viên HTX yên tâm trồng và sản xuất. Với quy mô, quy trình chăm sóc vườn rừng, HTX thường xuyên có hàng chục lao động, nhờ đó đã tạo thêm việc làm cho bà con nhân dân tại địa phương tranh thủ mùa nông nhàn có thêm thu nhập.

Ông Lộc Văn Thạo, thôn Khuổi Pàn, xã Hoa Thám vui vẻ cho biết: Mỗi ngày công lao động được HTX trả 200 nghìn đồng, đã giúp cho gia đình tôi cải thiện cuộc sống, nuôi con cái học hành. Trong quá trình lao động cho trang trại, tôi đã học hỏi được rất nhiều biện pháp, kinh nghiệm trồng và chăm sóc vườn cây, nhờ đó tôi áp dụng và phát triển vườn rừng của gia đình nên thu nhập ngày càng cải thiện.

Bà Vy Thị Chữ, Giám đốc HTX Hữu cơ Chữ Tình, xã Hòa Bình, huyện Chi Lăng cho biết: Sau khi được Liên minh HTX tỉnh cùng các cơ quan liên quan tuyên truyền về mô hình HTX, đến tháng 4/2024, HTX được thành lập với 9 thành viên. Đến nay, ngoài 9 thành viên, HTX liên kết với 90 hộ trồng ớt và vụ ớt năm nay, HTX đã trồng được 18 ha. Do HTX đứng ra làm đầu mối phối hợp triển khai dự án với một đơn vị khác nên khi tham gia liên kết với HTX, các hộ dân được tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ 30% kinh phí giống, vật tư (trị giá khoảng 700.000 đồng/sào) và được HTX bao tiêu sản phẩm. Việc thành lập và đi vào hoạt động của HTX đã bước đầu tạo ra chuỗi giá trị trong sản xuất, đồng thời phát huy vai trò cầu nối hỗ trợ thêm nguồn lực để người dân phát triển sản xuất.

Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển HTX

Theo báo cáo, năm 2024 lĩnh vực kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh tiếp tục phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh và đạt được những kết quả tích cực. Đến ngày 31/12/2024, toàn tỉnh có 310 tổ hợp tác với tổng số 5.600 thành viên, doanh thu bình quân ước đạt 650 triệu đồng/năm; thành lập mới 68 hợp tác xã (HTX), đạt 136% kế hoạch, lũy kế đến nay toàn tỉnh có 557 HTX, tổng số thành viên là 6.350 người, doanh thu bình quân 01 HTX ước đạt 1,35 tỷ đồng/năm, trong đó có 115 HTX hoạt động khá, tốt với doanh thu trên 1,5 tỷ đồng/năm.

Đáng chú ý, các HTX ngày càng phát triển và hoạt động ổn định, góp phần nâng cao đời sống thành viên, nhiều hộ gia đình đã thoát khỏi diện hộ nghèo tại địa phương. Chẳng hạn, trên địa bàn huyện Bắc Sơn 73 HTX đăng ký hoạt động, trong đó số HTX khá, tốt chiếm trên 26%; doanh thu bình quân mỗi HTX đạt 1,85 tỷ đồng/năm, tăng gấp 2 lần năm 2021; thu nhập bình quân người lao động đạt 6 triệu đồng/tháng, tăng 1,5 triệu đồng so với năm 2021.

Ông Liễu Xuân Du, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Một trong những mục tiêu đầu tiên, quan trọng trong chương trình hỗ trợ phát triển KTTT, HTX là phát triển mới các HTX. Để phát triển mới các HTX, trong những năm qua, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các sáng lập viên thành lập các HTX.

Cùng với phát triển về số lượng, chất lượng hoạt động của các HTX cũng không ngừng được nâng lên. Năm 2024, doanh thu bình quân của HTX trên địa bàn tỉnh đạt 1,35 tỷ đồng/HTX/năm, tăng 22,7% so với năm 2021; số HTX hoạt động khá, tốt chiếm gần 25% tổng số HTX đang hoạt động; thu nhập bình quân của thành viên và người lao động trong HTX đạt từ 4 đến 8 triệu đồng/người/tháng, tăng 30% so với năm 2021.

Với những kết quả đạt được trong những năm qua, tin tưởng rằng năm 2025, lĩnh vực KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục có những bước phát triển rõ nét hơn nữa, từ đó góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội chung trên địa bàn, đặc biệt trong mục tiêu tạo công ăn việc làm ổn định cho các thành viên HTX, người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Hoàng Hà

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/lang-son-day-manh-phat-trien-htx-tao-sinh-ke-cho-nguoi-dan-1106438.html