Lạng Sơn: thực hiện các giải pháp trọng tâm để giảm tai nạn giao thông

Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu đề nghị Ban An toàn Giao thông tỉnh và các cơ quan hữu quan tập trung thực hện tốt 3 nhiệm vụ trọng tâm nhằm kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT) cả 3 tiêu chí trong thời gian tới.

Ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn - Trưởng Ban ATGT tỉnh Lạng Sơn chủ trì cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm 2024.

Ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn - Trưởng Ban ATGT tỉnh Lạng Sơn chủ trì cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm 2024.

Tình hình trật tự an toàn giao thông được đảm bảo

Trong 6 tháng đầu năm 2024, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh và Ban ATGT tỉnh Lạng Sơn, tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn tỉnh được đảm bảo. Hoạt động giao thông vận tải trên các tuyến, địa bàn cơ bản diễn ra an toàn, thông suốt, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt là các hoạt động kinh tế, du lịch, lễ hội và xuất nhập khẩu hàng hóa.

Ông Dương Công Vĩ - Phó trưởng Ban ATGT tỉnh Lạng Sơn cho biết, kết quả trên có được là do UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh đã có những chỉ đạo kịp thời, sát sao, kết hợp với tăng cường kiểm tra, đôn đốc. Cùng với đó, là sự vào cuộc nghiêm túc, nỗ lực, cố gắng của các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể xã hội tỉnh và các địa phương trong công tác triển khai, thực hiện các giải pháp bảo đảm TTATGT.

Ngay từ những tháng đầu năm, Công an tỉnh đã ban hành các kế hoạch về bảo đảm TTATGT, đặc biệt chú trọng kiểm tra và xử lý vi phạm về nồng độ cồn và ma túy. Cảnh sát giao thông đã phối hợp chặt chẽ với Thanh tra giao thông và các lực lượng chức năng khác triển khai các phương án phân luồng, điều tiết giao thông hiệu quả, đặc biệt trong các dịp lễ hội, nghỉ lễ kéo dài. Sở GTVT và các đơn vị, địa phương đã đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường.

Hình thức tuyên truyền của Ban ATGT tỉnh Lạng Sơn đa dạng, thực tế trên các nền tảng.

Hình thức tuyên truyền của Ban ATGT tỉnh Lạng Sơn đa dạng, thực tế trên các nền tảng.

Ban ATGT tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT thông qua các nền tảng mạng xã hội, truyền thanh, truyền hình, báo chí. Sự kết hợp giữa các hình thức tuyên truyền này đã nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về ATGT của người dân.

“Việc ứng dụng chuyển đổi số, truyền thông mạng xã hội, truyền thanh, truyền hình, báo chí đã góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền ATGT trong thời gian vừa qua” – ông Dương Công Vĩ nhấn mạnh.

Phấn đấu kéo giảm cả 3 tiêu chí

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm TTATGT 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh vẫn còn có hạn chế. Số vụ TNGT và số người bị thương tăng so với cùng kỳ năm 2023. Công tác tuyên truyền chưa thực sự hiệu quả, chưa đổi mới nhiều về nội dung và hình thức, đặc biệt chưa chú trọng đến người dân ở khu vực nông thôn.

Nguồn vốn dành cho đầu tư, nâng cấp, cải tạo hạ tầng giao thông còn khó khăn. Kinh phí đầu tư trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho các lực lượng chuyên trách còn hạn chế.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu, thời gian tới, để phấn đấu kéo giảm tiêu chí số người chết vì TNGT từ 5% trở lên và giảm thiểu số vụ, số người bị thương, Ban ATGT các cấp tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai kịp thời các giải pháp bảo đảm TTATGT, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện.

Hình ảnh tuyên truyền được phổ biến rộng rãi đến từng độ tuổi khi tham gia giao thông.

Hình ảnh tuyên truyền được phổ biến rộng rãi đến từng độ tuổi khi tham gia giao thông.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT, đổi mới phương pháp, nội dung để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, qua đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông của các tầng lớp Nhân dân, chú trọng tuyên truyền đến các đối tượng là người dân sinh sống ở khu vực nông thôn. Các cấp, các ngành thực hiện công tác tổng kết, đánh giá về kết quả thực hiện công tác tuyên truyền đề kịp thời có giải pháp điều chỉnh cho phù hợp.

Các lực lượng chuyên trách như Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông ban hành kế hoạch, chuyên đề cụ thể, bố trí lực lượng phù hợp đề tăng cường công tác thanh tra, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các tuyến đường, địa bàn phức tạp về đảm bảo TTATGT và các hành vi là nguyên nhân chính dẫn đến TNGT.

Ông Hồ Tiến Thiệu cho biết, cần tiếp tục quan tâm bố trí nguồn lực đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông, Sở GTVT, UBND các huyện, thành phố chủ động rà soát, kịp thời đề xuất bố trí kinh phí xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn về TNGT.

“Tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe và đăng kiểm phương tiện xe cơ giới. Tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định về quản lý phương tiện, kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh” – ông Hồ Tiến Thiệu nhấn mạnh.

Thúy Hồng

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/lang-son-thuc-hien-cac-giai-phap-trong-tam-de-giam-tai-nan-giao-thong.html