Lặng thầm đi tìm mộ liệt sĩ
Từng là người lính trải qua chiến tranh, hiểu và trân trọng tình cảm của đồng đội, nhiều năm qua cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Hóa, thị trấn Quán Lào (Yên Định) đã không quản ngại khó khăn, vất vả tìm về chiến trường xưa để thực hiện công việc thiêng liêng nhưng nặng nghĩa tình, đó là đưa đồng đội trở về với đất mẹ yêu thương.
Sau nhiều lần hẹn, tôi mới gặp được CCB Trần Văn Hóa. Bởi, công việc của ông khá bận, khi thì cùng với đồng đội thăm lại chiến trường xưa, cũng có lúc đi đến các gia đình, thân nhân liệt sĩ để thăm hỏi sức khỏe, nắm bắt thông tin những đồng đội đã hy sinh nằm lại chiến trường.
Trong câu chuyện với ông, đã giúp tôi hiểu hơn về cuộc đời và những cống hiến thầm lặng của CCB Trần Văn Hóa, thương binh 61%. Ông sinh năm 1949, quê ở xã Định Tường, nay là thị trấn Quán Lào (Yên Định). Năm 18 tuổi, cũng như bao người con quê hương xứ Thanh, thanh niên Trần Văn Hóa xung phong lên đường nhập ngũ, sau huấn luyện được bổ sung về Đại đội 4 đặc công, Trung đoàn 101, Sư đoàn 1 (sư đoàn cơ động của Bộ Tổng tham mưu quân đội Nhân dân Việt Nam), tháng 10/1973 sư đoàn giải thể, Trung đoàn 101 chuyển tên thành Lữ đoàn 101, thuộc Quân khu 9. Ông cùng đồng đội tham gia nhiều trận đánh sinh tử ở chiến trường phía Nam, như chiến đấu ở căn cứ Lộc Ninh, Bà Chiêm, đường Lệ Xuân; đường 13 Chơn Thành, Hớn Quản, tỉnh Bình Long... Sau khi thống nhất đất nước, ông tiếp tục tham gia chiến trường Campuchia.
Nhớ về những đồng đội của mình, ông Hóa nghẹn ngào: “Nhiều năm qua, tôi vẫn nhớ nguyên vẹn lời thề là ai còn sống đến ngày hòa bình thì phải có trách nhiệm đưa những người đã hy sinh về với người thân. Khi chưa thực hiện được lời hứa đó, cứ day dứt mãi trong tôi, nhiều đêm đang ngủ, tôi giật mình nghe thấy tiếng đồng đội gọi... Đó là điều tôi luôn trăn trở và quyết tâm tìm những nơi đồng đội đã hy sinh, đưa các anh trở về với đất mẹ”.
Cứ như vậy, cùng với việc hướng dẫn gia đình của liệt sĩ tìm mộ qua điện thoại, ông Hóa cũng đã có nhiều chuyến đi trở về chiến trường xưa, làm việc với các cơ quan, ban, ngành và thân nhân gia đình liệt sĩ. Chuyến đi đầu tiên của ông bắt đầu vào năm 2011 đã để lại cho ông nhiều cảm xúc khó quên. Mặc dù đã ghi chép, vẽ sơ đồ cẩn thận từng vị trí chôn cất của đồng đội mình trong cuốn sổ tay, thế nhưng nhiều năm trôi qua, địa hình ở đây cũng có nhiều thay đổi. Vì vậy, việc tìm kiếm cũng gặp không ít khó khăn; có phần mộ đang được chôn cất trên đất thổ cư của người dân... Thế nhưng, khi biết việc làm ý nghĩa này, nhiều người dân nhiệt tình giúp đỡ các ban, ngành, đoàn thể tìm chính xác 18 ngôi mộ đưa về an táng tại nghĩa trang quê nhà.
Ông Hóa cho biết: “Từ năm 2011 đến nay tôi đã tìm được 35 mộ liệt sĩ, có trường hợp tôi còn trực tiếp đưa đồng đội của mình trở về quê. Tôi không thể quên được những giọt nước mắt, niềm hạnh phúc của những người mẹ, người vợ khi đón người thân của mình. Trong trái tim tôi luôn nhớ rất rõ từng hình dáng, tiếng nói, nụ cười, kỷ niệm cũng như lời thề với các đồng đội mình và mỗi lần tìm thêm được một ngôi mộ liệt sĩ, tôi lại thấy nhẹ lòng hơn rất nhiều”.
Ngoài ra, trên cương vị là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Y dược Trí Đức Thành, trong những năm qua, ông Hóa đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm tri ân thương, bệnh binh cũng như các gia đình thân nhân liệt sĩ. Đặc biệt, từ năm 2023 công ty đưa ra chủ trương tri ân cho các thương, bệnh binh, bố mẹ, con em liệt sĩ được hưởng miễn tiền viện phí phát sinh và cấp 2 bữa cơm miễn phí trong quá trình điều trị tại bệnh viện Trí Đức Thành, được toàn thể cán bộ, công nhân viên đồng tình ủng hộ và thực hiện tốt.
“Ngày nào còn sống, tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan, thân thân gia đình liệt sĩ để làm cầu nối, cung cấp thông tin, giúp ích cho việc tìm kiếm, ước nguyện ngày càng có nhiều đồng đội đã hy sinh trong chiến trường trở về với quê hương. Ngày nào còn sống, ngày đó tôi còn đi tìm đồng đội...” - ông Trần Văn Hóa trải lòng.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/lang-tham-di-tim-mo-liet-si-219579.htm