Lang thang với đá trông chồng

Vọng phu thạch - Đá trông chồng gắn liền với nhiều sự tích về người vợ bồng con lên non ngóng đợi chồng về đến mỏi mòn rồi hóa đá mà ngàn năm sau, bóng chồng vẫn mù tăm,...

1. Thuở còn thơ, tôi đã nghe mẹ kể sự tích Đá Vọng Phu trên núi Bà Bình Định. Từ làng tôi trông lên vẫn thấy hòn đá hình mẹ bồng con ấy nhưng đi tới đó không phải dễ. Bây giờ, có biết bao danh lam, thắng cảnh núi Bà đã mở đường cho du lịch. Khách ngắm đá Vọng Phu với sự tích: Ngày xửa ngày xưa, khi còn bé, anh trai cầm rựa vạt mía cho em gái ăn, không may rựa mổ trúng đầu em phun máu, ngất xỉu. Anh hoảng hốt quăng rựa, chạy trốn. Vợ chồng ông chài về, cấp cứu con gái, rồi tung người đi kiếm con trai, nhưng bặt vô âm tín. Rồi hai vợ chồng ông chài nối nhau qua đời, con gái lưu lạc gầm trời góc biển. Lớn lên, cô lấy một chàng ngư phủ làm chồng, đẻ một con trai. Một hôm chồng bắt chấy cho vợ, thấy đầu vợ có vết sẹo to, bèn hỏi cớ sự. Vợ kể lại nguồn cơn…

Chồng bật nhớ: Vết sẹo này do mình vạt mía gây ra! Đây chính là em gái của mình! Chồng xiết bao đau xót, hối hận, lặng lẽ lấy đồ đi biển. Từ đó biệt tăm. Vợ ở nhà chờ chồng. Rồi bế con lên núi đứng ngóng ra biển mà trông chồng về. Sóng gió mịt mù, bóng chồng nơi đâu? Dòng thời gian hờ hững trôi mải miết. Tóc vợ dần bạc phơ, vẫn bế con đứng đợi chồng về, để rồi hai mẹ con cùng hóa đá, ngàn năm mây trắng bay qua…

Nhà thơ Trường Xuyên trong một lần nhìn đá mà xao xuyến hồn thơ, vịnh rằng: Chồng đi biệt tích tự bao giờ/ Một góc trời Nam vững dạ chờ/ Lụy nhớ mưa ngàn tuôn nượp nượp/ Tóc thề mây núi bạc phơ phơ/ Non chồng nghĩa nặng cao vòi vọi/ Nước vướng tình sâu chảy lững lờ/ Dâu biển đã bao đời kiếp trải/ Lòng son một tấm mãi trơ trơ…

(Ảnh Internet)

(Ảnh Internet)

2. Đá Vọng Phu Thanh Hóa cũng có sự tích hai anh em ruột lấy nhau: Do một tai nạn bất ngờ ập xuống mà hai anh em chạy lạc nhau. Nhiều năm sau, đôi trẻ lớn lên, tình cờ đất khách gặp lại mà không nhìn ra nhau nên thành chồng vợ. Sau khi sinh được một bé trai, ngẫu nhiên chồng nhận ra vợ là em gái ruột của mình nên xiết bao đau xót, lặng lẽ rời đi mà không cho vợ biết. Ở nhà, vợ trông đợi mỏi mòn năm chầy tháng lụn, không thấy chồng về. Rồi vợ bế con lên non ngóng đợi, lâu ngày hóa kiếp thành đá trông chồng để còn mãi với núi non…

3. Hòn Vọng Phu Lạng Sơn như một thiên tình sử, bi tráng mà trữ tình sau khi nhạc sĩ tài hoa Lê Thương phổ nhạc với giai điệu và lời ca đầy chất sử thi: Chiến tranh vừa bùng nổ. Lệnh vua hành quân. Cờ dong trống giục dậy trời. Tráng sĩ lên yên. Vó ngựa phi theo đoàn quân. Vợ bế con ngó theo. “Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy/ Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu” (Chinh phụ ngâm). Từ đó, dòng thời gian mãi hững hờ trôi mà chinh phu không hẹn ngày về. Bên man khê còn tung gió bụi mịt mùng/Bên Tiêu Tương còn thương tiếc muôn ngàn trùng/ Người không rời khỏi kiếp gian nan/ Người biến thành tượng đá ôm con… Từng giai điệu Hòn Vọng Phu như xoáy vào lòng người rưng rưng bao niềm thương cảm…

Về sau, nhà thơ Đặng Lý Khê cũng có bài thơ vịnh đá Vọng Phu Lạng Sơn: Ngọn núi như in chiếc bóng lồng/ Ấy nàng Tô Thị đứng trông chồng/ Xa xôi dặm liễu chàng đâu tá?/ Sừng sững đầu non thiếp nhớ mong/ Chỉ núi thề non lòng chẳng chuyển/ Tắm mưa gội gió tiết càng trong/ Núi sao lại đứng như người nhỉ/ Bia miệng nghìn thu chuyện có, không.

Ba sự tích Đá Vọng Phu đều đề cao người vợ dù còn rất trẻ vẫn cứ chờ chồng. Cuối cùng, chỉ có hóa đá mới tồn tại vĩnh hằng với thời gian. Đá trông chồng trở thành biểu tượng người vợ chính chuyên chung thủy với chồng, luôn “… nguyện cho chàng/ Hai chữ bình an/ Trở lại gia đàng/ Cho én nhạn hiệp đôi” (Dạ cổ hoài lang - Cao Văn Lầu)./.

Tản bút của Quang Hảo

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/lang-thang-voi-da-trong-chong-a117779.html