Làng thuần hóa… 'thủy quái'
Được giá nhất trong các loài thủy sản đánh bắt được trên sông Lô là cá chiên, tương truyền là đặc sản tiến vua.
Sinh sống trên dòng sông Lô, cha truyền con nối “lấy ngư làm nghiệp” bao đời, nhiều tay chài lưới làng Vân Tập, xã Hợp Nhất, huyện Đoan Hùng (Phú Thọ) từng là “sát thủ” của “thủy quái vùng nước ngọt”.
Thế nhưng, bây giờ họ đã trở thành tỷ phú có nguồn thu nhập lớn, ổn định nhờ “thuần hóa” thành công, tạo dựng thương hiệu sản phẩm cá đặc sản quý hiếm…
Thợ săn “thủy quái”
Bước sang tuổi 48, anh Nguyễn Văn Hòa vẫn giữ được vóc dáng vạm vỡ, cơ thể săn chắc, đôi tay khéo léo, nhanh nhẹn và giọng nói sang sảng của những người đã quen với công việc nặng nhọc, vất vả.
Cũng như phần lớn đàn ông ở làng chài Vân Tập, sinh ra trên sông nước, bơi lặn như rái cá từ lúc mới cứng chân dẻo tay, công việc gắn bó, quen thuộc đến thành thạo nhất của anh Hòa là chèo thuyền, quăng lưới, thả câu, lặn ngụp đánh bắt cá.
Thời gian ở trên sông nước nhiều hơn trên cạn, anh Hòa thuộc dòng chảy, độ nông sâu, mỗi ngầm đá, khe vực nơi dòng Lô hòa mình cùng sông Chảy như trong lòng bàn tay.
Thậm chí, chỉ cần nghe hướng gió, ngửi mùi nước, ngắm nhìn dòng chảy là anh đã có thể đoán định cá đi ăn nhiều hay ít, tập trung ở khu vực nào, thời điểm nào nên quăng lưới, thả câu để có thể bắt được nhiều cá nhất.
Cả gia đình chẵn mười nhân khẩu sống dựa cả vào nguồn lợi thủy sản đánh bắt được trên sông Lô, khoảng hai thập niên trước, bố con anh nổi danh sát cá khắp vùng.
Mờ đất hôm nào cập bến, khoang thuyền nan nhà anh cũng ăm ắp đủ loại cá tôm. Lắm hôm, chẳng cần mẹ và chị gái phải mang ra chợ bán mà dân buôn đứng đợi luôn ở bến sông, phân loại, mua toàn bộ thành quả đánh bắt được.
Được giá nhất trong các loài thủy sản đánh bắt được trên sông Lô là cá chiên, tương truyền là đặc sản tiến vua bởi chất lượng thịt được đánh giá là thuộc hàng đầu trong những loại cá nước ngọt.
Cá chiên có màu vàng như ướp nghệ, chỉ có đúng xương sống chạy dọc sống lưng và không có xương dăm. Con càng to thì thịt càng chắc, ăn rất giòn, ngon. Đặc biệt, loài cá này có bộ lòng to, dày như dạ dày lợn, giòn sần sật. Thế nên, đây cũng là loại cá mà những ngư dân như anh Hòa dồn tâm sức săn lùng.
Dân chài lưới Vân Tập hầu như ai cũng thường xuyên bắt được cá chiên nhưng để bắt được những con to với số lượng nhiều thì chẳng mấy người. Bởi lẽ loài “thủy quái” này quen sống ở vùng nước sâu, chảy xiết, trong các hang, hốc đá, lại hung dữ, răng sắc như dao lam nên không phải tay chài lưới nào cũng có thể khuất phục.
Hơn nữa, chim trời cá nước, nghề ăn lộc sông cũng phải có cái duyên, hay còn gọi là “sát cá”, không phải cứ muốn là được. Khỏe mạnh, thông thạo sông nước, đã nhiều lần anh Hòa bắt được những con cá chiên nặng 30 - 40kg trước sự trầm trồ, thán phục của anh em làng chài…
Cá ngày càng ít, quanh quẩn mãi trên dòng Lô cũng dần nhàm chán, năm 2006, nghe theo lời bè bạn, anh Hòa mang đồ chài lưới bắt xe ngược Tuyên Quang tới hồ Na Hang gia nhập Hợp tác xã Đánh bắt thủy sản. Hồ rộng, nước sâu, mỗi ngày anh em trong hợp tác xã đánh bắt được cả tạ cá chiên, nhiều con nặng cả yến.
Có lần, anh Hòa quăng lưới và may mắn bắt được con cá chiên nặng 44kg, to nhất mà dân chài lưới Na Hang từng bắt được. Mấy anh em vật vã cả buổi mới đưa được con cá quẫy khỏe như thuồng luồng trong truyền thuyết lên bờ.
Dân làng nghe tin, kéo nhau đến xem rồi lắc đầu, lè lưỡi trước con cá dài thượt, đầu to kỳ dị, râu dài cong vút, thân mốc thếch loang lổ rêu xanh…
“Ngũ quý hà thủy”
Hình thù cổ quái, thân mình loang đốm đen cùng xanh rêu, đầu to kỳ dị, cá ké hay còn được biết đến với tên gọi thông dụng khác là cá chiên. Loài cá da trơn này có thể đạt tới kích thước 50 - 60kg khi trưởng thành và thường được dân chài lưới mệnh danh là “thủy quái vùng nước ngọt” hay “chúa tể lòng sông” vì bản tính hung dữ, ưa sống ở vùng nước xiết, cạnh hang hốc, ghềnh đá cheo leo…
Sau gần 14 năm chài lưới trên hồ Na Hang, anh Hòa đã tiết kiệm được số vốn kha khá và quan trọng hơn là đã học hỏi được nhiều kiến thức, kinh nghiệm về việc khai thác giống, tập tính, đặc điểm sinh học của cá chiên. Vì vậy, anh quyết định sẽ đầu tư, lập nghiệp, làm giàu từ loại cá đặc sản này.
Về quê, anh dồn vốn đóng lồng sắt, đưa ra khúc sông Lô sát nhà, dựng chòi ở và bắt đầu giong thuyền thả câu bắt cá giống trong ánh mắt nghi ngại của không ít người dân trong làng.
Bởi lẽ, cá lồng thì dọc dải sông Lô nhiều người đã nuôi nhưng là các giống lăng, trắm, chép, mè hay diêu hồng, rô phi chứ chưa thấy ai nuôi cá chiên bao giờ.
Được dân gian liệt vào hàng “Ngũ quý hà thủy” (gồm cá anh vũ, dầm xanh, lăng, chiên và cá bỗng là năm loại cá quý của các dòng sông phía Bắc), mặc dù giá thành cao nhưng cá chiên rất kén chọn thức ăn, lớn chậm, nhạy cảm với nhiệt độ, nguồn nước, dòng chảy… nên rất khó để nuôi thả số lượng lớn.
Hơn nữa, gần đây mới nghe phong thanh mạn Bắc Ninh, Bắc Giang có cơ sở nghiên cứu sản xuất được cá giống chứ trước nay chưa có ai cung cấp nguồn cá chiên giống bao giờ…
Giong thuyền xuôi ngược khắp các khúc sông với hàng nghìn lưỡi câu nhỏ, mỗi ngày, anh Hòa cũng bắt được khoảng 3 - 5kg cá chiên có kích cỡ bằng đầu ngón tay mang về làm cá giống.
Các loại cá tôm khác đánh bắt được phần mang ra chợ thêm chi phí sinh hoạt, loại kém hơn dùng làm thức ăn cho đàn “thủy quái” đủ các kích cỡ. Cứ lấy ngắn nuôi dài, chẳng mấy chốc anh đã có đàn cá chiên mấy trăm con kích cỡ 2 - 4kg có thể xuất bán dần.
Búng tay vào cửa lồng gọi đàn cá quen tín hiệu cho ăn quẫy nước đen đặc, anh Hòa chia sẻ: “Giống này khỏe, sức đề kháng tốt rất hiếm khi nhiễm bệnh nhưng lại khảnh ăn, kén môi trường sống.
Không thể dùng cám công nghiệp như các loài cá thông thường, số lượng tôm cá đánh bắt hàng ngày không đủ, tôi phải đặt mua tép dầu từ hồ Na Hang (Tuyên Quang), hồ Thác Bà (Yên Bái) với số lượng vài tạ mỗi lần mới đủ thức ăn cho hai chục lồng cá.
Quan trọng nhất là phải hiểu đặc tính sinh học của cá chiên, tùy thời tiết nóng, lạnh, mùa nước cạn, đầy mà lựa đưa lồng cá ra xa hay gần bờ, đón hay tránh dòng chảy trực diện. Nếu suôn sẻ, sau hơn hai năm, có thể xuất bán…”.
Được thị trường ưa chuộng, cá chiên có giá bán cao hơn hẳn các giống cá thông thường, hiện khoảng 600 - 700 nghìn đồng mỗi cân. Thế nên rất hiếm người dân mua về ăn mà chủ yếu là nhà hàng, khách sạn đến đặt. Người nọ mách bảo người kia, cá chiên nhà anh Hòa giờ đã có tiếng khắp các vùng miền.
Cá lớn đến đâu là có khách về đặt mua hết đến đấy, chưa khi nào tồn ứ. Hiện tại, gia đình anh có 20 lồng cá đủ các kích cỡ, trong đó có 10 lồng có tổng số lượng khoảng 1.000 con, trọng lượng 3 - 4 kg mỗi con đã có thể xuất bán. Trừ chi phí, mỗi năm loài “thủy quái” này mang về cho gia đình anh nguồn thu ổn định khoảng 600 triệu đồng.
Nhận thấy nguồn lợi lớn từ giống cá đặc sản, nhiều gia đình quen nghề chài lưới ở Vân Tập cũng đầu tư đóng lồng, kiếm cá chiên giống về nuôi. Cả khu hiện có hơn 30 lồng cá trải dọc theo bờ sông Lô.
Tuy nhiên, do không có thị trường cung cấp ổn định, nguồn cá giống chỉ có được từ câu bắt ngoài tự nhiên và quá trình thuần giống cũng rất khó khăn.
Người giàu kinh nghiệm thì mỗi yến cá chiên kích cỡ nhỏ câu được cũng chỉ có thể thuần giống được 3 - 4kg quen với điều kiện nuôi nhốt. Thế nên giá cá chiên giống giờ còn cao hơn cả cá thương phẩm.
Bí thư Đảng ủy xã Hợp Nhất Đỗ Quốc Hưng cho biết, khu Vân Tập hiện có 53 hộ với 215 nhân khẩu, đa số là đồng bào công giáo, sống chủ yếu dựa vào sông nước.
Thời gian gần đây, nhiều hộ đã đầu tư nuôi cá lồng trên sông với giống cá chiên đặc sản cho thu nhập ổn định. Nhiều gia đình có cuộc sống khá giả nhờ nuôi cá chiên đặc sản. So với các khu dân dư trong xã, người dân Vân Tập có kinh tế gia đình khá hơn cả.
Đảng bộ, chính quyền xã đã tìm hiểu, định hướng, tạo điều kiện thuận lợi để các hộ phát triển nghề nuôi cá chiên đặc sản. Trong thời gian tới, xã sẽ giúp bà con xây dựng thương hiệu, kết nối thị trường tiêu thụ…
Và như thế, “thủy quái” thuộc “Ngũ quý hà thủy” giờ đã và đang trở thành hướng mở triển vọng giúp ngư dân Vân Tập trở thành tỷ phú trên dòng sông Lô thân thuộc.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/lang-thuan-hoa-thuy-quai-post625982.html