Làng trồng lá mùng năm bán dịp Tết Đoan Ngọ ở xứ Quảng

Vào dịp Tết Đoan Ngọ, người dân Quảng Nam thường mua một ít lá mùng năm gồm các loại cây lá thuốc Nam để uống thay trà như một phương thuốc dân gian. Cũng nhờ trồng để bán loại lá này, nhiều nông dân thu lời hàng chục triệu đồng, hiệu quả hơn trồng hoa màu thông thường.

Vựa lá mùng năm của xứ Quảng

Làng Trà Đóa (xã Bình Đào, huyện Thăng Bình) là vùng trồng chuyên canh lá mùng năm nổi tiếng ở Quảng Nam. Nơi đây là vựa lá cung cấp gần như hầu hết cho các chợ phía Nam của tỉnh Quảng Nam như Thăng Bình, Tam Kỳ, Phú Ninh... Lá mùng năm là tổng hợp của nhiều loại cây, lá thuốc Nam. Ở làng Trà Đóa, loại cây được trồng chủ yếu và được tiêu thụ mạnh là Đậu sen, Cườm gạo, hoa Khóm, Hoắc hương, Rẻ quạt, Tía tô….

 Cả xã Bình Đào (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) có khoảng 100 hộ dân trồng lá mùng năm với diện tích 10ha. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

Cả xã Bình Đào (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) có khoảng 100 hộ dân trồng lá mùng năm với diện tích 10ha. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

Clip Người dân thu hoạch, phân loại lá mùng năm để thương lái đến thu mua

Gọi là lá mùng năm vì theo quan niệm của người Quảng Nam các loại lá này sẽ được đem ra phơi vào dịp chính Ngọ (12 giờ trưa) của thời điểm mùng năm tháng năm âm lịch. Nước nấu từ các loại lá này giúp thanh lọc cơ thể, giảm đau ốm. Lá sau khi phơi khô, nấu lên như trà có vị thơm nhẹ của thuốc Nam, uống vào có vị chát, ngọt hòa quyện.

Đang tranh thủ phân loại lá cho các thương lái, bà Nguyễn Thị Xuân (55 tuổi, trú thôn Trà Đóa 1) cho biết, nghề trồng lá thuốc Nam ở khu vực được truyền từ nhiều đời nay. Cứ đến cuối tháng Chạp, đầu tháng Giêng âm lịch thì gần 100 hộ dân nơi đây lại bắt đầu xuống giống ươm trồng các loại lá thuốc trên diện tích khoảng 10ha.

“Cũng không rõ nghề này có từ bao giờ, chỉ biết giống được truyền từ đời này sang đời khác. Mà chỉ mỗi khu vực xã Bình Đào này trồng tốt. Nhiều người đem giống về trồng ở bãi bồi xã Bình Triều chỉ cách một con sông, khi trồng cũng tốt mà lại không thơm bằng nên lá mùng năm ở chỗ tôi được nhiều người ưa chuộng”, bà Nguyễn Thị Xuân nói.

 Bà Nguyễn Thị Xuân có hơn 1 sào trồng lá được thương lái dặn mua từ đầu vụ, chỉ cần nhổ lên phân loại là có người đến tận nhà thu mua. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

Bà Nguyễn Thị Xuân có hơn 1 sào trồng lá được thương lái dặn mua từ đầu vụ, chỉ cần nhổ lên phân loại là có người đến tận nhà thu mua. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

Những loại cây này không phải tốn tiền để bơm thuốc hay phân hóa học mà dùng phân chuồng hữu cơ, chỉ tốn nhiều nhất là công chăm sóc. Nhiều loại không chịu được nước như Hoắc hương khi mưa phải tháo nước trong ruộng nếu không sẽ bị ngập úng, có loại phải phủ bạt che nếu trời nắng quá gắt như tháng 4 vừa qua. Bù lại các loại lá mùng năm này luôn trong tình trạng “cháy hàng”, có bao nhiêu sẽ được thương lái thu mua bấy nhiêu, giá lại cao hơn trồng lúa.

 Năm nay, ông Đỗ Văn Lại thu được 45 triệu đồng từ việc trồng lá mùng năm. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

Năm nay, ông Đỗ Văn Lại thu được 45 triệu đồng từ việc trồng lá mùng năm. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

Ông Đỗ Văn Lại (48 tuổi) có hơn 3 sào đất trồng cây lá mùng năm. Chỉ cần nhổ lá lên về nhà phân loại, cột theo từng bó, có loại phơi khô, là thương lái đến tận nhà thu mua. Năm nay trừ hết chi phí, gia đình ông thu được 45 triệu đồng, ai nấy đều phấn khởi. Ruộng sau thu hoạch thì lại trồng hoa màu vụ Hè – Thu.

Thu nhập khá

Theo bà Nguyễn Thị Xuân, trồng các cây lá mùng năm cho thu nhập khá. Như cây Hoắc hương hoặc Tía tô ở dạng tươi, thương lái vào mua tận nhà chừng 10.000 đồng/ký, hoa Khóm 20.000 đồng/ký. Còn khi qua mùa lá mùng năm những có loại này vẫn trồng được như Hoắc hương cũng bán được 40.000 đồng/ký lá khô cho các hiệu thuốc Đông y. Mỗi sào bán cho thương lái sau khi trừ chi phí cũng thu về được chừng 15 triệu đồng.

 Bà Hồ Thị Đồng có thâm niên hàng chục năm trong nghề bán lá mùng năm. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

Bà Hồ Thị Đồng có thâm niên hàng chục năm trong nghề bán lá mùng năm. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

Còn như nhà bà Hồ Thị Đồng, có nghề chính là bán rau ở chợ xã Bình Giang (huyện Thăng Bình) nhưng ở nhà cũng tranh thủ trồng thêm 1,5 sào các loại cây lá này. Lá ở nhà bán không đủ, cứ đến gần Tết Đoan Ngọ, bà lại nghỉ bán rau ở chợ rồi đi rảo khắp các con đường ở xã Bình Đào thu gom lá để bán kiếm lời.

Chồng con bà dịp này cũng gác lại công việc để phụ bà sơ chế lá theo bó tươi, có loại thì phơi bán ký khắp các bạn hàng ở Thăng Bình, Tam Kỳ. Mỗi ký lá bà Đồng lời khoảng 1.000- 2000 đồng, bán từ cuối tháng 4 âm lịch đến ngày mùng 5 tháng 5 là nghỉ.

 Nhiều loại lá sẽ được phơi khô bán ký cho người có nhu cầu với giá chừng 100.000 đồng/ký để uống quanh năm. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

Nhiều loại lá sẽ được phơi khô bán ký cho người có nhu cầu với giá chừng 100.000 đồng/ký để uống quanh năm. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

“Tôi bán lá mùng năm đến nay cũng được mấy chục năm rồi. Năm nay nhu cầu mua lá mùng năm rất lớn, các hàng quán ở TP Tam Kỳ đặt mua nhiều lắm nên được giá. Việc tuy vất vả nhưng bù lại có thu nhập khá, có ngày lời tiền triệu. Năm nay, riêng lá trồng ở nhà bán đã được hơn 20 triệu đồng rồi”, bà Đồng cười khoe.

 Nhiều hộ dân ở xã Bình Đào đã chuyển đổi diện tích trồng hoa màu kém chất lượng sang loại cây trồng này. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

Nhiều hộ dân ở xã Bình Đào đã chuyển đổi diện tích trồng hoa màu kém chất lượng sang loại cây trồng này. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

Những năm trở lại đây, nhiều người quay về với các thức uống từ cây, lá thiên nhiên, kèm theo đường xá thuận lợi đã giúp cho lá mùng 5 xã Bình Đào luôn trong tình trạng “cháy hàng”. Bán được giá, tiêu thụ mạnh, nhiều người dân đã chuyển đổi nhiều diện tích trồng hoa màu, lúa vụ Đông - Xuân kém hiệu quả sang trồng các loại lá này. Có gia đình đầu tư 1 mẫu đất trồng lá mùng năm, thu về gần 150 triệu đồng sau khi trừ các chi phí.

NGUYỄN CƯỜNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/lang-trong-la-mung-nam-ban-dip-tet-doan-ngo-o-xu-quang-post743881.html