Lăng vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành - Dấu ấn linh thiêng giữa non nước cố đô Hoa Lư
Nằm giữa quần thể di tích Cố đô Hoa Lư, hai lăng mộ của vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành được tọa lạc tại khu vực núi Mã Yên - một ngọn núi thiêng mang hình dáng như yên ngựa, nơi được coi là 'Tiền án' che chở cho đền thờ vua Đinh. Không chỉ là nơi an nghỉ vĩnh hằng của hai vị anh hùng dân tộc, lăng vua Đinh và vua Lê còn là những chứng tích sống động của lịch sử, văn hóa và tâm linh Việt Nam.
Phía sau long sàng - nơi đặt tượng thờ và bài vị là khu vực điện thờ Vua Đinh Tiên Hoàng, được bố trí theo lối kiến trúc truyền thống, gồm ba phần chính: Bái Đường, Thiêu Hương, và Chính Cung
Ngọn núi thiêng giữa lòng cố đô
Núi Mã Yên cao khoảng 80 mét, có hình thế tựa yên ngựa, ẩn chứa vẻ đẹp hùng vĩ, thơ mộng và linh thiêng. Du khách phải vượt qua hơn 200 bậc đá để lên đến đỉnh núi, nơi có thể phóng tầm mắt chiêm ngưỡng toàn cảnh vùng đất cố đô - nơi núi non trùng điệp hòa quyện với sông nước, ruộng đồng và làng mạc tạo nên bức tranh phong cảnh hữu tình, đậm sắc hồn xứ sở.
Trong thế kỷ X, dưới thời nhà Đinh và Tiền Lê, núi Mã Yên nằm trong khu Thành ngoại của kinh đô Hoa Lư, giữ vị trí chiến lược đặc biệt. Phía tây là dãy Đại Vân như bức tường thành thiên nhiên vững chắc bảo vệ trung tâm kinh đô. Phía đông núi nối liền với đoạn tường thành Vầu - công trình phòng thủ nhân tạo thời Đinh, dẫn sang dãy núi Ngũ Phong Sơn kỳ vĩ. Phía bắc là dòng sông Hoàng Long uốn lượn, gắn liền với tuổi thơ của vua Đinh Bộ Lĩnh và nhiều sự kiện trọng đại của quốc gia Đại Cồ Việt. Tất cả tạo nên thế đất "tụ thủy - tụ sơn", hội tụ linh khí cho đất đế vương.
Sau khi vua Đinh Tiên Hoàng băng hà năm Kỷ Mão (979), linh cữu của Tiên đế được quần thần đưa về an táng trên đỉnh núi Mã Yên - biểu tượng tinh thần thượng võ của nhà vua. Sách Đại Việt sử ký toàn thư có ghi: “Rước linh cữu của Tiên Hoàng đế về chôn ở sơn lăng Trường Yên”. Nơi đây được coi là “huyệt đế vương” - địa thế thiêng liêng dành cho các bậc quân vương.
Sau này, khi vua Lê Đại Hành băng hà vào năm Ất Tỵ (1005), ngài được an táng ở phía nam dưới chân núi Mã Yên. Lăng tựa lưng vào núi, tả hữu có hai dãy núi chạy song song như tay ngai đế vương, nên còn được gọi là Hoàn Ỷ Sơn. Đại Việt sử ký toàn thư cũng chép rõ: “Ất Tỵ, năm thứ 12 (1005), mùa xuân, tháng ba, vua băng ở điện Trường Xuân gọi là Đại Hành Hoàng đế... chôn ở sơn lăng châu Trường Yên”.
Theo quan niệm phong thủy cổ truyền, vị trí đặt hai lăng đều được chọn lọc kỹ lưỡng, mang thế "tựa sơn hướng thủy", vừa vững chãi vừa linh ứng, thể hiện lòng tôn kính và biết ơn đối với hai vị vua đã có công dựng và giữ nước trong buổi đầu độc lập của dân tộc.

Từ độ cao lý tưởng trên đỉnh núi Mã Yên hoặc qua những thước phim flycam, toàn cảnh đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng hiện lên uy nghiêm giữa lòng thung lũng Trường Yên - như một đóa sen trầm mặc nở giữa đất trời cố đô. Quần thể kiến trúc đền tọa lạc trong không gian rộng lớn, được bao bọc bởi núi non trùng điệp và những rặng cây cổ thụ xanh ngát, tạo nên thế phong thủy “tiền thủy hậu sơn”, vững chãi và linh thiêng
Kiến trúc cổ kính và giá trị lịch sử
Lăng vua Đinh được xây trên nền đất bằng phẳng, theo kiểu kiến trúc cuốn vòm, phía trước có bia đá lớn ghi lại quá trình xây dựng và trùng tu. Hoa văn trang trí “lưỡng long chầu nguyệt” trên lăng mang biểu tượng quyền lực và sự vĩnh hằng. Văn bia cho biết: “Đinh triều Tiên Hoàng đế chi lăng, Minh Mệnh nhị thập nhất niên, ngũ nguyệt, sơ nhị nhật, phụng sắc kiến” - tức lăng được vua Minh Mệnh cho xây dựng vào ngày 2 tháng 5 năm 1840. Đến triều vua Hàm Nghi, lăng được trùng tu vào ngày 24 tháng 9 năm 1885, như văn bia ghi lại: “Hàm Nghi nguyên niên, cửu nguyệt, nhị thập tứ nhật trùng tu Tiên đế lăng”.
Lăng vua Lê Đại Hành nằm trong khuôn viên rộng lớn, quay mặt ra cánh đồng xứ Hậu Đường. Bao quanh là tường hoa xây bằng gạch đá, kiến trúc lăng cũng theo kiểu cuốn vòm, trang trí họa tiết “lưỡng long chầu lá đề” và mặt hổ phù - biểu tượng canh giữ linh thiêng. Trên một mỏm đá cao sát chân núi phía sau lăng có dựng một văn bia đá cổ, nội dung ghi: “Lê Đại Hành hoàng đế lăng, Minh Mệnh nhị thập nhất niên, ngũ nguyệt, sơ nhị nhật, sắc kiến”, xác nhận lăng cũng được khởi công dưới triều vua Minh Mệnh năm 1840.
Những dấu tích vật chất này không chỉ là minh chứng cho lòng tri ân hậu thế mà còn là di sản quý giá để nghiên cứu về kiến trúc lăng tẩm thời Nguyễn đối với các vị vua của thời đại trước đó.
Lăng vua Đinh và lăng vua Lê nằm gần kề với hệ thống các di tích liên quan đến triều Đinh - Tiền Lê như: đền thờ vua Đinh, đền thờ vua Lê, chùa Nhất Trụ, chùa Ngần, Phủ Bà chúa... tạo thành một quần thể di sản có giá trị đặc biệt về mặt lịch sử, tâm linh và du lịch. Việc bố trí các công trình này không chỉ thuận tiện cho du khách chiêm bái mà còn thể hiện quy hoạch không gian mang ý nghĩa phong thủy và triết lý nhân văn sâu sắc của người xưa.
Đứng từ đỉnh núi Mã Yên nhìn xuống, du khách có thể cảm nhận rõ nét vẻ đẹp hùng vĩ mà hữu tình của vùng đất cố đô. Những dải sông nước lấp lánh, cánh đồng trải dài, mái nhà ẩn hiện bên lũy tre, tất cả hiện lên như một bức tranh thủy mặc mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho mảnh đất thiêng Trường Yên.
Giá trị lịch sử và sức sống đương đại
Hai lăng mộ của vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành không chỉ là biểu tượng thiêng liêng trong lòng người dân Ninh Bình, mà còn là nơi gửi gắm hồn cốt dân tộc – nơi khởi đầu cho những trang sử hào hùng của đất nước Đại Cồ Việt. Mỗi dịp lễ hội Trường Yên, hàng vạn du khách thập phương lại hành hương về đây dâng hương tưởng niệm, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tri ân tiền nhân.
Trong dòng chảy của thời gian, những công trình tưởng niệm này vẫn âm thầm hiện diện, như những pho sử đá sừng sững, vừa linh thiêng vừa trầm mặc. Cùng với quần thể Cố đô Hoa Lư, lăng vua Đinh và vua Lê mãi là điểm nhấn văn hóa - lịch sử đặc sắc, là niềm tự hào và di sản quý báu cần được gìn giữ, bảo tồn cho muôn đời sau.